Xem xét công tác nhân sự và nhiều nội dung quan trọng
Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 22-5 với tổng thời gian làm việc là 22 ngày.
Quốc hội sẽ họp tập trung và tiến hành họp theo 2 đợt. Đợt 1 kéo dài 17 ngày, từ 22-5 đến 10-6. Đợt 2 diễn ra trong 5 ngày, từ 19-6 đến 23-6.
Theo ông Cường, do hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, đồng thời để bảo đảm điều kiện tiến hành các phiên họp về nhân sự, việc biểu quyết các nội dung của kỳ họp, Quốc hội sẽ họp tập trung.
Chương trình nghị sự dự kiến ngay trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ họp riêng để quyết định công tác nhân sự.
Với nội dung khác, tổng thư ký Quốc hội cho biết Chính phủ đề nghị bổ sung một số nội dung vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5.
Đó là dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM; Việc tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về giảm thuế giá trị gia tăng; việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Với 3 dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ, theo ông Cường, đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Nội dung này đang chờ xin ý kiến Bộ Chính trị. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Nếu Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (tại kỳ họp thứ 5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bổ sung vào chương trình kỳ họp trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Do đó, trong dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5 chưa thể hiện 3 dự án luật này.
Trường hợp 3 dự án luật trên được trình Quốc hội, thời gian của kỳ họp thứ 5 sẽ được bố trí dài hơn.
Không giảm thời gian chất vấn
Ghi nhận ý kiến từ một số đoàn đại biểu Quốc hội, tổng thư ký Quốc hội cho biết có đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị tăng thời gian trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); tăng thời gian thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước lên 2 ngày; giảm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày…
Tuy nhiên, ông Cường không đồng tình với đề nghị giảm thời gian chất vấn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày mà xin giữ nguyên như thông lệ tại các kỳ hợp trước.
Có ý kiến cho rằng việc tổ chức kỳ họp thành 2 đợt được coi là có sự đổi mới, đột phá, nhưng đề nghị cân nhắc kỹ, nghiên cứu bố trí phương án hậu cần cho phù hợp, nhất là đối với những đoàn đại biểu Quốc hội ở xa để thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bố trí thời gian kỳ họp thành 1 đợt và không bố trí họp ngày thứ bảy, để dành thời gian cho các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý nội dung kỳ họp.
Ông Cường giải thích việc bố trí kỳ họp thành 2 đợt, trong đó ấn định thời gian của đợt 1 (kết thúc ngày 10-6) để cơ bản thảo luận xong các nội dung và các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết trong khoảng 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt.
Việc này cũng tạo điều kiện để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm giải quyết các công việc ở bộ, ngành, địa phương.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu tổng thư ký Quốc hội rà soát các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sớm hoàn thiện tất cả các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Ông yêu cầu tổng thư ký Quốc hội sau cuộc họp này rà soát và có văn bản thông báo tới cơ quan hữu quan những việc còn chậm, trong đó xác định thời hạn cuối cùng. Sau thời gian đó, nguyên tắc là không xem xét.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận