Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp và hiện đang xây dựng nhiều công trình - Ảnh: PhilStar |
Chiều 5-6, Quốc hội dành khoảng một giờ để tiến hành phiên họp riêng, nghe Phó thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo về vấn đề biển Đông.
Theo nhiều đại biểu, thông tin Chính phủ báo cáo cũng là những gì báo chí đưa tin, dư luận đã biết trong thời gian qua.
Trong đó, quan trọng nhất là nêu việc Trung Quốc tiến hành xây dựng, tôn tạo, mở rộng quy mô các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
“Những thông tin trên báo chí lâu nay tôi thu nhận được là những thông tin rời rạc, theo sự kiện, còn thông tin Chính phủ báo cáo ra Quốc hội được tập hợp, có hệ thống hơn” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), người đề nghị đưa tình hình biển Đông vào nghị trình chính thức của Quốc hội, nói với phóng viên Tuổi Trẻ.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng - cho biết Quốc hội chỉ nghe báo cáo chứ không dành thời gian thảo luận về vấn đề biển Đông. Trước đó, nhiều đại biểu đề nghị đưa ra thảo luận về việc này.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói: “Tôi tin nhiều đại biểu Quốc hội sẽ công khai phát biểu việc này tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội vào đầu tuần tới”.
Đánh giá về việc họp riêng nghe báo cáo về biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc - người gửi thư cho Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội phản ứng chính thức về hành vi Trung Quốc bồi đắp, xây dựng trái phép trên các đảo ở Trường Sa - cho biết cảm giác của ông là: “Không phải chỉ tiếc mà quá đáng tiếc! Vì Quốc hội thể hiện rõ thái độ tức là thể hiện rõ tiếng nói của người dân!”.
Ông nói thêm: “Người dân sẽ hỏi thế Quốc hội làm gì, chúng tôi giải thích như thế nào đây? Có thể có người sẽ giải thích buổi báo cáo như vậy là “nước cờ cao”. Nhưng dân thì sẽ không hiểu”.
Cũng có một số đại biểu cho rằng họp riêng về biển Đông, nghe báo cáo như vậy là cần thiết và chừng mực.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận - nói: “Đây là vấn đề bảo vệ chủ quyền, cần phải có những bước đi thận trọng, chắc chắn chứ không thể vội vàng được”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận