Chiều 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV.
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 25 ngày.
Khai mạc vào ngày 23-10 và dự kiến bế mạc vào sáng 29-11, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc ba ngày thứ bảy. Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp tiến hành theo hai đợt, cụ thể: đợt 1 là 20,5 ngày, từ ngày 23-10 đến sáng 16-11; đợt 2 là 4,5 ngày, từ ngày 24-11 đến sáng 29-11.
Ông Cường đề nghị bố trí nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại ba phiên.
Bố trí truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam phiên thảo luận một số dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp trên các đài truyền hình, truyền thanh quốc gia nội dung Quốc hội thảo luận các báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng việc phân kỳ họp thành hai đợt là đúng.
Tuy nhiên đợt 1 của kỳ họp theo đề xuất quá dài, trong khi đợt 2 quá ngắn. Do đó cần xem xét điều chỉnh, sắp xếp cho phù hợp hơn, kết thúc sớm hơn đợt 1.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tổng thư ký nghiên cứu các ý kiến được nêu ra, sau đó chỉnh sửa, gửi lấy ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6. Theo dự kiến chương trình kỳ họp, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành ngay cuối chiều ngày khai mạc kỳ họp (23-10).
Trong chiều 23-10, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm do Ban Công tác đại biểu trình, sau đó tiến hành thảo luận tại các đoàn đại biểu về việc lấy phiếu tín nhiệm.
Sáng 24-10, sau khi nghe báo cáo kết quả thảo luận tại các đoàn, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố vào chiều 24-10. Sau đó, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, những chức danh được bầu và phê chuẩn từ 1-1-2023 (trong năm lấy phiếu tín nhiệm) sẽ không thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận