05/06/2017 08:13 GMT+7

Chưa đồng ý với bộ trưởng, đại biểu quốc hội nhấn nút tranh luận

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Sau phần phát biểu khá lạc quan của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) đã nhấn nút tranh luận về vấn đề chất lượng sống, sức khỏe của người dân.

Quốc hội dành cả ngày 5-6 để thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”. 

Mở đầu buổi thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016.

Người dân "tự xử"

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu bắt đầu thảo luận. Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) là người phát pháo đầu tiên với nhận định rằng ông Mai cho rằng các con số báo cáo nêu lên chỉ là phần nổi của tảng băng an toàn thực phẩm.

Ông nói: “Hàng năm chắc chắn có cả chục triệu ca tiêu chảy, người dân thường tự xử chứ không đến bệnh viện nên không được ghi nhận”.

Theo ông Mai, để đối phó, một bộ phận người dân tự trồng rau, nuôi heo, nuôi gà theo lối tự cấp, tự túc, cũng có người phó mặc sức khỏe, tính mạng cho may rủi, số phận.

Đại biểu Tiền Giang kiến nghị có đường dây nóng với số dễ nhớ như 113, 115 để người dân dễ phản ánh.

Đồng thời, đảm bảo sản xuất an toàn cũng phải được đưa vào thành tiêu chí cứng để công nhận xã Nông thôn mới, không cho nợ. Cũng như đưa vào hương ước làng xã để giảm tình trạng một nhà có “hai luống rau, hai chuồng gà”.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng - Ảnh: VGP

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thì nhấn mạnh người dân chính là người giám sát tốt nhất, họ phải được tạo điều kiện để phản ánh. Hiện họ không biết báo tin ở đâu, thủ tục thì rườm rà, cơ chế bảo vệ chưa hiệu quả…

Cần giải quyết vấn đề này, cũng như có cơ chế tôn vinh khen thưởng người cung cấp thông tin về mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai

Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) bày tỏ lo lắng về chất lượng nước các con sông ở thủ đô.

Đại biểu Ánh nói: "Chúng đang bị ô nhiễm trầm trọng vì phải tiếp nhận nước thải từ các hoạt động công nghiệp, sản xuất nhỏ lẻ và đời sống sinh hoạt hàng ngày của cả thành phố. Nước không sạch từ đó tác động tiêu cực lại đến sản xuất và sinh hoạt. Cử tri Hà Nội thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng “cứu” các con sông, trả lại tên cho chúng, từ đó đảm bảo cuộc sống cho 12 triệu người dân sống ven sông."

Đại biểu Dương Minh Ánh

Thực phẩm bẩn có ở khắp nơi

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) chỉ ra tỉ lệ các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh được cấp giấy chứng nhận chỉ dưới 50%. Thực phẩm an toàn hay không an toàn cùng lưu thông, buôn bán.

“Thực phẩm bẩn đang cạnh tranh với thực phẩm sạch. Thực phẩm bẩn có ở khắp nơi”, ông Toàn nói.

Nhưng việc kiểm tra chưa nghiêm, không đủ sức răn đe, chỉ 20% cơ sở bị kiểm tra. Nhận thức của người buôn bán về an toàn thực phẩm cũng còn quá đơn giản, nhiều bộ phận làm ăn chụp giật không quan tâm đến sức khỏe con người.

Kiến nghị Quốc hội đề ra mục tiêu cụ thể, như ấn định thời gian để 80% chợ được quy hoạch, kiểm soát về an toàn thực phẩm 100% bếp ăn được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm…

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) lo lắng khi thấy hóa chất để chế biến thực phẩm có ở mọi thứ mà “không biết hóa chất từ đâu ra”.

Nhưng ông Nhân cũng lưu ý việc nhập khẩu thuốc bảo vệ thực phẩm từ Trung Quốc tăng hơn năm ngoái, chưa kể đường tiểu ngạch. “Ta đang tự đầu độc chính mình”, đại biểu Bình Dương nói.

Trong khi đó, có nhiều loại thực phẩm mà không biết bên nào quản lý, ví dụ bún ăn thì có đến cả 3 bộ: nguyên liệu làm bún do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản. Đưa lên sạp bán thì Bộ Công thương lo. Nếu có chất cấm, chất độc lại là trách nhiệm của Bộ Y tế.

Ông Nhân nhấn mạnh: “Phải coi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn là tội ác. Tôi tha thiết kêu gọi những các người sản xuất vì lương tri, vì sự tồn vong của đất nước mà trả lại cho xã hội môi trường an toàn”.

“Ta không đủ giàu để lại cho con cháu vật chất, nhưng ta phải để lại cho con cháu môi trường an toàn và sức khỏe”, đại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu.

Những nhận định lạc quan

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường được dành cho 10 phút để giải trình các vấn đề đại biểu nêu ra từ sáng.

Ông Cường bắt đầu với những nhận định lạc quan: 5 năm qua ta sản xuất lương thực thực phẩm đáp ứng cho 92 triệu dân, trên 100 triệu tấn nông sản xuất khẩu sang các nước.

“Ta đã đưa được tuổi thọ người dân tăng lên 74 tuổi, đó là cố gắng lớn”, Bộ trưởng nói.

Với kết quả giám sát, ông Nguyễn Xuân Cường cam kết không chờ nghị quyết của Quốc hội mà ngay sau đây sẽ tiếp tục giám sát kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y…

“Cho đến nay, ta dùng 8-10 triệu tấn phân bón, và tới đây sẽ trình để vấn đề phân bón chỉ còn duy nhất một bộ quản lý. Đầu quý 3 năm nay, tất cả phần quản lý từ bộ Công thương về phân bón sẽ chuyển về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn”, ông Cường cho biết.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kết thúc phần phát biểu, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) bấm nút tranh luận: “Tuổi thọ trung bình tăng lên 74 nghe rất lạc quan. Nhưng vấn đề là tuổi thọ sức khỏe của người Việt Nam chỉ là 56 tuổi. Vậy còn 18 năm là sống trong bệnh tật?”

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cũng bấm nút tranh luận: “Các đại biểu có ý kiến thành lập một cơ quan độc lập giám sát vấn đề an toàn thực phẩm. Nhưng Bộ Công thương, Y tế đều có bộ phận thanh tra rồi, có cần lập thêm một bộ máy nữa không?”

Theo ông Lợi, cái gốc vẫn nằm ở Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. “Hôm qua tôi đi công tác Sơn La, thấy tỉnh có phương án trồng rau sạch để đưa xuống Hà Nội, tôi ăn được chia một lá xà lách sạch mà thấy hạnh phúc lắm. Người dân ở đó vặt rau ngay tại ruộng để ăn…”, ông Bùi Lợi chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) thẳng thắn tranh luận rằng các giải pháp được nêu “chỉ giải quyết một phần cái ngọn”. Cái gốc, theo luật sư này, là do tình trạng phân bón được sử dụng tràn lan.

“Phân bón khiến chất đất bị ô nhiễm. Thuốc trừ sâu không phù hợp khiến nước bị ô nhiễm. Ta sản xuất nông nghiệp nhờ đất và nước, nhưng cả hai yếu tố này đều bị ô nhiễm thì cái gốc làm sao giải quyết được?”, ông Chiến đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tranh luận lại với ý kiến cho rằng mọi trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý. “Người nông dân sản xuất và cũng chính người nông dân gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng cũng phải ‘thông minh’ để lựa chọn thực phẩm an toàn”, ông Phương nói.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên