Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chất vấn bộ trưởng Bộ Y tế tại kỳ họp giữa năm 2017 - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết bà sẽ "canh" nút bấm đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Cử tri cần hành động để chấn hưng giáo dục
"Chúng tôi rất thấu hiểu và chia sẻ với những mệt mỏi của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Dễ hiểu là bởi giáo dục tác động tới tất cả mọi gia đình, mọi cá nhân. Nhưng như một thói quen được lặp đi lặp lại, bộ trưởng chỉ hứa mà không vạch ra được nhiều giải pháp cụ thể. Cử tri cần hành động để chấn hưng giáo dục chứ không chỉ là lời hứa" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Đại biểu Lan nói bà không hài lòng về phần giải trình, trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội hôm 31-5: "Bộ trưởng đã nói nhận trách nhiệm nhưng tôi không đồng ý với cách nói như thế. Lý do đòi hỏi là các đại biểu Quốc hội cũng đã nói rồi, Bộ trưởng Nhạ đã có đủ thời gian để chứng minh nỗ lực của mình rồi.
Chúng tôi muốn bộ trưởng trả lời rằng việc bộ trưởng đã làm thời gian qua cụ thể là gì? Kết quả ra làm sao? Điều bức xúc nhất là gian lận thi cử. Vụ việc này bộ trưởng phải hành động chứ không thể nói rằng chỉ ngồi đó chỉ đạo một cách thụ động, rồi đợi kết quả từ cơ quan điều tra...".
Cũng theo đại biểu Lan, bà và nhiều đại biểu khác không hài lòng trong việc xử lý tiêu cực vừa qua. Đó là việc Bộ GD-ĐT không tìm cách trả lại quyền lợi cho những thí sinh học thật, thi thật mà vì gian lận đã không đậu vào các trường ĐH.
Bà nói: "Những trường hợp gian lận đã lấy đi suất học của các em học thật, thi thật. Vậy khi buộc thôi học thí sinh gian lận thì những suất học đó có được trả lại cho những người xứng đáng hay không? Trả lời câu hỏi này Bộ GD-ĐT nói rằng nếu làm như thế thì sẽ 'xáo trộn rất lớn'. Nói vậy là không thỏa đáng.
Lỗi sai sót là từ Bộ GD-ĐT thì bộ phải sửa sai, đền bù cho thí sinh. Đừng lý luận rằng khó hay phức tạp".
Bức xúc chuyện giá điện
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho biết thời gian qua bộ máy Chính phủ đã thể hiện quyết tâm rất cao về một Chính phủ minh bạch nhưng đúng là có nhiều câu chuyện làm người dân chưa hài lòng như chuyện tăng giá xăng dầu, giá điện, các dự án đầu tư.
"Dù Thủ tướng đã thể hiện sự quyết tâm rất mạnh mẽ nhưng phía dưới vẫn còn 'ấm ấm' chứ chưa nóng theo. Tôi sẽ chất vấn lại vấn đề này cùng với một loạt vấn đề liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, tôi sẽ tiếp tục đặt ra câu chuyện triết lý giáo dục dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không đồng ý đưa nội dung này vào luật" - ông Thái nói.
Còn đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) lại quan tâm đến các vụ bạo hành, xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em xảy ra thời gian qua gây bức xúc cho dư luận.
Bà nói: "Nhiều vụ việc khi được phát hiện thì quá trình xử lý rất khó khăn do hành lang pháp lý yếu, sự lúng túng trong cách áp dụng luật. Rất mừng là vấn đề này đã được Quốc hội quan tâm và các cơ quan tố tụng, các bộ ngành cũng bày tỏ nỗ lực để tìm mọi cách ngăn chặn các hành vi nhằm tạo môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em.
Tôi sẽ bấm nút để hỏi sâu thêm vấn đề này. Việc giải quyết, ngăn chặn hành vi dâm ô, xâm hại không phải chỉ một bộ ngành giải quyết mà thực sự rất rộng lớn, liên quan đến nhiều bộ ngành, lĩnh vực, từ Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT tới các tổ chức đoàn thể".
Không để tái diễn những vụ tương tự như VN Pharma
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngoài chuyện giáo dục, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho biết sẽ đặt những câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
* Bà sẽ đặt câu hỏi gì cho Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và các cơ quan liên quan?
- Tôi muốn được làm rõ thêm quanh vụ xử bác sĩ Hoàng Công Lương. Bộ Y tế đã có quan điểm, đã gửi công văn qua Viện KSND rồi nhưng tôi rất mong hệ thống tư pháp sẽ nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, đa chiều hơn.
Không nên ghép tội bác sĩ Lương bằng tất cả mọi giá, nếu như vậy thì không thỏa đáng và sẽ tạo tâm lý rất xấu cho ngành y tế. Các bác sĩ sẽ không yên tâm làm việc, trong khi xét xử thì không đúng người đúng tội.
Nếu phân tích cụ thể về vụ việc này thì cơ quan tố tụng đã 3 lần đổi tội danh, mỗi lần đổi thì mức án lại càng tăng lên trong khi vấn đề ở đây là sai quy trình.
* Hiện nay thuốc giả đang gây hoang mang cho người bệnh, đẩy người dân vào thế cùng cực. Vụ án VN Pharma có nằm trong mối quan tâm của bà không?
- Đây là vấn đề mà tôi dự tính sẽ yêu cầu được các cơ quan tố tụng trả lời để bà con cử tri nắm. Điều tôi muốn hỏi là vụ thuốc giả liên quan đến VN Pharma đã làm tới đâu rồi? Ở đây không chỉ là chuyện trừng phạt những người buôn bán thuốc giả mà chúng ta phải nghĩ đến việc người dân vì đau yếu bệnh tật mà phải sử dụng những viên thuốc giả đó thì sẽ ra sao?
Trong khi người dân không phải mua thuốc ở một nơi trôi nổi, ở chợ hay ở đâu khác mà lại mua ở kênh chính thức là bệnh viện, các bệnh viện đó đã được Bộ Y tế cấp phép. Vậy thì Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, nếu có thiệt hại thì buộc phải đền bù. Vậy cơ chế đền bù trong vụ VN Pharma này đã được đặt vấn đề chưa? Đền bù ra sao?
Không thể chỉ riêng vụ này mà vấn đề là sẽ là tiền lệ để cho các sự việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai, để răn đe những người đã cấu kết, thông đồng, từ người cấp phép cho tới người trực tiếp mua bán thuốc giả. Nếu không xử phạt nặng thì cũng giống như các vụ ma túy mà công an triệt phá tới hàng tấn như thời gian vừa qua, không làm nghiêm thì tính chất răn đe sẽ không có.
Một khía cạnh khác tôi cũng thấy rằng hệ thống tư pháp của chúng ta trong vụ VN Pharma tỏ ra phản ứng quá chậm. Khi vụ việc xảy ra từ năm 2014 rồi sau 5 năm, cho tới nay vẫn chưa kêu án được thì làm sao có thể răn đe?
T.B.D. thực hiện
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận