Đại biểu Dương Trung Quốc: Quốc hội đón ông Tập Cận Bình theo chuẩn mực nào? - Ảnh: Việt Dũng |
“Người dân hỏi tôi là khi ông Tập Cận Bình phát biểu ý kiến, các vị đại biểu Quốc hội vỗ tay trong tâm thế thế nào? Đồng thuận với phát biểu chăng? Hay chỉ là xã giao? Chắc mỗi đại biểu Quốc hội có mặt hôm đó đều suy nghĩ việc này” - ông Quốc nói.
Theo đại biểu Quốc, “diễn đàn Quốc hội là diễn đàn để bày tỏ ý kiến, chứ không phải chỉ là diễn đàn xã giao. Đối ngoại là lĩnh vực rất quan trọng, rất đa dạng về hình thái, trong đó có những hoạt động đối ngoại lớn của Quốc hội mà người dân chưa hiểu hết, chưa thấy hết”.
“Nhưng có những hoạt động ngoại giao tác động trực tiếp đến đời sống của người dân, ví dụ làm sao để ngư dân đi biển được yên tâm, ổn định, làm sao để biển không còn gợn sóng dữ, làm sao để bảo vệ được chủ quyền đất nước”.
Ông Quốc cho biết: “Trên lĩnh vực này, qua ý kiến của người dân thì tôi thấy họ chưa hài lòng. Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, tôi thấy rằng tiếng nói của Quốc hội chưa đủ mạnh. Quốc hội chính là nơi ngoại giao nhân dân cao nhất, trải nghiệm lịch sử cho thấy tiếng nói của Quốc hội rất quan trọng, nó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn thể hiện được mong muốn hòa bình”.
“Vì vậy tôi nghĩ rằng trong thời gian tới, những vấn đề còn nguyên vẹn như vậy, Quốc hội cần quan tâm hơn nữa, có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa”.
Ông Quốc đặt ra vấn đề cần phải chuẩn hóa việc mời khách của Quốc hội.
“Tại diễn đàn Quốc hội, chúng ta đã rất trân trọng đón Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, ông phát biểu diễn văn không dài nhưng rất chân thành, sâu sắc. Nhưng qua ba nhiệm kỳ Quốc hội mà tôi được chứng kiến, thì ngoài sự kiện đón Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, có hai lần chúng ta đón các vị nguyên thủ quốc gia đều là của Trung Quốc” - ông dẫn chứng.
Đại biểu Quốc cho rằng “việc đón một nguyên thủ quốc gia một nước lớn, có nhiều quan hệ với chúng ta, là rất đáng trân trọng. Nhưng nếu chúng ta chỉ tổ chức như một diễn đàn riêng thì rõ ràng là rất băn khoăn".
"Tại sao chúng ta không tạo thành một thông lệ có chuẩn mực để mời lãnh đạo nhiều quốc gia hơn?”, ông đặt câu hỏi.
“Hơn nữa, trong hoàn cảnh cụ thể của chúng ta hiện nay, vậy thì ai là người mời? Có phải đó là ý chí của Quốc hội không? Có chuẩn mực, điều luật nào quy định để Quốc hội lựa chọn không? Chúng ta cần phải quy định để sau này còn mời nhiều người khác đến”, ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận