Trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở các ý kiến, dự thảo mới đã tiếp thu, điều chỉnh một số nội dung, như việc có chương riêng về ngân hàng chính sách.
Cần có biện pháp để can thiệp sớm
Điều chỉnh tỉ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân là 5% (thay vì 3% như dự thảo trước); quy định lộ trình giảm dần giới hạn cấp tín dụng xuống 10% vốn tự có đối với một khách hàng và 15% vốn tự có đối với khách hàng và người có liên quan trong 5 năm nhằm giảm thiểu tác động.
Đáng chú ý, nhiều nội dung trong dự thảo luật cũng còn có các ý kiến khác nhau, như các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng. Theo đó, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một cách kỹ lưỡng đối với các quy định liên quan đến can thiệp sớm, quản trị rủi ro ngân hàng, bởi quy định như dự thảo vẫn là chậm.
Tiếp thu các ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết dự thảo luật đã điều chỉnh theo hướng sớm hơn. Cụ thể, trường hợp lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được điều chỉnh giảm xuống còn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (giảm so với quy định 20% trước đây); vi phạm tỉ lệ khả năng chi trả trong thời gian là 30 ngày liên tục (dự thảo trước đây là 3 tháng liên tục), sẽ có can thiệp sớm.
Trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt, dự thảo cũng đưa ra hai phương án can thiệp sớm. Phương án 1, giữ quy định tổ chức tín dụng được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp các tổ chức này có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời.
Đồng thời, bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo luật hiện hành....
Phương án 2, kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỉ lệ bảo đảm an toàn, vì có một số trường hợp tổ chức tín dụng có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng tổ chức tín dụng này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỉ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số ý kiến thống nhất phương án 1.
Xử lý nhanh, dứt điểm ngân hàng yếu kém
Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn can thiệp sớm theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của WB chủ yếu là biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng, không sử dụng nguồn lực nhà nước, không có hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác để tránh lan truyền.
Vì vậy, dự thảo bỏ các biện pháp hỗ trợ và chỉ quy định về các biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng, không quy định các biện pháp gián tiếp từ nguồn lực nhà nước, biện pháp không đảm bảo nguyên tắc kế toán, phản ánh không đầy đủ, chính xác tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng.
Với quy định về kiểm soát đặc biệt, có ý kiến cho rằng cần sửa đổi, bổ sung tiếp những nội dung về xử lý ngân hàng yếu kém để xử lý nhanh và dứt điểm, không để kéo dài, gây ra những hệ lụy lớn cho nền kinh tế và cho xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến các đại biểu và rà soát lại các trường hợp đưa vào kiểm soát đặc biệt, thiết kế hai phương án để quản lý.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ quan thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể các trường hợp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, thuyết minh các trường hợp và đánh giá tác động cụ thể hơn.
Về hỗ trợ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định. Vì thế, Ủy ban Thường vụ cho hay đa số ý kiến đồng thuận bổ sung quy định về việc các ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận