Hộ chiếu "quốc gia" rác của "công dân" Al Gore - Ảnh: LADbible
Nếu quý vị cho rằng chiến dịch này nực cười, vui lòng nghĩ đến việc có một khu vực bằng diện tích nước Pháp làm hoàn toàn bằng rác thải nhựa trên đại dương
Thông cáo của Công ty truyền thông LADbible
Khối rác rộng hơn nửa triệu kilômet vuông đang bồng bềnh ngoài khơi Thái Bình Dương, một thảm họa môi trường ngay trước mắt, nhưng dường như không ai thật sự để ý. Trước tình hình đó, vào đầu tháng 9-2017, Công ty truyền thông LADbible (Anh) cùng với tổ chức phi chính phủ Plastic Oceans Foundation (Mỹ) khởi động chiến dịch táo bạo: kiến nghị Liên Hiệp Quốc công nhận khối rác thải nhựa khổng lồ nói trên là thành viên thứ 194 của tổ chức lớn nhất hành tinh này.
Diện tích gần bằng nước Pháp
LADbible đặt tên chiến dịch là Trash Isles (Đảo Rác), và đây cũng là tên gọi cho "quốc gia" mà tổ chức này muốn Liên Hiệp Quốc công nhận. Khối rác được chiến dịch chọn là đảo rác Thái Bình Dương (Great Pacific Garbage Patch), nơi chất thải đủ loại được dòng chảy của Bắc Thái Bình Dương cuốn đến và mắc kẹt ở đó. LADbible khẳng định diện tích của "đảo rác" này đã gần bằng nước Pháp (hơn 643.000 km2).
Điều thú vị là chiến dịch Trash Isles muốn Liên Hiệp Quốc công nhận lượng rác thải nhựa khổng lồ nói trên là một quốc gia, chỉ để mong nó sớm được "xóa sổ". Điều này nghe trớ trêu nhưng không phải vô lý: chiến dịch muốn các chính phủ "giật mình" và thực sự hành động để quốc gia "có mùi" này sớm biến mất, đồng nghĩa với việc giảm bớt ô nhiễm cho Thái Bình Dương.
Chúng tôi muốn nhấn chìm quốc gia này. Chúng tôi không muốn có thêm rác thải nhựa trên đại dương. Các đại dương có vai trò quan trọng với sự sống còn của con người và chúng ta cần phải bảo vệ chúng"
Cựu Phó tổng thống Mỹ Al Gore nói trong một thông cáo của Trash Isles
Ông Al Gore chính là "công dân danh dự" đầu tiên của quốc gia Trash Isles, trong khi nữ diễn viên 83 tuổi người Anh Judi Dench, người đoạt giải Oscar với vai nữ hoàng Anh Elizabeth I trong bộ phim Shakespeare đang yêu, cũng đã đồng ý làm "nữ hoàng" xứ đảo rác.
Trong số những người nổi tiếng ủng hộ sáng kiến này còn có vận động viên điền kinh từng đoạt huy chương vàng Olympic Mo Farah.
Theo trang AdWeek, chiến dịch cũng đã thiết kế sẵn quốc kỳ, hộ chiếu và cả tiền giấy (gọi là đồng debris, nghĩa là mảnh rác) và tem bưu chính, tất cả làm từ vật liệu tái chế, cho Trash Isles.
Ông Stephen Mai, đại diện LADbible, cho rằng mọi thứ chỉ mới bắt đầu và họ còn có thể có "quốc ca, tổng tuyển cử hay thậm chí đội bóng quốc gia". Hiện có hơn 130.000 người đăng ký trở thành công dân của quốc gia này thông qua trang kiến nghị trực tuyến change.org.
Tờ tiền của "quốc gia" đặc biệt này - Ảnh: LADbible
Thảm họa cận kề
Hãng tin Reuters dẫn một nghiên cứu năm 2014 cho biết có hơn 5.000 tỉ mẩu rác thải nhựa trôi lềnh bềnh trên đại dương và rác được vứt đầy các đại dương từ Nam Cực đến Bắc Cực. LADbible đưa ra thống kê khủng khiếp hơn: 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải vào đại dương mỗi năm, tương đương mỗi phút lại có xe tải chở đầy rác thải nhựa xả xuống đại dương.
Theo trang Quartz, rác thải nhựa trên đại dương không chỉ gây hại cho các loài sinh vật mà còn có thể "chui" vào cơ thể cá và các loại thủy sản dưới dạng vi hạt siêu nhỏ. Các sinh vật này sau đó sẽ trở thành các món ăn ngon miệng, gây ảnh hưởng gián tiếp cho con người. Đáng lo ngại hơn, ngoài đảo rác ở Bắc Thái Bình Dương, các nhà nghiên cứu hồi tháng 7 công bố họ đã tìm thấy một đảo rác tương tự đang hình thành ở phía nam đại dương này.
LADbible cho biết chiến dịch sẽ kéo dài ba tháng và cần những người quan tâm đến môi trường giúp đỡ bằng cách đăng ký làm "công dân" của Trash Isles để "gây áp lực cho Liên Hiệp Quốc phê chuẩn đơn xin công nhận quốc gia của chúng tôi". LADbible trấn an là công dân đăng ký qua change.org không cần phải thực sự dọn đến ở trên "đảo rác".
Chưa biết chiến dịch có thành công hay không, song LADbible và Plastic Oceans Foundation cho biết họ mong muốn "vấn đề rác thải đại dương không bị phớt lờ thêm nữa", và khẳng định sẽ "gây "ồn ào" về chuyện này cho đến khi mọi người chịu lắng nghe mới thôi".
Đủ điều kiện
Cơ sở pháp lý của việc đòi công nhận quốc gia, theo LADbible, là điều 1 trong Công ước Montevideo về quyền và nhiệm vụ của các quốc gia năm 1933, quy định một quốc gia phải đáp ứng bốn yêu cầu để được công nhận: có dân số, chính phủ, ranh giới lãnh thổ và khả năng tương tác với các nước khác.
Theo trang Quartz, các nhà vận động có thể vẽ quanh khối rác để xác định biên giới và không quá khó để lập chính phủ và tương tác với các quốc gia khác. Ngoài ra, số người ký tên trên change.org để làm công dân Trash Isles cũng giúp đáp ứng yêu cầu về dân số.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận