16/06/2011 04:17 GMT+7

Quốc gia biển phải có bảo tàng văn hóa biển

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN

TT - Việt Nam là một quốc gia biển - điều ấy không ai phủ nhận. Nhưng trong khi hầu hết các nước có biển đều có cả hệ thống bảo tàng biển từ trung ương đến các địa phương, thì nước ta chưa có một bảo tàng biển đúng nghĩa nào.

U3fQ8F6q.jpgPhóng to

Lễ nghinh Ông trong lễ hội cầu ngư, một lễ hội truyền thống của ngư dân Nam Trung bộ, được tổ chức ở vịnh Xuân Đài (Sông Cầu, Phú Yên) - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Đó là ý kiến đáng chú ý nhất tại hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” được tổ chức ngày 15-6 tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) thu hút 50 tham luận tham gia, trong đó, có 24 tham luận được trình bày.

Câu chuyện từ Nhật Bản

Tại diễn đàn hội thảo khoa học “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa”, TS Trần Đức Anh Sơn (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) kể lại câu chuyện khi đến Bảo tàng Okinawa (Nhật Bản), người hướng dẫn tham quan của bảo tàng này đã mở đầu bài thuyết minh bằng một câu nói rất ấn tượng: “Một quốc gia biển phải có những bảo tàng về văn hóa biển.

Bảo tàng Okinawa là một bảo tàng như thế. Và chúng tôi rất tự hào về nền văn hóa biển của vương quốc Ryukyu được trưng bày và bảo tồn trong bảo tàng này”. Bảo tàng Okinawa không phải là nơi duy nhất bảo lưu dấu vết văn hóa biển của người Ryukyu. Nơi đây còn có Bảo tàng Hải dương học và Bảo tàng Tàu thuyền, là nơi trưng bày tất cả những gì liên quan đến biển và cách thức người Ryukyu “sống chung” với biển.

Ryukyu (Lưu Cầu) là tên gọi trước đây của quần đảo Okinawa, một vương quốc tồn tại độc lập với đế chế Nhật Bản. Khi sáp nhập vương quốc Ryukyu vào lãnh thổ Nhật Bản năm 1879, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện những chính sách nhằm bảo lưu nền văn hóa biển của Ryukyu, đồng thời đưa nền kinh tế của Okinawa phát triển theo hướng kinh tế biển.

Nhờ chiến lược phát triển kinh tế biển và chính sách bảo hộ nền văn hóa biển nhằm nuôi dưỡng lòng tự hào về truyền thống của một “quốc gia biển”, nên Okinawa đã trở thành một thành tố quan trọng, cùng với các tỉnh thành ven biển khác biến Nhật Bản trở thành một “quốc gia biển” hùng mạnh.

Từ câu chuyện Bảo tàng biển Okinawa nhìn rộng ra các quốc gia láng giềng của chúng ta như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển tích cực và hữu hiệu. Các tư liệu tại hội thảo còn cho thấy hầu như các quốc gia có biển trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Nga... đều có hệ thống bảo tàng biển tại trung ương và các địa phương.

Thực trạng ở Việt Nam

"Một “quốc gia biển” chỉ thật sự hùng mạnh khi chủ quyền đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc, và chiến lược “phát triển kinh tế biển” phải gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển”"

Là một quốc gia biển nhưng đến nay Việt Nam chưa có một bảo tàng biển đúng nghĩa nào. Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi trong tham luận “Về một bảo tàng văn hóa biển” đã cung cấp thông tin về thực trạng này khá chi tiết: “Trong số 138 bảo tàng trong cả nước, hiện không có bảo tàng văn hóa biển. Chỉ có phòng trưng bày “Lễ hội văn hóa truyền thống của ngư dân Nam Trung bộ” trong Bảo tàng Viện Hải dương học (Nha Trang) khai trương ngày 6-7-2007, trưng bày tín ngưỡng thờ cá Ông ở miền Trung.

Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng chỉ có một số hiện vật liên quan đến việc khai thác Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn, vua Nguyễn. Đáng chú ý, trong số đó là mô hình chiếc ghe và những vật dụng như thẻ lệnh xuất hành, các vật dụng sinh hoạt trên ghe.

Một số bảo tàng có trưng bày hiện vật liên quan đến văn hóa biển như Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Quảng Ngãi chưa bật lên được tính chất biển của dải đất Nam Trung bộ”. Có ý kiến cho rằng, “bảo tàng biển” mà nhiều người quen gọi ở Viện Hải dương học Nha Trang thực chất chỉ là bảo tàng sinh vật biển.

TS Trần Đức Anh Sơn cho rằng: “Hiện tại ở nước ta chưa có một bảo tàng nào liên quan đến nghề đi biển hay truyền thống văn hóa biển của người Việt. Nhà nước cũng chưa có chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển Việt Nam. Đây là một thực tế đáng buồn. Đã đến lúc cần thay đổi thực trạng trên. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng những chính sách và cách thức mà người Nhật Bản và người Hàn Quốc đã thực hiện trong việc bảo tồn truyền thống văn hóa biển ở quốc gia của họ”.

Đề xuất không chỉ một mà ba

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, không thể chỉ lưu giữ truyền thống văn hóa biển trong ký ức của cộng đồng các cư dân duyên hải, mà phải bảo tồn chúng trong các bảo tàng quy mô và hiện đại do Nhà nước đầu tư và thông qua các chính sách phát triển văn hóa do Nhà nước chủ trương.

“Vì thế, tôi đề nghị Nhà nước đầu tư xây dựng ít nhất ba bảo tàng về văn hóa biển và lịch sử hàng hải Việt Nam. Theo đó, cần có một bảo tàng về ngành hàng hải ở miền Bắc, một bảo tàng về ngành đóng thuyền ở miền Nam và một bảo tàng về văn hóa biển ở miền Trung. Những bảo tàng này không chỉ là nơi lưu dấu về lịch sử khai thác và chinh phục biển của người Việt, mà là môi trường giáo dục niềm tự hào về truyền thống văn hóa biển, về thành tựu khai thác, chinh phục và giữ gìn chủ quyền biển đảo của các thế hệ người Việt”- TS Sơn đề xuất.

GS.TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐHQG TP.HCM) cho rằng việc xây dựng một bảo tàng văn hóa biển trong bối cảnh hiện nay là hết sức cấp thiết, mà Khánh Hòa là nơi thuận lợi hơn cả.

“Chúng tôi cho rằng một việc mà ngành văn hóa Khánh Hòa phải bắt tay vào làm ngay là xây dựng một bảo tàng văn hóa biển, đồng thời nên bắt đầu nghĩ đến xây dựng một viện nghiên cứu văn hóa biển. Cùng với việc phát triển ngành kinh tế du lịch biển, nâng cấp bảo tàng sinh vật biển ở Viện Hải dương học, việc xây dựng một bảo tàng văn hóa biển và một viện nghiên cứu văn hóa biển chắc chắn sẽ nhanh chóng biến Khánh Hòa trở thành thủ đô văn hóa biển” - GS TSKH Trần Ngọc Thêm phát biểu.

Chỉ có bảo tàng mới lưu giữ được văn hóa biển, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, là gốc rễ cho sự phát triển. PGS.TS Phan An (Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ) nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam đã biết và hiểu rõ về biển đảo của mình, đã biết cách ứng xử rất linh hoạt và độc đáo để tồn tại và phát triển với biển đảo. Đó là một dân tộc hướng biển. Văn hóa biển đảo Việt Nam là một phần văn hóa dân tộc Việt Nam”.

TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên