Tài xế đổ xăng tại cây xăng của PVOIL đã quét mã QR để thanh toán tiền đổ xăng - Ảnh: NGỌC HIỂN
Thậm chí, các cây xăng còn tung ra các app (ứng dụng) để người dân chỉ cần mở điện thoại, quét mã QR là có thể trừ ngay tiền xăng. Doanh nghiệp vận tải có thể quản lý việc đổ xăng của hàng ngàn tài xế qua app, tiết kiệm rất lớn về chi phí quản trị.
Không dùng tiền mặt khi đổ xăng
Bước vào cây xăng trên đường Phổ Quang, nữ giảng viên Nguyễn Lê Mỹ Kim (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) đổ xăng đầy bình rồi chìa chiếc thẻ Visa thanh toán.
Chỉ trong vài chục giây, nữ nhân viên cây xăng đã hoàn tất quẹt thẻ, điện thoại chị Kim "ting ting" số tiền xăng đã đổ mà không cần phải đếm tiền lẻ như trước đây.
Những năm trở lại đây, chị Kim đã hạn chế tối đa việc dùng tiền mặt, phần lớn các thanh toán của chị đều qua tài khoản tín dụng.
Cũng tại cây xăng này, hàng loạt tài xế các hãng vận tải khi vào đổ xăng đã không còn cầm những xấp tiền có giá trị vài triệu đồng cho mỗi lần đổ xăng như trước. Thay vào đó, các tài xế chỉ cần vào chiếc iPad đặt trong cây xăng để quét mã QR trả tiền.
Các thông tin của tài xế đã hiện lên trên app của cây xăng, hệ thống tự động tính vào hạn mức tín dụng của doanh nghiệp. "Giờ khỏe re luôn, tụi tui chẳng cầm tiền nữa, chẳng lo thiếu thừa gì tiền mặt, cứ quẹt xong là công ty biết đi đến đâu, đổ bao nhiêu và cuối tháng công ty tự tính với cây xăng", anh Đào Thuận Hoàng, tài xế Công ty Giao hàng nhanh, nói.
Tại cây xăng của Petrolimex trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận), các nhân viên cây xăng đều mang sẵn máy POS trên người, khách hàng muốn quẹt thẻ đều được đáp ứng ngay. Ngoài ra, cây xăng cũng có mã QR để bất kỳ ai muốn trả tiền qua các ví điện tử hoặc các dịch vụ Internet Banking vẫn có thể thao tác chỉ trong 30 giây.
Suốt 2 năm qua, 100% việc trả tiền đổ xăng cho xe hơi của anh Trần Tuấn đều bằng thẻ MasterCard. Theo anh Tuấn, xe hơi thường đổ xăng bạc triệu nên thanh toán bằng thẻ sẽ trả chính xác đến số lẻ, khỏi cần thối tiền lằng nhằng.
Đặc biệt, Petrolimex mới đây đã ra mắt app để khách hàng thanh toán không tiền mặt, kiểm soát các giao dịch lại còn trúng thưởng xe hơi, xe máy.
Là người may mắn trúng chiếc xe hơi khi thanh toán online, ông Nguyễn Văn Thông (ngụ tỉnh Đồng Nai) cho hay việc thanh toán không tiền mặt quá thuận tiện và mang lại sự tiện dụng cho khách hàng, đặc biệt quản lý được chi tiêu.
Hầu hết cây xăng tại TP.HCM của các doanh nghiệp khác như Saigon Petro, SFC, Mipec... cũng đều áp dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt.
Dữ liệu: NGỌC HIỂN - Đồ họa: TẤN ĐẠT
Khách hàng và doanh nghiệp đều hưởng lợi
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lưu Văn Tuyển - phó tổng giám đốc Petrolimex - cho biết tập đoàn này đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ xăng dầu Flexicard từ năm 2009.
Sau đó, mở rộng chấp nhận thanh toán thẻ thuộc liên minh Napas từ năm 2017 và hiện đã chấp nhận thanh toán thẻ Visa, MasterCard và qua mã QR tại tất cả các cửa hàng thuộc Petrolimex. Thời gian đầu, việc chấp nhận của khách hàng khi thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế.
"Tuy nhiên, từ tháng 10-2021 đến nay, Petrolimex đầu tư hệ thống thanh toán mới, tự động hóa và chấp nhận thanh toán nhiều loại thẻ, ví điện tử nên doanh số thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng gấp đôi so với trước, có cửa hàng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm trên 20% doanh số bán hàng", ông Tuyển cho biết.
Bên cạnh các thẻ tín dụng, Petrolimex còn chấp nhận hình thức thanh toán qua các ví điện tử xác thực bằng mã QR có thể kể đến như VNPay, Viettel Money, VNPT Pay, VTC Pay, Fox Pay, VinID, True Money, PayME, Ting, Baokim Plus và MoMo và các ứng dụng trên thiết bị di động do các ngân hàng trong Napas cung cấp.
"Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu, vừa đảm bảo an toàn tiền hàng cho khách hàng, cho doanh nghiệp, kiểm soát được ngân sách, tiết kiệm chi phí, gia tăng hiệu quả cho xã hội...", ông Tuyển khẳng định.
Trong khi đó, ông Cao Hoài Dương - chủ tịch PVOIL - cho biết từ năm 2018 đến nay, doanh nghiệp này đưa vào sử dụng dịch vụ PVOIL Easy dành cho khách hàng doanh nghiệp mua xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu của PVOIL qua app, hiện áp dụng tại hơn 650 cửa hàng xăng dầu trên cả nước.
Theo đó, khách hàng doanh nghiệp sẽ được cấp hạn mức tín dụng, thanh toán chậm để trả nợ vào cuối kỳ.
Với dịch vụ này, tài xế có thể mua xăng tại bất kỳ cửa hàng nào của PVOIL và Comeco, sau đó chỉ cần quét mã QR để cập nhật thông tin mua xăng vào hệ thống.
Nhờ vậy, tài xế không phải trả tiền mặt, in hóa đơn trong khi doanh nghiệp có thể quản lý được thời gian, địa điểm, lượng hàng... của từng tài xế tức thì qua mạng.
Đến nay đã có hơn 2.000 doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này, trong đó có những doanh nghiệp có đến 500 xe, giúp tiết kiệm rất lớn các chi phí quản trị đội xe và đặc biệt là mọi giao dịch đều online.
"PVOIL cũng hợp tác với các ứng dụng thanh toán điện tử như MoMo, GOT IT, Viettel Money, VCB Pay, HDBank, ShopeePay, Urbox, Oil Depot... để hàng chục triệu khách hàng có thể thanh toán không dùng tiền mặt, chỉ cần quét mã QR trên điện thoại để trả tiền xăng tại tất cả các cây xăng của hệ thống này trên toàn quốc", ông Dương cho biết thêm.
Cần có chính sách khuyến khích
Ông Lưu Văn Tuyển cho rằng việc nâng cao tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt khi đổ xăng cũng gặp nhiều thách thức. Trong đó, phí thanh toán đối với các thẻ quốc tế (Visa/Master) còn quá cao (khoảng 2-3% doanh số), trong khi định mức chi phí và lợi nhuận định mức trong cấu thành giá cơ sở ở lĩnh vực kinh doanh xăng dầu rất thấp.
Ngoài ra, diện tích các cửa hàng xăng dầu chật hẹp, lượng phương tiện xe máy đông, giá trị giao dịch nhỏ... nên thanh toán điện tử khó khăn. Còn tại các vùng nông thôn, miền núi thì các điều kiện về công nghệ thông tin, thanh toán còn nhiều hạn chế. Do đó, theo ông Tuyển, cần có chính sách đồng bộ để khuyến khích, nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng nhằm mở rộng mô hình này khắp cả nước.
Tự đổ xăng, tự tính tiền
Khách hàng khi đến cây xăng của Petrolimex trên đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM), bước đến cột bơm để tự chọn mức xăng hoặc chọn mức tiền rồi sau đó tự đổ xăng và cà thẻ thanh toán tiền. Đây là mô hình "tự động hóa bán lẻ xăng dầu" được Petrolimex áp dụng tại các cây xăng dầu ở TP.HCM từ năm 2019.
Tại đây, khách hàng có thể tự thực hiện các thao tác như chọn đổ xăng dầu theo mệnh giá tiền, theo lít, loại xăng, tự thanh toán bằng các loại thẻ thông qua màn hình cảm ứng được lắp đặt ngay tại các trụ bơm xăng dầu và tự tay đổ xăng vào xe của mình. Không chỉ khách đi xe hơi, người đi xe máy vẫn có thể tự thực hiện các thao tác đơn giản này chỉ trong thời gian ngắn.
Thăm dò ý kiến
Điều gì giúp bạn sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt thường xuyên?
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận