Lúc ấy, có xe đám tang đi ngang qua. Nhiều người ngước nhìn xe đưa tang, bày tỏ sự phấn khích khi đội nhạc cử kèn trống vang lên inh ỏi.
Họ bàn tán xôn xao, có người khen ban kèn Tây chơi toàn nhạc Trịnh Công Sơn “nghe hết sảy”, người khác góp ý như thế thì không hợp với khung cảnh, đáng lẽ phải chơi bài Lòng mẹ, Tình cha...
Duy nhất trong số phụ huynh đang ồn ào đó, có người đàn ông trên 50 tuổi lặng lẽ bước xuống xe, lấy chiếc mũ bảo hiểm đang đội trên đầu cầm tay rồi đứng thẳng người, đầu hơi cúi một chút. Ông cứ đứng vậy, yên lặng chờ xe tang đi qua mới ngước mặt gọi cháu lên xe đi về.
Người đứng bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: “Ủa, ông quen với người chết hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ vậy?”. Ông trả lời: “Tôi không hề quen biết hay bà con với người đã mất, nhưng sống trên đời “nghĩa tử là nghĩa tận” mà chú em”.
Rồi ông giải thích: “Thời tôi đi học, thầy cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết ngả mũ cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ... Chính vì vậy mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là phản xạ tự nhiên từ nhỏ cho đến bây giờ”.
Tôi nghe ông nói, ngẫm nghĩ đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện đạo làm người mà hình như bây giờ trong xã hội không còn tồn tại hình ảnh đẹp hết sức trân trọng đó.
Tôi mong sao những bài học đạo đức như vậy được chú trọng dạy trong trường, thay vì chỉ tập trung dạy kiến thức sách vở, để trẻ có thể hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, như có thể giữ yên lặng và cúi chào tiễn đưa khi gặp đám tang đi qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận