● Nhà có 2 nhóc sinh đôi. Chuyện tiêm chủng đã mệt, thêm vụ tiêm nhắc. Ba lần quên tiêm nhắc, không biết có bị gì không ạ?
H.Huy (Hà Nội)
- Kháng thể thu được từ vaccine sẽ mai một dần theo thời gian, nên lâu lâu cần “lên dây cót”. Tiêm nhắc chỉ dùng với vaccine để tạo trí nhớ miễn dịch. Nhờ cái “memory” này mà lỡ có tiêm nhắc trễ, cơ bản, không thiệt hại về miễn dịch. Ngay khi được dựng dậy, kháng thể lại lên chuyền theo khuôn sẵn. Chỉ là đương sự phải chịu thiệt với “khoảng trống quyền lực”, có thể mắc bệnh nhưng nhẹ.
● Tôi chích ngừa viêm gan B mà không làm xét nghiệm trước. Sau đó, người nhà cho biết hồi nhỏ tôi đã mắc viêm gan B. Vậy có sao không ạ?
C.Thành (Tiền Giang)
- HBsAg (-), Anti HBs (+) là giấy phép “miễn trừ gia cảnh”, không cần tiêm ngừa viêm gan B nữa, bởi đó là dấu chứng đã có miễn dịch, đương sự từng mắc hoặc tiêm trước đó. Trường hợp đã lận lưng đủ miễn dịch mà lỡ thêm vào, về lý, có thể gây giẫm chân lẫn nhau, kéo giảm năng lực kháng thể cả hai. Tuy vậy, phần lớn chỉ là tí kèn cựa mới-cũ, đâu lại hoàn đấy.
● Anh tôi bị rắn cắn, do không rõ loại rắn nên không thể dùng huyết thanh. Nhờ cấp cứu tích cực mới qua khỏi. Huyết thanh là gì?
H.Giang (Tây Ninh)
- Huyết thanh kháng nọc rắn dùng globulin miễn dịch trung hòa, cứu sống nạn nhân. Có hai loại, huyết thanh đơn giá xử một loại rắn và huyết thanh đa giá cân tam xà, ngũ xà. Cơ bản, dùng huyết thanh nào, phải rõ mặt mũi hoặc áp giải “hung thủ” đến viện. Thầy thuốc giỏi xét hỏi, nhìn vết cắn, triệu chứng, có thể phăng ra. Quan trọng, sơ cứu kịp thời, cấp cứu tích cực, vẫn có thể cứu sống nạn nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận