18/05/2013 06:18 GMT+7

Quên quyền lợi người tiêu dùng

LÊ THANH
LÊ THANH

TT - Bộ Công thương vừa hoàn thành dự thảo sửa đổi nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, với ba phương án đề xuất sửa đổi. Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng cả ba phương án này đều khó khả thi, bỏ quên quyền lợi người tiêu dùng...

1FmIuyEH.jpgPhóng to
Nhiều chuyên gia cho rằng cả ba phương án sửa đổi đều không đứng về phía quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh: T.T.D.

Điều đáng nói là tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định do Hiệp hội Xăng dầu (VINPA) tổ chức ngày 17-5, cũng chỉ có mặt phần lớn đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý nhà nước.

Khi nào được tăng giá bán lẻ?

Ba phương án đề xuất điều chỉnh giá xăng dầu

* Phương án 1: Bộ Công thương đề xuất khi các yếu tố hình thành giá làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 5%, thương nhân được tăng giá trong thời gian tối thiểu là 15 ngày. Nếu giá cơ sở giảm trong phạm vi 6%, tối đa 15 ngày sẽ phải giảm giá. Nếu giá giảm trên 6%, sau khi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các giải pháp điều tiết về thuế, quỹ bình ổn..., thương nhân đầu mối phải tiếp tục giảm giá bán lẻ, không hạn chế khoảng thời gian và số lần.

* Phương án 2: Bộ Công thương đề xuất sẽ lấy giá cơ sở của tháng trước làm giá bán lẻ của tháng tiếp theo. Giá cơ sở được tính toán theo giá Platts Singapore (hoặc giá công bố tại sàn khác) tính bình quân 30 ngày.

* Phương án 3: Bộ Công thương đề xuất mức trần giá bán lẻ cả năm sẽ được công bố tại ngày làm việc đầu tiên của năm. Doanh nghiệp đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá. Nếu giá cơ sở vượt mức trần giá bán lẻ thì doanh nghiệp được sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp chênh lệch.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho rằng cách tính giá, theo dự thảo, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối được tự điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng khoảng 5%.

Tuy nhiên, đóng góp ý kiến, đại diện VINPA cho rằng doanh nghiệp chỉ nên được tự tăng giá tương ứng khi giá cơ sở tăng khoảng 3%. Trường hợp giá cơ sở tăng thêm 3-7% so với giá bán lẻ hiện hành, doanh nghiệp được tăng giá 3%, cộng thêm 60% mức tăng giá trên 3-7%, 40% còn lại thì sử dụng quỹ bình ổn. Còn khi giá cơ sở tăng trên 7% thì Nhà nước sử dụng các biện pháp bình ổn thị trường qua công cụ khác như thuế...

Về đề xuất này, ông Bùi Ngọc Bảo, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex), chia sẻ doanh nghiệp chỉ nên được phép tự điều chỉnh trong phạm vi tối đa 3% thay vì 5% như dự thảo. “Vì 5% tương đương với 1.000 đồng là con số tương đối lớn. Tôi cho rằng doanh nghiệp chỉ nên được điều chỉnh trong phạm vi từ 400-600 đồng/lít là hợp lý” - ông Bảo nhận định.

Một nội dung sửa đổi được thảo luận tại hội thảo là tần suất điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đề xuất của Bộ Công thương, tới đây thời gian điều chỉnh giá sẽ nâng lên 15 ngày thay vì 10 ngày như hiện nay. Ông Quyền giải thích việc tăng lên 15 ngày để đảm bảo điều hành thuận lợi hơn, nhất là việc hạn chế được tình trạng giá trong nước tăng thì nhanh còn giảm thì chậm.

Tuy nhiên, không đồng tình với đề xuất này, theo ông Trần Khánh Hà - trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro), nên giữ tần suất điều chỉnh giá 10 ngày như hiện nay. Đây là thời gian hợp lý để giá trong nước bám sát giá thế giới.

Riêng về quỹ bình ổn giá xăng dầu, để minh bạch quỹ này, ông Quyền cũng cho rằng tới đây ngoài việc công khai giá cơ sở xăng dầu hằng ngày trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, bộ này cần công khai việc sử dụng cũng như số dư của quỹ này theo tháng để người dân có thể theo dõi và giám sát.

Chính sách thuế không ổn định

Ông Phan Thế Ruệ, chủ tịch VINPA, nhận định sau hơn ba năm thực hiện nghị định 84, chính sách về thuế nhập khẩu xăng dầu không ổn định khiến giá xăng dầu bán lẻ trong nước tăng thì nhanh với mức cao, còn giảm thì nhỏ giọt khiến dư luận không đồng tình.

Do vậy, ông Ruệ đề xuất Nhà nước cần ổn định thuế nhập khẩu xăng dầu trong từng năm thấp hơn 40% trên cơ sở dự báo giá thế giới bình quân/năm, sản lượng nhập khẩu và khung thuế suất hợp lý. Đề xuất này được chấp thuận sẽ thuận tiện trong việc tính giá cơ sở, thương nhân đầu mối chủ động ra quyết định giá bán, ngăn chặn được những hành vi trục lợi trong tạm nhập - tái xuất xăng dầu.

Đề cập câu chuyện mới đây, giá thế giới bình quân 30 ngày giảm 5 USD/thùng nhưng Bộ Tài chính cũng tăng thuế nhập khẩu thêm 2%. Như thế là rất tùy tiện. “Như đợt tăng giá ngày 28-3 vừa rồi, tưởng là chúng ta sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong lúc giá thế giới hạ, thế nhưng chúng ta lại tăng tới 1.430 đồng/lít xăng. Đây là câu chuyện chỉ có thật ở VN!” - ông Ruệ nhận định.

TS Nguyễn Ngọc Sơn (Trường ĐH Kinh tế - luật TP.HCM): Không giải quyết được gốc vấn đề

Tôi đã nghiên cứu về bản dự thảo nghị định 84 sửa đổi của Bộ Công thương, trong đó đặc biệt chú ý ba phương án điều chỉnh giá xăng dầu mà dự thảo nghị định đưa ra. Theo tôi, cả ba phương án đều không giải quyết được những cái đang tồn tại căn bản của thị trường xăng dầu hiện nay.

Phương án thứ nhất tăng thời gian điều chỉnh giá bán khi có biến động giá thế giới từ mức 10 ngày lên 15 ngày. Rõ ràng một trong những điểm khiến nghị định 84 lạc hậu là do quy định trong nghị định khiến giá bán lẻ xăng dầu trong nước bị cứng, không theo được diễn biến giá thế giới. Nay tăng thêm năm ngày nữa sẽ càng cứng hơn. Điều này đi ngược lại hoàn toàn mục đích ban đầu là để giá bán lẻ trong nước linh hoạt và theo sát giá thế giới khi chúng ta đặt ra vấn đề cần sửa đổi nghị định 84.

Phương án thứ hai chúng ta không nên bàn vì tôi cho rằng nó không có tính khả thi. Thay vì dự đoán tương lai, xu hướng giá - một trong những điều cần thiết trong kinh doanh và cả quản lý kinh tế, chúng ta lại dựa trên quá khứ?

Phương án thứ ba là cái được nhiều người mong chờ - tức trả giá về cho thị trường điều chỉnh. Nhưng dự thảo lại làm nửa vời. Cách áp giá trần cho cả năm mới chỉ giải quyết được câu chuyện tránh để doanh nghiệp tăng giá quá đà. Khiếm khuyết lớn của thị trường xăng dầu là không có sự cạnh tranh.

Do vậy, nếu áp giá trần cho cả năm, doanh nghiệp tự điều chỉnh trong mức dưới trần thì có gì để đảm bảo doanh nghiệp sẽ không “bóc lột” người tiêu dùng. Giá thế giới tăng vượt trần thì có quỹ bình ổn hỗ trợ. Giá thế giới giảm, lấy gì đảm bảo doanh nghiệp sẽ giảm theo? Khi đưa ra phương án này, đáng lẽ song song đó cần phải có một biện pháp hành chính khác để đảm bảo tính cạnh tranh thật sự được phát huy và có thể khống chế tình trạng độc quyền.

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu: Xem lại việc tính giá cơ sở

Cái quan trọng cần sửa đổi thì không thấy Bộ Công thương đưa ra sửa, không thấy Hiệp hội Xăng dầu đề xuất. Đó là giá cơ sở tính trong thời gian trung bình 30 ngày để làm tham chiếu cho giá bán lẻ trong nước là quá dài và khiến giá trong nước nhiều thời điểm trái chiều với giá thế giới.

Ông Trần Tiến Thịnh (nhân viên một công ty luật tại Q.1, TP.HCM): Không thể cứ để tăng nhanh, giảm chậm mãi

Tôi cho rằng hiện nay giá xăng có quá nhiều bất cập và rõ ràng là đã tăng nhanh, giảm chậm, nhiều lúc giá thế giới giảm mà giá trong nước lại tăng. Nhưng không thể cứ tăng nhanh, giảm chậm mãi. Vì thế, khi sửa đổi cơ chế điều hành, quan trọng là phải sửa để loại bỏ được tình trạng trên. Với mục tiêu đó, tôi cho rằng cần đưa ra phương án điều hành để giá trong nước diễn biến sát giá thế giới, dựa trên thời gian điều chỉnh giá và khoảng thời gian tính giá nhập khẩu trung bình làm căn cứ để linh hoạt phải ngắn lại. Song song đó, có cơ chế mềm để can thiệp thị trường khi cần thiết, đó là quỹ bình ổn giá và thuế nhập khẩu

BẠCH HOÀN ghi

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên