30/06/2013 04:26 GMT+7

"Quên" quyền lợi của mình

N.BÌNH
N.BÌNH

TT - Một hội thảo bàn về các giải pháp để tối ưu hóa việc sử dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) do một tổ chức xúc tiến nước ngoài ở TP.HCM kết hợp với Bộ Công thương được tổ chức tuần qua. Thư mời phát ra dành cho cả doanh nghiệp VN lẫn doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại VN.

Tuy nhiên, cũng như nhiều hội thảo liên quan đến việc giới thiệu các vấn đề hội nhập khác, sau khi nghỉ giải lao hội trường chỉ còn lác đác hơn nửa khách tham dự, trong số đó có rất ít doanh nghiệp VN. Giám đốc một công ty VN hiếm hoi ở lại buồn bã nói khi kết thúc hội thảo: “Tôi rất tiếc, một hội thảo hay như thế, đụng đến quyền lợi sát nách của doanh nghiệp như thế mà mọi người lại ra về sớm quá”!

Cánh nhà báo thường đùa rằng không ít hội thảo mà phóng viên đông đảo hơn đại diện các doanh nghiệp - đối tượng chính hưởng thụ từ những hội thảo. Có thể nhiều vấn đề không còn mới với các doanh nghiệp. Cũng có thể các nội dung được nêu ra trong hội thảo còn hơi xa xôi vì đến tận năm 2015 các hiệp định này mới được ký hay có hiệu lực! Nhưng theo ông Hirotaka Yasuzumi - giám đốc điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM, muốn tận dụng triệt để các lợi thế từ FTA đem lại, doanh nghiệp phải có sự am hiểu về các hiệp định, sự chuẩn bị từ bây giờ không bao giờ là quá sớm bởi trong chiến lược kinh doanh, tầm nhìn 2-3 năm hay 5 năm vẫn được xem là tầm nhìn ngắn hạn!

Một chuyên viên trong nhóm đàm phán các FTA của Bộ Công thương cũng tha thiết rằng quy trình đàm phán rất cần thông tin từ phía doanh nghiệp. “Chúng tôi muốn biết năng lực sản xuất của doanh nghiệp, thực trạng nhập khẩu, chuỗi cung ứng hiện tại của họ như thế nào để phục vụ quá trình đàm phán theo hướng có lợi nhất” - ông này nói. Bởi sân chơi FTA không đơn giản, tham gia FTA nghĩa là VN sẽ phải bắt tay với các đối tác lớn, mở cửa thị trường của mình và đem hàng đi chinh phục các nước khác. Những ý kiến, khuyến nghị kịp thời cho cán bộ đàm phán có thể giữ sức cạnh tranh, đảm bảo lợi ích chính đáng cũng như năng lực tiếp cận thị trường của chính doanh nghiệp.

Hiện nay VN đã tham gia các FTA trực tiếp với Nhật Bản, Ấn Độ và tham gia cơ chế FTA của ASEAN với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand. VN cũng đang đàm phán với sáu FTA khác, trong đó Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng rất lớn cho cú hích xuất khẩu của VN. Tuy nhiên, khả năng tận dụng cơ hội từ FTA của doanh nghiệp VN không được đánh giá cao bằng các nước trong khu vực. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng có dùng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để xuất khẩu sang các thị trường VN ký FTA đạt 18 tỉ USD, chỉ chiếm 33% tổng kim ngạch sang những nước này. Ngoài nguyên nhân các đối tác này có nền kinh tế tương đối giống VN thì việc thiếu thông tin, kiến thức dẫn đến doanh nghiệp không có sự chuẩn bị tốt để tận dụng tối đa những ưu đãi từ FTA.

Xu hướng trong FTA sắp tới, các doanh nghiệp sẽ tự đứng ra chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của mình. Khi đó cơ quan chính phủ không đứng ra cấp C/O mà doanh nghiệp tự chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và tự chịu trách nhiệm với công bố đó. Yếu tố quan trọng để doanh nghiệp có thể nắm bắt được xu hướng, có thể tự thực hiện những thao tác này là phải tự nâng cao nhận thức, hiểu biết của mình về các kỹ thuật liên quan đến C/O. Và những hội thảo được tổ chức chính là để phục vụ doanh nghiệp, cung cấp kiến thức cũng như lắng nghe ý kiến từ doanh nghiệp, để những người làm chính sách có quyết sách phù hợp tình hình. Thế nhưng chỉ tiếc rằng sự chuẩn bị cho sân chơi này vẫn chưa được coi trọng tại nhiều doanh nghiệp.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên