Ngô Hồng Quang cùng nhạc sĩ Nguyên Lê và tay trống gốc Ấn Stephane Edouard - Ảnh: NVCC
Ngô Hồng Quang là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật nhất Việt Nam hiện nay.
Nhạc sĩ Dương Thụ
Đã biểu diễn ở nhiều quốc gia, hợp tác với nhiều nghệ sĩ quốc tế, hoàn thành chương trình học tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Hà Lan, phát hành một số album chung và riêng…, gần đây anh trở về Việt Nam thường xuyên hơn và đã có một số đêm nhạc tại TP.HCM cũng như Hà Nội.
Mới đây, Ngô Hồng Quang cho ra mắt album Nam nhi - một hình thức đối thoại Đông - Tây với những bài hát giao duyên quan họ Bắc Ninh trên nền ngũ tấu dàn dây.
"Tôi yêu quan họ Bắc Ninh từ nhỏ nên việc làm Nam nhi cho tôi cơ hội tốt để được hát, quảng bá quan họ theo một chiều kích mới - chiều kích của sự hội nhập, phát triển và kết nối văn hoá".
Tin vui lại vừa đến vào ngày 1-3, hãng đĩa ACT của Đức đã đề cử Nguyên Lê, Ngô Hồng Quang cùng các nghệ sĩ quốc tế khác vào giải thưởng Tiếng Vọng Jazz 2018 của hãng.
Ngày đầu xuân, nghệ sĩ hát, sáng tác nhạc kiêm hòa âm cho Nam nhi trò chuyện với Tuổi Trẻ Online về những năm tháng "du ca toàn cầu" mà vẫn đắm mình trong văn hóa Việt.
Ảnh: NVCC
Giọng hát là lợi thế rất mạnh đến từ tố chất
* Với album Nam nhi, anh đã được "thoả chí tang bồng" chứ?
- Về phần hồn cốt của album, tôi thấy thoả mãn được ý nguyện của mình. Đĩa nhạc giúp tôi chuyển tải được thông điệp và tình thần mình mong muốn, được bay ra khỏi quỹ đạo và ước lệ truyền thống mà không mất đi cốt cách hoa mỹ cổ.
Về phần kỹ thuật thì tôi chưa hoàn toàn hài lòng, vì việc kết hợp nhạc quan họ với ngũ tấu dây do 5 nghệ sĩ quốc tế trong hơi thở âm nhạc đương đại là không dễ. Chúng tôi đã cố gắng hoàn thành được album trong một tinh thần phấn chấn, hoà hợp, giao lưu và chia sẻ.
Ngô Hồng Quang hát Ngồi tựa mạn thuyền trong buổi giới thiệu album Nam nhi - Video: Danh Anh
* Anh có gặp khó khăn gì khi ngày ngày vẫn nói tiếng Anh, sống trong không gian bơ sữa, rồi có một ngày bước vào phòng thu và rung lên điệu giao duyên?
- Lúc mới bắt đầu thực hiện dự án Nam Nhi, tôi thu gom những bài hát quan họ cổ, khi ấy có khá nhiều tác phầm tôi không biết và chưa nghe lần nào.
Việc hiểu, ngấm đúng chất lề lối của các tác phẩm này hoàn toàn không đơn giản. Tôi đã nghe, hát, nghe, hát liên tục hàng tuần liền trong phòng riêng để hát được đúng luyến láy cho tới khi phần hoà âm được hình thành.
Việc tự tập này có cái hay và cái không hay. Hay ở chỗ, tôi đã hoàn toàn tự chủ được cách hát của mình trong không gian âm nhạc mình muốn mà không mất đi tinh thần cũng như lề lối giọng hát.
Không hay ở chỗ, tôi không được gặp trực tiếp nghệ nhân quan họ nên không được trực tiếp lĩnh hội những kiểu luyến láy đặc trưng cá nhân cũng như những khó khăn về ngôn từ cổ mà đôi lúc tôi không hiểu.
* Thú vị ở Nam nhi là dàn ngũ tấu với toàn bộ nhạc cụ phương Tây gồm violin, viola, cello, double bass chơi nhạc dân tộc Việt Nam. Anh truyền đạt điều gì về các tác phẩm quan họ cổ với những nghệ sĩ thuộc ngũ tấu khi họ đến từ nhiều quốc gia, sắc tộc?
- Khi nhận lời tham gia thu âm album Nam nhi, tôi đã gặp các nghệ sĩ quốc tế và nói chuyện về âm nhạc Việt Nam, đặc biệt là quan họ.
Ngoài việc giải thích về âm nhạc 5 âm quan họ, ý nghĩa các bài hát, cách luyên láy và rung nhấn hoa mỹ của từng bài, các nghệ sĩ còn được biết thêm về âm điệu của ngôn ngữ Việt Nam, vì cách luyến âm của tiếng Việt có gắn kết chặt chẽ tới cách hát, nhả chữ và luyến láy của nhạc quan họ.
Khi họ hiểu được sự trầm bổng đầy giai điệu tính của ngôn ngữ, họ sẽ bắt nhịp với âm nhạc ngũ cung dễ hơn.
* Chơi được hàng chục loại nhạc cụ, có khả năng sáng tác, hoà âm và lại có giọng hát đặc trưng; vậy nếu chọn một điểm nổi trội nhất về Ngô Hồng Quang thì đó là gì?
- Tôi thực sự chưa một lần học thanh nhạc, nên tôi nghĩ giọng hát là lợi thế rất mạnh đến từ tố chất của tôi. Còn để chơi được nhiều nhạc cụ, trải nghiệm biểu diễn và sáng tác, tôi cần rèn luyện nhất nhiều.
Những công việc này tôi đam mê và làm thường xuyên nên khi được kết hợp với tố chất năng khiếu, tôi thấy mọi việc khá dễ dàng.
Ngô Hồng Quang thăng hoa trong đêm nhạc ở Paris - Ảnh: Bruno Charavet
Hồn cốt Việt trong hơi thở đương đại sẽ gặp khán giả quốc tế
* Từ hơn một thập kỷ trước, anh cùng những người bạn lập nhóm nhạc Hồn tre. Điều gì các anh muốn truyền đạt qua cái tên này?
- Ban nhạc Hồn tre không tồn tại lâu nhưng đánh dấu bước ngoặt tư duy về trình diễn cũng như đưa âm nhạc dân tộc ra công chúng.
Ngoài việc sử dùng những chất liệu nhạc cụ bằng tre, chúng tôi còn kết hợp với những nhạc cụ tiêu biểu của người Kinh Việt Nam để biểu diễn những tác phẩm mới của nhóm, thông qua một lối trình diễn mới là khai thác những âm điệu tự nhiên của nhạc cụ kết hợp với kiểu ngẫu hứng đa chiều trên nền một số giai điệu đã có sẵn, có thể là sáng tác hoặc bài cổ.
Tôi rất thích nhóm nhạc này mặc dù chúng tôi không có nhiều thời gian trình diễn cùng nhau. Hồn tre còn mang nghĩa là hồn Việt. Cái cốt lõi âm nhạc vẫn là Việt Nam.
Ngô Hồng Quang hát Về đồi non
* Đến nay, sau nung nấu của bao người thì cây tre và tâm hồn Việt đã đường hoàng bước ra thế giới, tiêu biểu nhất là sự thành công của vở xiếc Làng tôi, với mô hình xiếc tre lưu diễn khắp châu Âu một dạo. Theo anh điều gì là quan trọng nhất để văn hoá Việt Nam có thể xuất khẩu ra thế giới?
- Tôi đã từng là một nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình xiếc Làng tôi. Chỉ có 3 tháng tham gia thôi nhưng rất đủ để tôi có thể thấy đây là một vở diễn chuyên nghiệp, đầy hồn Việt.
Tôi nghĩ việc vở xiêc Làng tôi thành công như vậy ở nước ngoài là vì họ đã đi đúng hướng. Họ đã mang cả đất nước Việt Nam vào trong tác phẩm nhưng lại được chắt lọc, trình diễn bằng ngôn ngữ hình thể đương đại thông qua từng chi tiết.
Đạo cụ như tre chỉ là một phương tiện mà họ đã chọn. Nhưng là một sự lựa chọn thông minh và rất Việt Nam để tác phẩm đã đạt tới mức nín thở, nổi gai ốc và trầm trồ khen ngợi từ khán giả trong và ngoài nước.
Làng tôi đã làm rất tốt việc đưa văn hoá Việt ra thế giới bằng cách riêng của họ. Phải là hồn cốt Việt đặt trong không gian, hơi thở và ngôn ngữ biểu hiện đương đại đa chiều thì mới chạm được tới khán giả quốc tế
MV Về đồi non của Ngô Hồng Quang và Nguyên Lê
* Vài năm gần đây anh trở về Việt Nam thường xuyên để biểu diễn và nghiên cứu. Anh thấy có điểm gì khởi sắc và điểm gì thui chột ở môi trường âm nhạc trong nước hiện tại so với trước khi anh đi học ở Hà Lan?
- Nói về thì trường âm nhạc Việt Nam thì rất rộng. Tuy nhiên thời điểm này so với gần 10 năm trước, tôi thấy có nhiều khởi sắc hơn là thui chột về mặt tư duy sáng tạo. Khởi sắc thứ nhất ở chỗ thế hệ trẻ, đặc biệt là 9X, họ rất cởi mở, sáng tạo, thông minh trong việc phát huy và tiếp cận với cái mới.
Thông qua các tác phẩm âm nhạc (như nhạc pop sáng tạo) cũng như những dự án âm nhạc mà họ làm, đôi lúc tôi thực sự thấy ngỡ ngàng. Đây là điều rất đáng mừng vì chính họ là thế hệ cần thiết để tiếp nối và phát triển. Tôi thực sự tin vào thế hệ này.
Ngoài ra, thuận lợi hơn nữa cho những dòng nhạc mà có liên quan và sử dụng sáng tạo công nghê thông tin điện tử như nhạc điện tử, thể nghiệm... cũng bước xa và vượt bậc so với những gì tôi được nghe trước khi tôi đi học.
Điều này nhờ sự phát triển, cập nhật và kết nối của công nghệ điện tử Việt Nam với thế giới đủ nhanh và đủ tốt. Tuy nhiên, xét về mặt bằng chung của sự chuyển động trong âm nhạc Việt vào thời điểm hiện tại, tôi có lo lắng và muốn đề cập, nhấn mạnh đặc biệt vào dòng nhạc thị trường.
Vẫn có quá nhiều thứ hỗn độn, nhiều kiểu sáng tạo công nghiệp, nhanh, hời hợt, thiếu tính sáng tạo, hoặc tập trung quá nhiều vào một dòng nhạc quần chúng nào đó đã tồn tại, quen tai một cách dễ dãi…
Điều này kìm hãm sự khởi sắc dòng chảy sáng tạo tự nhiên của văn hoá, âm nhạc Việt cũng như tư duy muốn tìm hiểu về những trào lưu sáng tạo khác. Việc phát huy và thúc đẩy tư duy sáng tạo là cần thiết với bất kỳ nền văn hoá âm nhạc nào trên thế giới.
Bên ngoài, Ngô Hồng Quang có phong cách giản dị - Ảnh: NVCC
Quê hương tôi là Việt Nam, không thể là một nơi khác
* "Càng đi xa, người ta càng có nhu cầu hướng về quê hương", anh từng nói. Vậy quê hương của anh là nơi nào, sức hút của nơi đó đến từ điều gì?
- Hướng về quê hương là một việc thiết yếu khi một người làm văn hoá như tôi sống và làm việc tại một vùng văn hoá khác. Sống càng xa thì nhu cầu về bản sắc lại càng lớn.
Tôi luôn hướng tới việc xác định mình là ai, đang làm gì và muốn gì. Việc này đã giúp ích và tạo điều kiện tốt để tôi chọn và hướng về văn hoá âm nhạc Việt Nam một cách chân thành và Việt Nam nhất.
Tôi là người Việt, chắc chắn quê hương tôi là Việt Nam, không thể là một nơi khác. Nếu có ai hỏi tôi bạn đã đi bao nhiêu nước và thích nước nào nhất trên thế giới, tôi chắc chắn sẽ nói trên 30 nước tôi đi thì Việt Nam vẫn là nước tôi yêu và thích nhất.
Nghĩ tới Việt Nam chưa đủ cho dù bạn ở bất cứ nơi nào trên thế giới này. Việc gắn tôi nhất với đất nước của tôi, đó là tôi cần làm gì với văn hoá đất nước, làm như thế nào, và tại sao phải làm.
Ngô Hồng Quang thổi kèn môi - Ảnh: NVCC
* Nhiều người đang gọi anh là "nghệ sĩ quốc tế", vậy tính "quốc tế" ở đây theo anh bao hàm những điều gì và có ý nghĩa như thế nào với anh?
- Thực sự tôi không thích cái tên này lắm. Tôi chỉ muốn được gọi là nhạc sĩ Việt Nam thôi, vậy là đủ. Vì tất cả công việc sáng tạo và biểu diễn tôi làm đều liên quan đến Việt Nam. Có lẽ nhiều người thấy tôi đi nước ngoài nhiều nên gọi tôi là nghệ sĩ quốc tế.
* Sống ở nước ngoài, "du ca" qua năm châu bốn biển, khi trở về quê, anh có bị "sốc văn hoá ngược"?
- Thời gian một vài năm đầu khi trở về Việt Nam, chỉ có đôi lúc tôi hơi bị choáng ngợp bởi sự thịnh vượng đô thị hoá cũng như sự phát triển kinh tế quá nhanh và lối sống nhanh tại các thành phố lớn.
Cũng đơn giản vì tôi là người không thích sự quá đông đúc, ầm ĩ, hoành tráng và phô trương. Tôi không nghĩ cơ sở hạ tầng Việt Nam phát triển nhanh giật mình đến vậy...
Ngô Hồng Quang chơi đàn bầu - Ảnh: NVCC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận