TTCT - Pháp đã trở "thành quê hương thứ hai của manga", như cách gọi của một tờ báo trong nước, thế nào? Một góc Japan Expo tại Trung tâm triển lãm Paris-Nord Villepinte, Pháp, ngày 11-7-2024. Ảnh: AFPHơn một nửa tổng số truyện tranh bán ra ở Pháp, quê hương của dòng truyện tranh Pháp - Bỉ, lại là truyện Nhật (manga). Pháp đã trở "thành quê hương thứ hai của manga", như cách gọi của một tờ báo trong nước, thế nào?Với doanh số 40 triệu bản năm 2023, Pháp là thị trường manga lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Nhật Bản. Theo Le Point, tính bình quân đầu người, dân Pháp mua truyện tranh Nhật nhiều gấp 7 lần người Mỹ. "Để hiểu được tại sao, bạn phải đọc manga. Ở hầu hết các nước châu Âu, số đông độc giả đã bỏ cuộc, ngoại trừ người Pháp" - tuần báo của Pháp viết hồi đầu tháng 6.Mê manga chỉ sau NhậtTại triển lãm văn hóa Nhật Bản Japan Expo ở Paris hồi tháng 7, người hâm mộ nức lòng khi nghe thông báo bộ manga Kagurabachi sẽ bắt đầu ra tập mới bản tiếng Pháp cùng lúc với Nhật.Đây là cách làm được nhiều nhà xuất bản Nhật lớn như Shueisha, Kodansha áp dụng, giúp độc giả Pháp tiếp cận được nội dung mới nhất mà không cần chờ đợi lâu. "Việc ra mắt đồng thời tại các thị trường lớn như Pháp giúp chúng tôi giữ được lòng trung thành của fan quốc tế, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa độc giả với các tác phẩm" - Shinichi Yoshida, giám đốc phát triển toàn cầu của Shueisha, nói.Sự linh hoạt này đã khiến manga trở thành dòng truyện tranh đáp ứng nhanh nhu cầu người đọc, trong khi truyện trong nước (bande dessinée - BD) đôi khi phát hành chậm hơn nhiều. Theo nghiên cứu của GfK, năm 2021, manga chiếm tới 55% tổng số truyện tranh được bán ra ở Pháp.Tại sự kiện Japan Expo 2024 nói trên, hàng ngàn fan manga đã đổ về Paris để tham gia một không gian đậm chất Nhật Bản, với 900 gian triển lãm, biển người biểu diễn cosplay, kèm các buổi ký tặng của những tác giả nổi tiếng, theo mô tả của France TV Info. Ước tính có 250.000 lượt khách đến ngày hội này.Ngoài Japan Expo, Paris Manga & Sci-Fi Show cũng là sự kiện thu hút hàng chục vạn người mê truyện tranh ở Pháp tham gia mỗi năm. Những sự kiện này không chỉ tạo điều kiện cho người hâm mộ gặp gỡ thần tượng mà còn giúp manga tiếp cận sâu rộng hơn mọi đối tượng công chúng, từ trẻ đến già. Đây là yếu tố giúp văn hóa manga và anime trở thành một "làn sóng văn hóa" mạnh mẽ và bền bỉ trong đời sống của người Pháp.Lý do thành côngLàn sóng văn hóa đại chúng Nhật Bản bắt đầu đổ bộ Pháp từ cuối những năm 1970, khởi đầu với bộ phim hoạt hình về robot Goldorak được phát sóng trên kênh truyền hình A2 năm 1978. Bộ phim nhanh chóng trở thành hiện tượng, mở đường cho hàng loạt anime Nhật Bản xuất hiện trên các kênh truyền hình Pháp.Sự phổ biến của anime vào những năm 1980 và 1990, đặc biệt thông qua chương trình Club Dorothée trên kênh TF1, đã gây ra không ít tranh cãi. Một số nhà phê bình chỉ trích anime vì nội dung bạo lực, không phù hợp với trẻ em. Song sự thoái trào của anime, nếu có thể gọi vậy, lại là khởi đầu cho cuộc chinh phục độc giả Pháp của manga, với hình thức xuất bản đẹp và nội dung đa dạng, bắt đầu từ cuối thập niên 1990.Những bộ truyện như Akira của Otomo Katsuhiro đã mở ra một thế giới sáng tạo vượt xa khuôn khổ của truyện tranh truyền thống châu Âu, với các tác phẩm kinh điển như Astérix, Tintin hay Lucky Luke.Khác với Marvel, DC Comics hay Disney, ngành công nghiệp manga chưa bao giờ định hướng sản phẩm của mình cho thị trường quốc tế. Trái lại, mọi thứ trong manga dường như được thiết kế để làm nản lòng độc giả phương Tây. Bạn thích truyện tranh có màu? Manga chỉ có trắng đen. Bạn quen đọc từ trái sang phải? Manga phải đọc từ phải sang trái.Chưa kể đến những quy tắc kỳ lạ của manga: sử dụng các biểu cảm phóng đại (giận dữ, vui mừng, buồn bã...), các nhân vật đôi khi được cách điệu thái quá. Vậy mà dân Pháp và độc giả khắp thế giới vẫn say mê. "Trong khi các tác giả manga không xem trọng việc biến mỗi trang truyện tranh thành một "tác phẩm nghệ thuật" như cách các nghệ sĩ châu Âu thường làm, họ lại vượt trội về sự sáng tạo và độ phức tạp trong cốt truyện" - Le Point kết luận.Manga mở ra những câu chuyện, chủ đề đa dạng từ tình cảm, hành động đến khoa học viễn tưởng, khiến dòng truyện này dễ dàng thu hút người đọc từ mọi lứa tuổi và sở thích.Theo một khảo sát của Đài truyền thanh Bỉ RTBF, nhiều độc giả trẻ tại Bỉ và Pháp cho biết họ xem manga là một phương tiện giúp họ hiểu hơn về thế giới và khám phá các khía cạnh xã hội phức tạp. Độc giả Pháp do đó dễ dàng tìm thấy những câu chuyện phản ánh các vấn đề xã hội đương thời, từ khủng hoảng tuổi trẻ đến bạo lực học đường.Sự phong phú về đề tài này khiến manga có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều độc giả khác nhau. Những bộ truyện đình đám như One Piece của Eiichiro Oda hay Dragon Ball của Toriyama Akira đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của giới trẻ, trong khi tác phẩm Attack on Titan khuyến khích thảo luận về chủ đề chính trị và xã hội.Claire (27 tuổi) cho biết cô thích bộ truyện One Piece vì thích sự thoát ly khỏi thực tại mà nó mang lại. "Tôi thích cốt chuyện phức tạp với nhiều ẩn ý chính trị. Tôi thích sự chăm chút mà tác giả dành cho việc tạo ra các nhân vật, thậm chí cả các nhân vật phụ. Tôi cũng thích phong cách vẽ của ông ấy" - Claire nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.Sự bùng nổ của manga tại Pháp còn được thúc đẩy bởi đại dịch, khi các bậc phụ huynh thuộc thế hệ đầu tiên yêu thích anime truyền lại niềm đam mê này cho con cái.Không có chiều ngược lạiSự thành công của manga và anime tại Pháp không phải là hiện tượng nhất thời, mà là kết quả của một chiến lược dài hạn từ phía các nhà xuất bản Nhật Bản cũng như sự yêu mến, nhiệt thành của người dân Pháp dành cho loại hình này.Nhưng truyện tranh Pháp - Bỉ vẫn có sức sống mãnh liệt. Trang ScreenRant tháng 12-2023 cho biết các nhân vật trong những bộ truyện Tintin, Astérix, Spirou & Fantasio và Xì Trum vẫn còn được yêu thích.Astérix là trường hợp đặc biệt, vừa đón kỷ niệm 65 năm hồi tháng 10. Đúng một năm trước, tập 40 của bộ truyện được phát hành, với phần truyện của Fabcaro và minh họa của Didier Conrad. Đây là tập truyện đánh dấu chuyển giao thế hệ: lần đầu tiên không còn sự tham gia của bộ đôi tác giả bản gốc, René Goscinny và Albert Uderzo, chứng tỏ sức sống của bộ ba nhân vật Astérix, chàng béo Obélix, chú chó Idéfix. Bản điện ảnh Astérix & Obélix: The Middle Kingdom cũng ra mắt trên Netflix năm 2023.Nhưng ngành công nghiệp truyện tranh Pháp cũng có một số thách thức, như thiếu hụt các tác giả trẻ tài năng. Nhiều tác giả truyện tranh nổi tiếng của Pháp đã bước vào tuổi nghỉ hưu, trong khi số lượng tác giả trẻ kế cận lại không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường.Đổi mới và sáng tạo có lẽ là giải pháp tốt nhất cho ngành công nghiệp truyện tranh Pháp vào lúc này. Việc kết hợp các yếu tố hiện đại vào truyện tranh truyền thống, cùng với việc tìm kiếm và đào tạo các tài năng trẻ, có thể giúp ngành công nghiệp này vượt qua khó khăn và phát triển trong tương lai.Ngoài ra, sự tương tác giữa hai nền văn hóa Pháp - Nhật chưa có sự tương xứng. Trong khi manga và anime chinh phục người Pháp, truyện tranh Pháp - dù mang đậm dấu ấn nghệ thuật - lại ít được chú ý tại xứ hoa anh đào. "Nhật Bản luôn mở lòng đón nhận văn hóa ngoại lai nhưng lại có xu hướng chỉ tiếp nhận những gì phù hợp và tự biến đổi nó để phục vụ nhu cầu nội tại" - Nicolai Chauvet, một chuyên gia manga tại Pháp, nói với The Guardian. Nếu muốn có nội dung theo chủ đề Pháp, giới sáng tác Nhật sẽ tự tạo ra nội dung đó, như loạt manga và anime về cách mạng Pháp The Rose of Versailles.Với sự phổ biến chưa từng có, nhiều người lo ngại thị trường manga tại Pháp đã đạt đến đỉnh cao và có thể bão hòa. Chauvet không nghĩ thế. "Càng khủng hoảng, thanh thiếu niên càng tìm đến manga để giải trí và thoát khỏi thực tại" - ông nói. Theo báo The Guardian, nếu xét về lịch sử, có thể coi danh họa Vincent van Gogh là một trong những "otaku" (người cực kỳ yêu thích manga - anime) đầu tiên của văn hóa đại chúng Nhật Bản ở châu Âu. Giữa làn sóng "Japonisme" (chủ nghĩa Nhật Bản) vào thế kỷ 19, danh họa mê mẩn những bức tranh in mộc bản ukiyo-e như cách các nhà sưu tập hiện đại khao khát những bộ manga quý hiếm. Nghệ thuật Nhật Bản đã ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách sáng tác của van Gogh, từ việc làm phẳng không gian đến những nét vẽ táo bạo. Đặc biệt, khi nhìn thấy tác phẩm nổi tiếng The great wave off Kanagawa (Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa) của Hokusai Katsushika, ông viết cho em trai Theo: "Những con sóng như móng vuốt, chiếc thuyền bị cuốn trong đó, anh cảm nhận được nó".Tình yêu của người Pháp với nghệ thuật thị giác Nhật Bản vẫn tiếp diễn đến tận ngày nay, thể hiện rõ qua bộ phim hoạt hình Blind willow, Sleeping woman (2022) của đạo diễn Pierre Földes - người đã chuyển thể tác phẩm của Haruki Murakami thành một bức tranh đầy xúc cảm. Tags: Truyện tranh Nhật BảnMangaPhápTruyện tranhNhật BẢn
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.