Ngày 12-12, tỉnh Bình Phước tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng huyện Bù Đăng (14-12-1974 - 14-12-2024) và đón nhuận Huân chương Lao động hạng nhì.
Ôn lại truyền thống hào hùng vùng đất "huyền thoại", ông Vũ Lương - bí thư Huyện ủy Bù Đăng - cho biết Bù Đăng được giải phóng có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng.
Đây là quận đầu tiên được giải phóng trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, góp phần mở thông hành lang chiến lược Đường 14, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng tỉnh Phước Long đầu năm 1975.
Sau 50 năm giải phóng, đến nay kinh tế huyện tăng trưởng khá, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt 77 triệu đồng/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 0,35%.
"Một nửa thế kỷ nhìn lại chúng ta đã có những bước tiến dài. Tuy vậy Bù Đăng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới huyện Bù Đăng sẽ tiếp tục đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng phát huy các bản sắc, phát huy ý chí tự lực, tự cường vươn lên xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp", ông Lương nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền đánh giá 50 năm sau ngày giải phóng, Bù Đăng - vùng đất "bom cày đạn xới" năm xưa nay đã trở thành những vùng chuyên canh nông nghiệp trù phú.
Bà Hiền mong muốn huyện Bù Đăng tiếp tục nỗ lực, vượt khó, đoàn kết hơn nữa, thống nhất hơn nữa để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đề ra.
Đồng thời quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp các dân tộc; phục dựng và duy trì các lễ hội truyền thống như lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo, các lễ hội văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa…
Ghi nhận những thành tích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bù Đăng vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Huân chương Lao động hạng nhì.
Về Bù Đăng thăm sóc Bom Bo huyền thoại
Kể về địa danh đã trở thành huyền thoại, ông Vũ Văn Mười - chủ tịch UBND huyện Bù Đăng - cho biết sóc Bom Bo (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh) được biết đến qua phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S'tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong những ngày chuẩn bị lương thực cho chiến trường, trên nương rẫy, bưng bàu như những ngày hội lớn.
Đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã tập trung toàn bộ lực lượng, vật dụng hiện có, dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm.
Sau gần 3 ngày đêm miệt mài giã gạo dưới ánh đuốc bập bùng, đồng bào sóc Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài 5 tấn gạo trong thời gian ngắn nhất.
"Chính tình yêu nước, tình cảm dạt dào của đồng bào S'tiêng với cách mạng đã trở thành nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo rất nổi tiếng.
Bài hát như hồi kèn xung trận, thôi thúc lòng yêu nước của người dân cả nước và cũng đưa sóc Bom Bo trở thành huyền thoại", ông Mười nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận