Quay về thời trọng thương?

NGUYỄN VŨ 13/04/2025 11:40 GMT+7

TTCT - Có ai ngờ nước Mỹ đang làm một vòng xoắn ốc, quay về chủ nghĩa trọng thương thế kỷ 17.

thuế - Ảnh 1.

Ảnh: Foreign Policy

Những người học kinh tế ắt có theo dõi bước tiến của nền kinh tế thế giới, từ chủ nghĩa trọng thương đến lý thuyết lợi thế so sánh, từ toàn cầu hóa đến thương mại tự do, nhưng chắc không ai ngờ nước Mỹ đang làm một vòng xoắn ốc, quay về chủ nghĩa trọng thương thế kỷ 17.

Công bố thuế "đối ứng" đánh lên hàng nhập khẩu từ nhiều nước, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn dùng mức thuế cao để bảo hộ sản xuất trong nước, buộc doanh nghiệp muốn bán hàng cho dân Mỹ phải đưa sản xuất sang Mỹ. 

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói thẳng khi công bố công thức tính thuế đối ứng là làm sao để thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước sẽ trở về zero.

Thương mại tự do và lợi thế so sánh

Đó chính là quan điểm chủ nghĩa trọng thương các nước châu Âu từng áp dụng trong nhiều thế kỷ. Họ đem hàng hóa đi bán khắp nơi, thu gom vàng bạc chở về nước; để bán được hàng nhiều, họ chủ trương bảo hộ mậu dịch, duy trì cán cân thương mại không để thâm hụt. 

Nhưng họ nhanh chóng nhận ra vàng bạc châu báu thì đẹp nhưng không ăn được; hàng đem ra bán nhưng không mua hàng khác đem về sẽ làm tăng giá cả, tạo ra sự khan hiếm.

Phải đến khi David Ricardo đưa ra lý thuyết lợi thế so sánh, thương mại tự do mới bắt đầu bùng nổ. Ricardo cho rằng các nước nên chú tâm sản xuất hàng hóa họ có lợi thế so sánh, sau đó trao đổi với nước khác để hai bên đều có lợi. 

Dân Mỹ may quần áo cũng đẹp, thậm chí có thể đẹp hơn Bangladesh hay Campuchia, nhưng dân Mỹ dùng thời gian đó để viết phần mềm hay thiết kế chip thì có lợi hơn ngồi bên bàn may vá. 

Vì thế Mỹ mới nhập hầu hết hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, đồ chơi, đồ gỗ, vật dụng trong nhà. Ngược lại, người dân trên thế giới vẫn đang phải xài hệ điều hành Android của Google hay iOS của Apple, vào Facebook tán chuyện hay xem phim giải trí trên Netflix - tất cả đều là doanh nghiệp Mỹ đang xuất khẩu dịch vụ ra toàn cầu.

Thế nhưng chính quyền Mỹ hiện không để ý đến yếu tố đó. Khi nói đến thâm hụt thương mại, họ chỉ nêu mức thâm hụt hàng hóa lên đến 1.200 tỉ đô la, trong khi Mỹ thặng dư xuất khẩu dịch vụ lên đến 282 tỉ đô la thì ít được nhắc.

Càng khoét sâu bất bình đẳng ở Mỹ?

Mục đích sau cùng của thuế đối ứng là đưa sản xuất trở về Mỹ - mục tiêu này dù khó nhưng vẫn có thể đạt được. Mỹ sẽ tự sản xuất đồ chơi, tự may áo quần… nhưng trong kinh tế học có khái niệm chi phí cơ hội, dành thời gian làm đồ chơi, may áo quần sẽ không còn thời gian cho phát triển AI - mũi nhọn trong kinh tế Mỹ ai cũng phải thừa nhận. 

Liệu nước Mỹ có sẵn sàng cho sự đánh đổi này hay chỉ làm hài lòng một số cử tri trong nhất thời nhưng làm thay đổi cả cơ cấu nền kinh tế?

Thật sự toàn cầu hóa và những nhượng bộ của các nước để có thương mại tự do với Mỹ đã tạo điều kiện để xuất hiện nhiều tỉ phú Mỹ như Bill Gates ngày trước và Mark Zuckerberg hay Elon Musk hiện nay. 

Làm sao để thành quả của toàn cầu hóa được chia đều cho mọi người dân Mỹ chứ không chỉ tập trung vào thiểu số tinh hoa, còn nhiều người Mỹ khác thất nghiệp, nghèo túng, là vấn đề nội bộ nước Mỹ cần giải quyết, chứ không phải do lỗi của toàn cầu hóa.

Lần này cũng vậy, thuế nhập khẩu chắc chắn sẽ làm giá hàng hóa tăng và người chịu thiệt thòi nhất vẫn là dân Mỹ thu nhập thấp, phải dành tỉ lệ lớn thu nhập cho hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, quần áo. 

Theo một số nghiên cứu, mức thuế đối ứng sẽ làm một người Mỹ bình thường mỗi năm phải bỏ thêm 3.800 đô la để mua hàng hóa. Mức này là lớn với người nghèo nhưng không đáng là bao với người giàu nên càng làm chênh lệch giàu nghèo giãn ra. Lạm phát ở Mỹ có thể quay trở lại mức 4%.

Trước đây trong quá trình toàn cầu hóa, Mỹ đã khôn khéo để các nước phải cật lực sản xuất hàng hóa bán cho Mỹ rồi đem về đồng đô la làm dự trữ, chẳng khác lắm hiện tượng các nước bán hàng thu về vàng bạc ngày xưa. 

Mỹ tận dụng đặc quyền phát hành đồng đô la để mua hàng khắp nơi trả bằng đồng bạc xanh mà thực chất là tờ giấy nợ. Quay về chủ nghĩa trọng thương, nước Mỹ từ bỏ đặc quyền này - không biết họ đã tính đến chuyện đó chưa?■

Trong chỉ hai ngày đầu tiên sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, thị trường chứng khoán Mỹ đã sụt giảm mạnh, tổng giá trị thị trường bốc hơi mất 5.400 tỉ đô la - một con số khổng lồ. Chẳng hạn, ngay ngày đầu tiên giá cổ phiếu Nike giảm mạnh vì một tỉ lệ lớn giày Nike được gia công ở Việt Nam, nơi có thể sẽ phải chịu thuế đến 46%. Thế nhưng sau khi Tổng thống Trump tiết lộ trên mạng xã hội rằng phía Việt Nam sẵn sàng thương lượng để giảm thuế, giá cổ phiếu Nike phục hồi ngoạn mục. Điều này chứng tỏ chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ tác động đến mọi nước trên thế giới nhưng trực tiếp nhất, mạnh nhất vẫn là các công ty Mỹ, chứ không phải ai khác.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận