Quay về nẻo văn hóa

MINH TỰ 29/01/2014 18:01 GMT+7

TTCT - “Cửa đã mở từ lâu và văn minh Đông Tây tràn ngập mọi nẻo đường của nước Việt bây giờ. Nhưng đừng tưởng như thế là xã hội đã được khai trí” - dịch giả, nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý trò chuyện cùng TTCT về câu chuyện khai trí mà ông cho rằng vẫn rất cần được đặt ra với những gì đang diễn ra trong xã hội ngày nay.


Nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý

* Điều gì khiến ông quan tâm nhất trong cuộc khai trí của các vị tiền bối hồi đầu thế kỷ 20?

- Đó là sự thức tỉnh cả dân tộc đang còn ngủ mê, là sự mở toang cánh cửa để đón nhận văn minh phương Tây. Giáo dục là lĩnh vực được thức tỉnh mạnh mẽ nhất, bằng cách bãi bỏ học hành thi cử theo lối từ chương, học quốc ngữ cùng với các môn khoa học thực dụng. Đó là những môn học của nền giáo dục tân tiến, đương nhiên cách dạy và học cũng phải đổi thay hoàn toàn.

Điều khiến tôi tâm đắc nhất đó là người Việt bấy giờ, nhất là giới trí thức, đã đón nhận cái mới của phương Tây một cách rất điềm tĩnh, sàng lọc nhưng lại rất biết cách nhanh chóng chớp lấy thời cơ. Vì vậy mới có những người tài giỏi như các cụ Phan Chu Trinh, Lương Văn Can, Huỳnh Thúc Kháng... Những người đã Đông du, Tây du, biết cách học hỏi, tiếp thu và đều trở thành người tài giỏi, đóng góp rất nhiều cho cuộc canh tân đất nước.

Nói chung là một lớp người tài trí của nước Việt đã ra đời từ thời kỳ này. Với những người Việt như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng có thể nói là đối thủ nhưng người Pháp cũng phải kính trọng họ. Trong lĩnh vực nghệ thuật là trường hợp Trường mỹ thuật Đông Dương, nơi đã đào tạo một lớp họa sĩ quá tài giỏi, đến người Pháp cũng phải ngạc nhiên.

 Cần phải tiếp tục khẳng định những giá trị Việt, để người Việt ngày nay, nhất là lớp người trẻ, biết mình là ai mà tự tin, chủ động và điềm tĩnh trong việc đón nhận những giá trị mới từ thế giới ùa vào. Đó cũng chính là điểm tựa cho cuộc khai trí!

* Đó là câu chuyện của một thế kỷ trước. Còn bây giờ văn minh thế giới đã tràn ngập xã hội mình. Vậy thì có cần phải khai trí nữa không?

- Chúng ta đang ngồi đây nhìn ra là có thể thấy người Âu, Á, Phi, Mỹ đi đầy ngoài đường phố kia. Cửa đã mở từ lâu và văn minh Đông Tây tràn ngập mọi nẻo đường của nước Việt bây giờ. Nhưng đừng tưởng như thế là xã hội đã được khai trí. Người Việt đang chìm ngập trong đủ thứ văn minh du nhập, trong đó có cả tinh hoa lẫn cặn bã, có cả cái bổ dưỡng lẫn độc hại.

Người Việt đứng trước nhiều sự lựa chọn, chính vì vậy cần phải tiếp tục khai trí cho xã hội, cho dân chúng. Để họ biết cách đón nhận văn minh nhân loại trong bối cảnh toàn cầu hóa một cách bình tĩnh, có chọn lọc, để nhận được nhiều cái lợi và ít phải trả giá hơn.

Khai trí bây giờ còn là làm cho người ta biết quan tâm đến người khác, quốc gia khác, chứ không phải chỉ người trong một nhà, trong một nước. Vì sự tồn vong của quốc gia khác không thể không tác động đến mình. Đó là tinh thần tương thân và tương tranh trong một cộng đồng thế giới, vì sự phát triển chung.

* Ông vừa nhắc đến thái độ đón nhận cái mới, cái lạ đầy hào hứng nhưng vẫn giữ được sự điềm tĩnh, chắt lọc thời trước. Ông có thấy người bây giờ giữ được thái độ đó không?

- Thời tuổi trẻ của chúng tôi (thập niên 1950-1960) rất háo hức với văn minh phương Tây, nhưng vẫn đĩnh đạc và thư thái. Chẳng hạn, đi xem xinê cũng phải có nghi thức của nó, áo quần thơm tho, đến rạp thì lấy tờ chương trình đọc trước để biết bộ phim sắp xem, vào rạp thì không ăn vặt nhóp nhép mà ngồi đàng hoàng để xem, xem xong thì bàn luận rất say sưa...

Dân mình bây giờ có nhiều người dư thừa cả vật chất lẫn tinh thần. Trong giáo dục thì học trò chìm ngập trong một biển tri thức. Việc học sao mà khủng khiếp vậy, nó đày đọa học trò. Nhưng dư thừa kiến thức mà vẫn thiếu: thiếu sự hào hứng với bài giảng, thiếu niềm vui đến trường, thiếu sự sáng tạo...

Sự tiếp nhận một cách ồn ào và hỗn tạp như bây giờ cho thấy nguyên nhân từ nền tảng văn hóa có thể nói là đang xuống cấp trầm trọng. Nền tảng gia đình và cả xã hội đều đang bị lung lay dữ dội trong khi cả thế giới đang thay đổi từng giờ. Trên nền tảng lung lay như thế, con người phải có điểm tựa vững chắc mới có thể điềm tĩnh được.

Giới trẻ bây giờ rất háo hức với cái mới lạ, rất nhanh chóng tiếp nhận Internet, tham gia mạng xã hội nhưng rất khó nhọc tìm đến với cuốn sách. Có thể do họ dễ dàng tiếp cận văn minh thời đại chỉ bằng chiếc điện thoại trên tay. Cái đó cũng tốt, nhưng không thể thay thế cuốn sách được. Sách còn có cái hồn, còn là văn hóa đọc.

Tôi thấy đáng lo là trong quán nhậu, quán cà phê bây giờ phần lớn là người trẻ tuổi, ngồi thâm đêm mãn ngày, cả vào những giờ mà lẽ ra họ phải trong trường học hoặc trong công ty, công sở... Đó là điều khiến người nước ngoài đến đây rất ngạc nhiên. Không hiểu những thanh niên này làm việc vào giờ nào để có nhiều tiền mà ăn nhậu say sưa như thế?

Điều đáng sợ nữa là thái độ ăn nhậu của họ, sẵn sàng uống bất cứ thứ rượu bia gì, uống cho kỳ say, uống để chứng tỏ bản lĩnh, đẳng cấp của mình... Tất cả những trạng thái đó cho thấy giới trẻ đang thiếu điểm tựa tinh thần.

* Đó là điểm tựa như thế nào, thưa ông?

- Cần củng cố nền tảng văn hóa của xã hội, nền tảng đó là gia đình và trường học. Phải xem xét lại những giá trị của cha ông để chắt lọc và tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ. Nhà trường phải tạo dựng nền tảng văn hóa để khối tri thức ấy được đặt trên một nền tảng vững vàng. Bất cứ môn học nào cũng phải dạy cho học sinh về văn hóa của nó, văn hóa của toán, văn hóa của văn...

Thầy phải dạy văn hóa cho trò chứ không chỉ dạy chữ. Vì vậy, người thầy phải có phong thái, lên bục giảng là phải đĩnh đạc. Như thế học trò mới nể phục. Thầy cô và cha mẹ phải là tấm gương cho con trẻ noi theo.

Tất nhiên, không chỉ gia đình và trường học mà cả xã hội phải cùng làm việc này; không chỉ chuyện giáo dục mà cần phải làm nhiều việc khác, song song đồng hành và cần sự kiên nhẫn. Xây dựng nền tảng văn hóa không thể là việc một sớm một chiều.

Cái cây văn hóa đòi hỏi phải vun trồng, tưới bón thường xuyên. Sự chăm bón đó thể hiện qua những sinh hoạt văn hóa thường xuyên, như đến nhà hát, rạp xinê, là những cuộc diễn thuyết của diễn giả hằng tuần... Tôi thấy bây giờ những sinh hoạt như thế hiếm hoi quá. Ở Huế ngày trước có một ngôi nhà gọi tên là Hội Quảng Tri - nơi thường diễn ra các cuộc diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng, cử tọa nghe xong thì trao đổi, tranh luận...

Trong một xã hội cần có nhiều hơn những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, để truyền bá những giá trị thật cho thanh niên. Hãy mời các diễn giả, các chuyên gia, người tài giỏi, đạo đức đối thoại thường xuyên để định hướng cho giới trẻ. Như cách mà các vị tiền bối đã khai trí cho dân mình một thời.

* Đã có nhiều lớp người Việt xuất ngoại vào đầu thế kỷ 20, đến cuối thế kỷ 20 là trào lưu du học Âu Mỹ, bây giờ thì du học hầu như khắp năm châu. Điểm giống nhau của họ là đều muốn đi tìm cái mới, cái hay của thiên hạ để học hỏi. Vậy còn điểm khác nhau của họ là gì, theo ông?

- Bối cảnh của đất nước và thế giới mỗi thời mỗi khác nhau, nên con người đương nhiên cũng khác. Ngày trước, tiếp xúc với văn minh thế giới không phải dễ, còn bây giờ chỉ cần một cái chạm tay. Khác nhau là đương nhiên. Chỉ có điều rất đáng lo ngại là giới trẻ bây giờ thực dụng quá, coi tiền bạc là số một.

Thế hệ của tôi không chú mục vào đồng tiền, luôn tin rằng cứ làm việc hết mình thì được nhận đồng tiền xứng đáng, vẫn dành nhiều thời gian và công sức cho làm giàu tinh thần, coi trọng các giá trị văn hóa. Một khi đã xem trọng đồng tiền thì sẽ bị ma lực của nó hút ngay. Điều đáng suy nghĩ là nhiều người trẻ nước ngoài mà tôi tiếp xúc không coi trọng đồng tiền như thế.

Ta luôn cần nẻo văn hóa để quay về, cần xây dựng nền tảng văn hóa cho giới trẻ và tất nhiên cho cả xã hội. Nền tảng đó chính là những giá trị cao đẹp của nền văn hóa Việt mà bao thế hệ người Việt đã bền bỉ xây đắp.

Xin cảm ơn ông!

 Trí thức ngày nay cũng cần phải khai trí

Cuộc khai dân trí và chấn dân khí trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, vẫn là xây dựng một nền giáo dục tiên tiến và toàn diện. Giáo dục ở đây phải hiểu một cách rõ ràng là được giáo dục và tự giáo dục. Một đất nước mà con người được giáo dục và biết tự giáo dục thì đất nước đó không thể không thoát khỏi những bế tắc của mình.

Nền giáo dục phải làm thế nào có thể đào tạo ra nguồn nhân lực thực chất để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đào tạo ra những nhân tài thật sự để giúp đất nước phát triển chứ không phải đào tạo ra nhân tài trên danh nghĩa.

Hiện tại, số lượng giáo sư, tiến sĩ của nước ta nhiều đến mức nhiều nước phát triển có nằm mơ cũng không thấy. Nhưng số lượng “tài trí” này đóng góp được gì cho nền khoa học nước nhà? Đây là điều rất đáng suy nghĩ. Hay nói thật lòng, đó cũng là chỗ cần phải khai trí!

Nhà nghiên cứu văn hóa HỒ TẤN PHAN


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận