Một doanh nhân tìm kiếm mô hình kinh doanh ít rủi ro hơn, một người bản địa tìm lại lối sống xưa của dân tộc mình, một người tìm về gốc rễ của đời sống tâm linh; cả ba đều tin rằng rừng là câu trả lời.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 1.
Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 2.

Sau 4 năm học ngành tài chính và 2 năm làm công việc yêu thích trong lĩnh vực đầu tư ở TP.HCM, tôi bắt đầu chán cái không gian chật chội, đường phố đông đúc, không khí ô nhiễm và cả những dòng kênh nín thở.

Năm 2015, tôi về quê lập nghiệp với loại cây mà bố mẹ đã trồng để nuôi hai chị em tôi ăn học: keo nguyên liệu.

Vận dụng hiểu biết về tài chính và kinh doanh vào việc trồng keo lai giâm hom, tôi mua đất, thuê đất và hợp tác với người dân để mở rộng diện tích trồng keo.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 3.

Đó là vì trồng keo cần nhiều lao động. Chi phí nhân công tăng 5-10%/năm (từ 100.000 đồng/ngày hồi năm 2015 đã tăng lên 250.000 đồng/ngày vào năm 2023).

Trong khi đó, giá thu mua keo nguyên liệu tại nhà máy gần như không thay đổi, dao động quanh mức 1,2 triệu đồng/tấn. Chi phí đầu tư luân kỳ sau cao hơn luân kỳ trước, trong khi năng suất lại giảm dần do thoái hóa đất.

Kế đó, do thiếu đầu tư, kiểm soát chất lượng cây giống, lại thêm diện tích trồng keo phát triển nóng và thiếu kiểm soát đã khiến nấm bệnh dễ lây lan, phát tán.

Các bệnh hại phổ biến trên cây keo hiện nay là nấm hồng, xì mủ và cháy bìa lá đang có dấu hiệu lây lan khắp cả nước, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, thậm chí có thể mất trắng.

Trồng keo không còn hấp dẫn, tôi buộc phải tìm kiếm hướng đi mới.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 4.

Tháng 10-2018, có khoảnh đất dốc rộng 2 ha khó canh tác keo, tôi đổi qua trồng cây lâu năm: chò chỉ, lim xanh, sao đen, lát hoa, gõ đỏ... Cây mình trồng thì chậm lớn mà cỏ dại, chồi rừng, dây leo tái sinh thì nhanh, phải chăm sóc liên tục.

Đến hè 2019, cây trồng bắt đầu chết dần do khô hạn. Tính đến nay, 2.000 cây rừng được trồng đợt ấy chỉ còn sống lác đác vài cây.

Cũng trong năm này, tôi trồng thử nghiệm 3ha cây tầm vông (miếng A). Sau khi tầm vông đã sống, tôi để cỏ và chồi rừng mọc tự nhiên để "che mắt" thiên hạ khỏi vào chặt cây, lấy măng.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 5.

Tôi mua thêm 1 lô đất trồng keo (miếng B) kế bên miếng A. Người chủ cũ thu keo xong, giao lại cho tôi mảnh đất trống trơn, ngổn ngang vỏ và cành keo. Mùa mưa đến, tôi phát hiện cây giáng hương tái sinh chồi dày đặc, có chỗ cứ cách 2-3m là có 1 cây, cùng với nhiều cây xoan con đang mọc từ hạt.

Trong bán kính 500m quanh khu đất, chỉ có đúng một cây giáng hương và vài cây xoan trưởng thành. Tôi đồ rằng, hàng ngàn chồi giáng hương hiện hữu đều được phát tán hàng năm từ đúng một cây mẹ.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 6.

Cả 2 miếng A và B từng là đất trồng mía nhiều năm. Miếng A nhiều đá, không cày xới được mà chỉ phát đốt.

Trước khi trồng tầm vông trên miếng A, tôi cũng đã phát dọn thực bì và đốt sạch sẽ, nhưng gốc rễ cây rừng vẫn còn đó và rừng chồi cứ thế tái sinh. Miếng B phẳng phiu nên bị cày xới nhiều.

Người chủ cũ lại kỹ tính. Toàn bộ dây leo, chồi và cỏ trong vườn keo đều được phát dọn sạch sẽ, cho nên chỉ thấy 2 loài - giáng hương và xoan - tái sinh nhờ cây mẹ.

Chồi rừng và cây mẹ đúng là của trời cho. Vậy mà bấy lâu nay tôi tìm kiếm đâu xa?

Giữa 2023, giá củi vườn tạp 800.000 - 1 triệu đồng/tấn chênh lệch không đáng kể so với giá keo nguyên liệu 1,2 triệu đồng/tấn lột vỏ (tương đương 1,05 trệu đồng/tấn cả vỏ).

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 7.
Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 8.

Khi đã thấu hiểu rằng trồng keo độc canh là đi ngược tự nhiên, hệ quả tất yếu là đất đai bạc màu, nhiều loài tuyệt chủng và sụp đổ hệ sinh thái - một trò chơi mà tất cả đều thua - tôi biết mình chỉ còn một con đường: nương theo tự nhiên để từng bước chuyển đổi từ độc canh cây keo sang tái lập rừng đa loài, đa tầng.

Trên đất trồng keo hiện hữu, tôi giữ lại và dưỡng tất cả cây rừng tự tái sinh trong vườn keo, bởi cây lấy gỗ (những loại mọc trung bình và mọc chậm) không hề cản trở cây keo (mọc nhanh) mà còn giúp che phủ bề mặt, hạn chế cỏ dại khi keo còn nhỏ.

Mặt khác, keo đóng vai trò cây tiên phong che bóng, giữ ẩm và thông thoáng tầng mặt cho cây rừng nảy mầm sinh trưởng và phát triển thuận lợi.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 9.

Sau khi khai thác keo, thảm cây rừng đa loài, đa tầng còn lại phục hồi rất nhanh và sinh trưởng ngoạn mục. Khi tầng tán ổn định (1 - 3 năm sau khai thác keo) tôi mới trồng cây mục đích dưới tán.

Tôi chọn cây mục đích là những cây cho khai thác sớm như tầm vông, dó bầu và những loại dược liệu dưới tán rừng để có thu nhập ngắn và trung hạn.

Những loài cây này che bóng, giữ ẩm và kiểm soát cỏ một cách tự nhiên nhờ tán rừng nên phát triển tốt mà lại tốn ít công chăm sóc.

Trên những mảnh đất sau canh tác nương rẫy, chưa trồng keo, tôi đánh giá mức độ tái sinh trên đất. Với những mảnh đất tái sinh tốt, chúng tôi cho đất nghỉ 5 - 7 năm để phần nào phục hồi độ phì.

Khi cây rừng tái sinh khá đa loài và đa tầng (tuy còn sơ khai), chúng tôi mới tiến hành rong dọn bớt cây bụi, cây tiên phong thân xốp để có không gian trồng thêm cây mục đích dưới tán rừng.

Nếu thấy tốc độ tái sinh chậm, tôi trồng thêm 1 luân kỳ keo làm cây tiên phong, và canh tác giống như đất keo hiện hữu nói trên.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 10.

Vườn tầm vông 3ha tôi trồng năm 2018 hiện có hàng trăm cây giáng hương và chang chang tái sinh đang phát triển tốt, cây cao tới 10m, đường kính ngang ngực 15cm.

30 năm sau, khi cây cao tới 20-30m, đường kính ngang ngực 50-70cm, giá trị có thể nhiều tỉ đồng.

So sánh với trồng keo, mỗi luân kỳ keo (5 năm) cho lợi nhuận 100-150 triệu/3ha, tổng thể chỉ cho thu nhập 600-750 triệu cho cùng thời gian 30 năm.

Nương theo dòng chảy tự nhiên để thấy mình bé nhỏ, đủ đầy và thảnh thơi.

PHAN KHẮC HỒNG

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 11.
Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 12.
Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 13.

Diêu và con gái

Là người Cơ Tu, sinh ra và lớn lên ở dãy Trường Sơn hùng vĩ và huyền thoại, từ nhỏ mình đã theo chân cha đi rừng, nghe cha kể chuyện rừng sâu nơi không ai dám tới.

Năm 2015, mình đậu Đại học Nông lâm Huế chuyên ngành lâm nghiệp. Bỏ lại rừng núi phía sau, mình gói ghém đồ đạc ra đi với mong muốn thay đổi cuộc đời.

Hết năm 3 đại học, mình về nghỉ hè. Một hôm, mình men theo con suối nhỏ, hai bên là những cánh rừng gỗ lớn, nhưng khi vào sâu, mình như chết lặng đi. Vô vàn những gốc cây (chò, gõ, dổi...) chừng hai người ôm nằm la liệt. Cây này đè cây kia. Cây kia đè cây khác nữa. Tan hoang một cánh rừng.

Cũng hè năm ấy - 2018 - mình chứng kiến cảnh cha mẹ mình bất lực nhìn hàng xóm làm rẫy hạ hết những cây gỗ lớn cỡ người ôm mà cha đã giữ mấy chục năm.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 14.

Đầu 2019, mình lấy vợ và không muốn quay lại trường. Điều mình tìm kiếm - một mô hình bền vững liên quan tới rừng mà phù hợp điều kiện chỗ mình - không có trong trường học.

Mình trở về với núi rừng, bắt đầu với mảnh đất trơ trọc sau 3 năm canh tác nương rẫy và một số tiền bán nông sản ít ỏi.

Giai đoạn đó, Nhà nước cũng đóng cửa rừng. Không có gỗ, việc làm nhà, sửa nhà đối với bà con rất khó khăn. Thấy cảnh đó, mình nghĩ tới việc tái lập rừng.

Ban đầu, mình cũng tính toán để có thu nhập cho từng giai đoạn: 1- 4 năm đầu (chuối, dứa); 5-10 năm: xoan ta và mây rừng (là những cây tái sinh được giữ lại sau giai đoạn trồng hoa màu); 11- 20 năm: quế, xoan đào; sau 20 năm sẽ có lát, lim, gõ, chò… tỉa bớt để làm nhà và có mảnh rừng nho nhỏ.

Nhưng mình vội vã, nên va vấp cũng nhiều.

Vợ chồng mình vay vốn mua 2 con bò, vài con heo và làm chuồng trại. Bò nuôi được 1 năm thì đẻ con, nhưng mùa đông lạnh quá, bò mẹ chết.

Heo nuôi kiểu tự nhiên nên lớn rất chậm, 2 năm mới thấy có da thịt mà đúng năm dịch tả châu Phi nên cũng đi luôn. Vài ba con thôi nhưng mình tốn khá nhiều sức. Khi chúng xổng chuồng, mình lại mất công sửa chuồng và đi tìm.

Khi làm cùng, mình luôn áp đặt cha mẹ theo ý mình: đừng đốt nương rẫy và rơm rạ nữa; trồng rừng đi, đừng trồng keo hư đất…

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 15.

Mình làm cùng lúc 6 miếng rẫy. Vì sợ cha mẹ trồng keo nên khi mảng rừng đầu tiên chưa ổn mình đã trồng mảng thứ hai trên nền miếng rẫy cũ đã nghèo kiệt. Kết quả không khả quan, làm sao cha mẹ tin tưởng mình được?!

Áp lực tiền bạc và mâu thuẫn gia đình khiến mình mệt mỏi. Nhiều khi mình nghi ngờ bản thân, nghi ngờ những thứ mình đang làm, muốn chặt bỏ hết những cây mình trồng để trồng keo cho nhanh. May có vợ mình cùng làm, chia sẻ và động viên khi mình gặp khó khăn về tâm lý.

Cuối 2021, mình xuống phố kiếm tiền trả nợ.

Thời gian ở phố, càng không muốn nghĩ càng nhớ rẫy, nhớ rừng. Nhớ lúc nhỏ, những ngày hè đi tắm suối, bắt cá với lũ bạn. Nay không thấy cá đâu nữa, vì còn suối đâu để bọn cá sống.

Trên nguồn, người ta trồng cao su, trồng keo hết rồi, suối cạn hết. Ngày xưa, chỉ cần có ống nhỏ hoặc bổ đôi lồ ô xếp chồng lên nhau đã kéo được nước về những điểm tập trung của làng, cùng lắm là đào cái giếng sâu 2-3m. Nay đào sâu 5-10m cũng không đủ nước dùng, phải khoan vài chục mét mới đủ.

Mới hơn 10 năm, từ khi trồng cao su và keo, mạch nước ngầm đã xuống như thế. Không biết sau này như thế nào khi diện tích trồng keo ngày càng mở rộng?

Trong thời gian đó, mình nghe câu chuyện của chị ruột mình lấy chồng ở Đông Giang - một vùng chuyên canh keo. Họ cũng người Cơ Tu như mình. Phía sau nhà họ cũng từng có rẫy, ruộng và những vạt rừng để hằng ngày mỗi khi hết cái ăn họ lại vào lấy một ít.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 16.

Ngày mình còn bé, chỉ cần đi sau nhà cũng gặp được con thú. Nay phải đi tuốt rừng sâu mới gặp. Săn mãi rồi thú cũng hết, khi những cánh rừng càng ngày càng xa dân làng. Cha kể, xưa khi còn rừng, ở gần rừng, cuộc sống dân làng quá đỗi bình yên và tính cộng đồng rất cao.

Bắt được một giỏ cá, một con thú rừng, họ chia cho bà con làng xóm mỗi nhà một ít; ai có rượu thì góp rượu, đem đến nhà người săn nhậu một bữa no nê. Khi dựng nhà, mùa gặt hay lúc khó khăn, bà con làng xóm luôn sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau. Còn giờ !?…

Khi thấy bà con bị cuốn vào xu hướng trồng keo, mình không muốn bị cuốn theo nữa. Không còn con đường nào phù hợp hơn là gầy những miếng rẫy còn sót lại của nhà mình thành rừng.

Đầu tháng 12-2023, mình lại quay về với núi rừng. Lần này, mình tôn trọng lựa chọn của cha mẹ, mình tập trung vào lựa chọn của mình và mình không vội nữa.

Mỗi miếng rẫy đang có hiện trạng khác nhau: miếng bắt đầu bỏ hoang sau canh tác nương rẫy; miếng thì cây rừng đang tái sinh tự nhiên; có miếng vợ chồng mình đã trồng được 3 - 4 năm với đủ loại: chuối, dứa, xoan, xoan mộc, sấu, lim, lát, chò, gõ… giờ cây ngắn ngày đã cho thu hoạch.

Có một miếng cha mình đã giữ và trồng thêm được 30 năm rồi, có những cây một người ôm không hết, nhìn như một mảnh rừng nhỏ đã phân tầng rõ ràng, nhiều loài mình còn không biết tên.

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 17.

Nhưng để dưỡng thành rừng thì hành trình còn dài. Tụi mình cần những anh chị miền xuôi chung tay, đặc biệt các anh chị Hội An, Đà Nẵng - những người sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi những khu rừng phía tây Quảng Nam, Đà Nẵng mất dần.

Thay vì góp cây trồng rừng, thay vì tặng gạo, mì chính, nước mắm… mình hy vọng họ sẽ là những khách hàng đặt mua nông sản của tụi mình trong giai đoạn đầu để tụi mình có thu nhập ngắn hạn ổn định, yên tâm dưỡng rừng.

Biết đâu có nhiều người bản địa như tụi mình đã, đang và sẽ nỗ lực để rừng lại về gần làng như xưa, nước lại về gần làng như xưa… Phía dưới xa, những thành phố cũng được nương vào bóng rừng mà yên lành.

A Râl Diêu

Quay về dãy Trường Sơn trồng rừng - Ảnh 18.
Tuyến bài do Hằng Mai chấp bút cho các tác giả
VÕ TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên