20/10/2014 12:55 GMT+7

​Quầy tô tượng của bà giáo

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Không muốn nhàn rỗi và để kiếm chút thu nhập, vừa nghỉ hưu năm 2012 bà giáo Diêu Thị Hiệp (58 tuổi) đã bày biện mấy cái bàn nhựa, ghế nhựa cho con nít tới tô tượng.

Bà giáo Hiệp bên mấy đứa trẻ tô tượng - Ảnh: Sương Trang
Bà giáo Hiệp bên mấy đứa trẻ tô tượng - Ảnh: Sương Trang

Quầy tô tượng của bà giáo ngay trước quảng trường biển Nhật Lệ (TP Đồng Hới, Quảng Bình). Nơi đây những cơn gió biển luôn ầm ào thổi...

Mấy cái bàn nhựa được kê ngay ngắn. Chừng 7-8 đứa trẻ ngồi chăm chú quẹt tô lên bức tượng của mình. Tượng nhân vật cổ tích, con vật, hoa quả... qua những bàn tay bé xíu vụng về đã chuyển từ màu thạch cao sang sắc xanh đỏ sinh động. Nếu không kể đến không gian xung quanh thì nơi này giống như một lớp học nho nhỏ.

Bà giáo chăm chú ngồi theo dõi mấy đứa nhỏ tô vẽ, pha màu với thói quen quan sát của người dạy học.

“Trẻ con tô tượng rất có lợi, rèn được tính kiên trì, óc tưởng tượng và sự sáng tạo. Nhìn cách một đứa nhỏ phối màu và cách đối xử với tượng là có thể đoán ra tính cách của chúng” - bà cười hiền cho biết.

Cơ duyên với việc bán tượng tô của bà giáo là từ con gái. Con bà đang học đại học ở Đà Nẵng, đi tô tượng với bạn ở sông Hàn thấy hay nên lấy hàng về cho mẹ đem ra quảng trường biển Nhật Lệ.

Bà giáo kể: “Lúc mới ra, nhiều người thích lắm vì ngồi tô tượng ở đây mát mẻ, thoáng đãng. Tụi nhỏ thường rủ nhau đi chung vừa tô vừa trò chuyện ríu rít. Không chỉ tụi nhỏ mà thanh niên cũng thích trò này”.

Nhưng dần dần những trò chơi trong khu giải trí gần đó hấp dẫn bọn trẻ hơn. Lượng khách ít đi. Khách bây giờ của bà chủ yếu là những học trò cũ nơi Trường THCS số 2 Bảo Ninh mà bà đã dạy 35 năm ròng.

Các em ghé tô tượng, lễ phép chào bà và vừa tô vừa nói chuyện như vẫn đang là học trò của bà. Đó là niềm vui lớn nhất của người giáo viên với nghề tay trái này.

Nguyễn Thùy Lan, học sinh lớp 9 Trường THCS số 2 Bảo Ninh, nói: “Em hay ghé chỗ cô Hiệp tô tượng. Em là học trò cũ của cô, nên mỗi lần tô tượng gặp cô cảm thấy rất vui”.

Chiều, chừng 16g, bà giáo lại ra bày biện bàn ghế, tượng và màu. Khi từng đợt gió buốt lạnh 9-10g đêm thổi qua, khách còn ghé thì bà vẫn kiên nhẫn đợi. 30 tuổi, bà giáo lấy chồng và lần lượt có hai con.

Từ năm 2004, chồng bà bị đau thần kinh, thuốc thang cũng dần đỡ nhưng không còn khỏe mạnh như xưa. Thế nhưng mỗi chiều, hai mái đầu nhuốm màu sương vẫn cùng nhau đẩy tủ bán kem và bày biện những bức tượng, bàn ghế. Rồi ông về nấu cơm, trông nhà.

Ngôi nhà nằm bên kia sông Nhật Lệ, cách nơi tô tượng của bà giáo chừng một cây số. Bà giáo nói nếu khách đều đều thì tiền kiếm được từ việc tô tượng và bán kem lai rai cũng đủ lo chợ búa, chăm sóc chồng. 

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên