Kiên Giang và Cà Mau là hai tỉnh ven biển chịu tác động nặng nề của hạn mặn. Các dòng kênh khô cạn làm nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụp lún, chia cắt. Cuộc sống người dân bị đảo lộn do thiếu nước, giao thông cô lập và sản xuất đình trệ.
"Cảnh này còn khổ hơn thời COVID"
Đó là lời của bà Lê Thị Oanh (74 tuổi, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) khi trò chuyện ảnh hưởng hạn hán gây ra. Nghe chúng tôi hỏi, bà Oanh ứa nước mắt kể lại:
"Khoảng tháng trước, đoạn lộ trước nhà và những nơi khác bị sụp lún không đi được, trong khi tôi trở bệnh mà hai chân lại bị gãy, các con phải thay nhau cõng tôi đến nơi có lộ ô tô. 10h sáng xuất phát từ nhà nhưng hơn 10h tối mới đến TP.HCM. Nhập viện, tôi đã mê man, tưởng chết, nhờ bác sĩ cứu sống được".
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Lục (ấp Bãi Ghe, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) mặt như mếu khi được hỏi tình hình sản xuất năm nay. "Đợt hạn mặn lần trước (năm 2020) con lộ trước nhà sụp xuống sông không đi được, tôi kêu cơ giới làm lại bờ kè và gia cố lộ tốn hơn 40 triệu đồng.
Năm nay tiếp tục hạn làm sông khô nước, lộ lại sụp, bờ kè cũng trôi xuống sông. Vụ lúa hè thu cũng bị thiệt hại hơn 15 triệu đồng vì xe không tới nhà mua được.
Đến vườn dừa bình thường bán mỗi tháng cũng được 4 6 triệu đồng, giờ lái không vào mua nên đành bỏ dừa khô lên mộng đầy vườn", ông Lục than.
Tương tự Cà Mau, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) cũng đang gồng mình trước tình trạng hạn hán bủa vây. Ông Nguyễn Văn Đoàn (xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng) và dân địa phương đã tính đến cách đóng các xe nhỏ hoặc chuyển bằng xe máy đến các điểm tập kết để bán các nông sản, nhưng xem ra đó chỉ là giải pháp tình thế vì phí nhân công đội lên.
"Năm nay hạn mặn khốc liệt quá nên con lộ trước nhà không còn đi xe lớn được. Giờ bán chuối, hoa màu tôi phải chở bằng xe máy ra điểm bán, chi phí đội lên nhiều. Người dân ở đây sống bằng chuối và hoa màu, nhưng giờ sản xuất cực và tốn công hơn hẳn trước", ông Đoàn buồn bã nói.
Ông Huỳnh Thanh Tuấn - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện U Minh Thượng - thông tin diện tích trồng rau củ quả và cây ăn trái ở hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận khoảng 7.000ha. Trong đó, diện tích chuối trồng khoảng 3.000ha. Các nông sản đều đang vụ thu hoạch.
"Bà con tìm cách vận chuyển chuối, rau màu bằng xe máy đến các điểm bán là giải pháp tình thế, chứ chi phí đội lên cao, bà con thiệt hại nhiều", ông Đoàn nói.
Không chỉ vùng ngọt bị ảnh hưởng mà các vùng nước mặn cũng ảnh hưởng khi mấy tháng nay chưa có mưa. Nước ngầm không khoan được do bị mặn, nước nối hệ thống thì không có, ao đìa, dụng cụ chứa nước thì trơ đáy làm cho người dân mang tiếng "vùng sông nước" mà lại không có nước, khổ sở sinh hoạt.
Theo thống kê, tỉnh Cà Mau có hơn 3.000 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt hằng ngày. Chỉ riêng xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) có 1.847 hộ dân nhưng đã có hơn 450 hộ thiếu nước ngọt, phải mua nước từ các ghe chở nước từ nơi khác đến bán giá 50.000 đồng/m3.
Anh Tuấn Anh (xã Biển Bạch) vừa đi làm cỏ thuê về trong trời nóng nực gần 40oC, sẵn gặp chị Giàu (vợ anh) ngồi đợi đổi nước bèn xin một xô để tắm nhưng chị vợ không cho đầy xô mà chỉ được phân nửa. Chị Giàu phân trần khi thấy khách ngạc nhiên.
"Tính ra gia đình ba người mà mỗi tháng xài tiền đổi nước ngọt tới hơn 400.000 đồng. Trong khi mấy tháng hạn này ít người thuê làm nên mỗi tháng thu nhập của gia đình chỉ khoảng 3 triệu đồng. Tiền nước, tiền điện bay gần hết 1/3 thu nhập", chị Giàu than.
Ông Lê Thành Văn - trưởng ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch) - cho biết cây cối trong ấp héo khô, dân cũng không chăn nuôi gì bởi có chăn nuôi gà vịt thì cũng đâu không có nước cho uống. Cuộc sống người dân nơi đây đảo lộn nhiều lắm.
Tối ngày chỉ quanh quẩn chuyện tiết kiệm, đổi nước và không có tiền tiêu xài. Mấy hộ có tiền thì còn mua lu, khạp đổi nước xài vài ngày được. Tội cho 32 hộ nghèo và cận nghèo trong ấp không có nhiều dụng cụ chứa nước nên khổ lắm.
Chị Hà Thị Trúc là một trong 16 hộ sống đúng nghĩa biệt lập giữa đồng khơi. Nhà chị cùng những hộ khác ở tuyến kênh hậu đất nuôi tôm nên không có điện lưới quốc gia cùng nước sạch. Các ghe đổi nước cũng "làm biếng" vào khu này bởi ít nhà. Vậy là hằng ngày chị Trúc cùng nhiều người phải sử dụng nước mặn dưới vuông tôm để rửa chén, tắm giặt.
"Nước ngọt ở đây quý như vàng nên xài rất tiết kiệm. Mỗi người chỉ được khoảng một xô nước một ngày. Khi cả xóm hết nước thì họ đi tìm các ghe đổi nước nơi khác kéo về đổi được vài ba khối nước", chị Trúc cho hay.
Nỗ lực gỡ khó
Xã Khánh Hải (huyện Trần Văn Thời) được xem là vùng lõi sạt lở và sụp lún đất khi chỉ tính riêng địa bàn đã có hơn 250 điểm sạt lở, sụp lún lộ giao thông với chiều dài hơn 7,1km.
"Chỉ tính riêng diện tích sản xuất lúa địa phương năm nay mỗi ký lúa sụt 1.000 đồng do giao thông thủy tê liệt, đường bộ bị chia cắt thì thiệt hại người dân đã lên đến 34 tỉ đồng.
Đó là chưa nói rau màu, cây ăn trái, cá đồng...", ông Phạm Thành Được - chủ tịch UBND xã Khánh Hải - nhẩm tính.
Ông Được cho biết đang chỉ đạo các đoàn thể phối hợp cùng dân khắc phục tạm thời những điểm sạt lở, sụp lún nhỏ hoặc những điểm gây chia cắt giao thông để dân đi lại.
Về lâu dài, địa phương cần UBND tỉnh và trung ương hỗ trợ khắc phục các điểm sạt lớn.
Còn ông Dương Quốc Khởi - phó chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) - cho biết địa phương đang thực hiện phương châm bốn tại chỗ để kịp thời di dời, hỗ trợ dân bị ảnh hưởng do sạt lở, sụp lún đất.
"Chúng tôi tạm ứng quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ dân, bắc cầu tạm để có thể sử dụng xe hai bánh vận chuyển nông sản ra chợ. Địa phương cũng đã kiến nghị UBND tỉnh sớm triển khai đề án chống hạn mặn để phòng chống sụp lún, sạt lở đang diễn ra", ông Khởi nói.
Thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng
Lê Quốc Anh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết khô hạn kéo dài làm huyện U Minh Thượng bị sạt lở, sụp lún đường giao thông và nhiều nhà dân.
Đến thời điểm này đã ghi nhận hơn 320 điểm sạt lở lộ giao thông nông thôn với chiều dài khoảng 7,9km, có 23 nhà dân bị sụp lún, ước thiệt hại gần 100 tỉ đồng. Các kênh nội đồng trước đây có mực nước sâu 4-5m so với mặt đường giờ đã trơ đáy, nứt nẻ. Con số sạt lở đang tăng lên từng ngày.
Ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - cho biết Cà Mau là tỉnh duy nhất miền Tây chỉ phụ thuộc vào nước trời và nước ngầm để sản xuất và sinh hoạt. Do chủ động từ cuối năm trước nên năm nay Cà Mau đã bảo vệ thành công vụ lúa trên đất nuôi tôm và vụ lúa đông xuân nên không thiệt hại lớn.
Tuy nhiên, khô hạn khốc liệt kéo dài làm phần lớn vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời xảy ra sụp lún, sạt lở các tuyến giao thông nông thôn. Đến nay đã có gần 600 điểm sạt lở, sụp lún với tổng chiều dài hơn 16km. Trong đó có 12km đường bê tông, ước con số thiệt hại lên đến hàng chục tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận