21/03/2017 10:34 GMT+7

Quay phim 'Tây' ở Việt Nam: Quà tặng trời cho và thách thức

MARCUS MẠNH CƯỜNG VŨ
MARCUS MẠNH CƯỜNG VŨ

TTO - Trào lưu chọn Việt Nam làm địa điểm quay chính của những bộ phim quốc tế đã trở lại sau khi dự án Kong: đảo Đầu Lâu đến Việt Nam vào đầu năm 2016.

*** Error ***
Đoàn phim Thị Mai tại vịnh Hạ Long, Quảng Ninh - Ảnh: ĐPCC

Đoàn phim Thị Mai của Tây Ban Nha quay tại Hà Nội và Hạ Long suốt tháng 10 và tháng 11-2016.

Tháng 4 năm nay, bộ phim Pháp Nơi tận cùng thế giới dự kiến khởi quay tại miền Bắc Việt Nam và kéo dài tới tháng 5.

Tiếp nối sau đó là một đoàn phim Đức... Danh sách này dự kiến còn nối dài...

Cảm hứng Việt Nam

Thị Mai - tác phẩm phim truyện - dự kiến ra rạp ở Tây Ban Nha vào tháng 9 năm nay, đồng thời được chiếu trực tuyến toàn cầu trên ứng dụng xem phim qua mạng Netflix.

Đây là một bộ phim truyện hài - tình cảm với những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của Tây Ban Nha. Phim được làm ra trùng dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao 40 năm giữa Việt Nam và Tây Ban Nha (1977 - 2017).

Như đạo diễn chia sẻ với người viết bài này, kịch bản của phim ban đầu có bối cảnh Trung Quốc và đã được viết ra gần 10 năm trước. Khi nó đến tay nữ đạo diễn kỳ cựu Patricia Ferreira, cái tên Việt Nam chợt hiện ra như một ẩn số mới lạ.

Ở thời điểm đó, bà gần như chưa biết gì về đất nước xa xôi này và cuộc du ngoạn tìm hiểu về Việt Nam mới thật sự bắt đầu. Bị vẻ đẹp của Việt Nam quyến rũ, đạo diễn đã quyết định chỉnh lại kịch bản cùng người biên kịch để câu chuyện mang dáng dấp của đất Việt, những cái tên Việt, món ăn Việt, tinh thần Việt.

Bối cảnh VN trong Kong: Skull Island - Ảnh: CGV

Tất nhiên, đó là hình ảnh Việt Nam trong mắt người nước ngoài.

Hình ảnh ấy là gì?

Hà Nội là chợ Đồng Xuân, cầu Thê Húc, cầu Chương Dương, cầu Long Biên, hồ Gươm, Văn Miếu, hồ Tây, nhà cổ, phố đông chật chội; Hạ Long là du thuyền trên vịnh; Việt Nam là áo dài, nón lá, đồng lúa, chùa chiền, ẩm thực...

Chuẩn du lịch. Đúng là thứ hình ảnh thật dễ chịu và đáng yêu, thứ hình ảnh người ta cần để quảng bá du lịch. Nói không quá khi cho rằng bộ phim này sẽ góp phần vào việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, ít nhất là tới cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.

Đúng định hướng phát triển điện ảnh kết hợp du lịch của Bộ VH-TT&DL nước nhà. Chẳng thế mà bộ phim được tạo điều kiện, dù sự hỗ trợ chính thức có độ mạnh yếu khác nhau, để quay tại những nơi khá nhạy cảm về an ninh như sân bay quốc tế Nội Bài, Hoàng thành Thăng Long.

Kết hợp cùng hiệu ứng đến từ các siêu phẩm thương mại toàn cầu như Kong: đảo Đầu Lâu, hi vọng cái tên Việt Nam sẽ còn nóng hơn nữa trong kế hoạch du ngoạn của du khách thập phương quốc tế thời gian tới.

Một cảnh trong phim Đông Dương - Ảnh: tư liệu
Một cảnh trong phim Đông Dương - Ảnh: tư liệu

Không bổ ngang cũng bổ dọc

Ngoài ý nghĩa du lịch ra, việc những dự án phim lớn chọn quay phần lớn bối cảnh tại Việt Nam còn mang lại lợi ích gì khác cho nền điện ảnh của chúng ta?

Trước hết, với đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp của đoàn phim quốc tế, dân làm phim xứ Việt có dịp được cọ xát học hỏi. Nhất là về điều kiện làm việc, tiêu chuẩn sản phẩm, kỷ luật đoàn phim. Không bổ ngang cũng bổ dọc, bất kể bất đồng ngôn ngữ. T

rong một không gian làm việc với yêu cầu cường độ lao động cao, sức dẻo dai chịu đựng của nhân sự người Việt được rèn giũa bên cạnh những điều có thể học hỏi được khác về kỹ thuật, quy trình và sự kỹ lưỡng. Giá trị giáo dục và nâng cao tay nghề vì thế là lợi ích hàng đầu cho điện ảnh Việt Nam.

Hơn thế, các mối quan hệ có được trong quá trình làm phim sẽ là những cầu nối cho những dự án điện ảnh liên quan sau này. Đây là lợi ích bền vững khác bên cạnh sự học hỏi đã đề cập bởi chỉ có liên kết quốc tế sâu rộng, điện ảnh Việt Nam mới có thể hội nhập với thế giới.

Trong quá khứ, sự trở về của đạo diễn Trần Anh Hùng với các bộ phim thực hiện tại Việt Nam cho quốc tế đã trở thành chiếc cầu để các tài năng điện ảnh Việt sau này như Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp và một đội ngũ nhà làm phim trẻ thế hệ kế tiếp như Phạm Ngọc Lân, Lê Bảo bước ra ngoài dễ dàng hơn một chút.

Đông Dương - một phim Pháp được quay tại VN - Ảnh: tư liệu
Đông Dương - một phim Pháp được quay tại VN - Ảnh: tư liệu

Cạnh tranh khu vực

Tất nhiên không phải mọi thứ đều màu hồng. Mang dự án phim đến một đất nước còn vênh nhiều về trình độ kỹ thuật như Việt Nam, với đội ngũ nhân sự còn thiếu kinh nghiệm cọ xát quốc tế cùng những khó khăn trời ơi đất hỡi từ phía quản lý chồng chéo nhiều cấp là thách thức không hề nhỏ với các nhà làm phim quốc tế.

Phải có tình yêu bên cạnh quyết tâm rất lớn, họ mới có thể không bỏ cuộc ngay từ đầu hay giữa chừng. Bản thân người viết bài từng có mặt trong nhân sự một đoàn phim quốc tế tại Việt Nam, đã thấy được những bất cập không tránh khỏi ở một dự án kiểu như vậy.

Có thể nói, những đoàn phim quốc tế tại Việt Nam và ảnh hưởng tích cực của họ đến các mặt văn hóa, kinh tế và du lịch của Việt Nam là món quà tặng trời cho. Nhưng không phải luôn dễ dàng như thế.

Trong quá khứ, từng có nhiều dự án phim lớn và hứa hẹn gây tiếng vang đã lỡ hẹn quay tại Việt Nam, điển hình như 007: Ngày mai không bao giờ chết, sau đó đã được chuyển qua Thái Lan.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều nhận thấy tác dụng mạnh mẽ của hiệu ứng điện ảnh mang đến cho điện ảnh và kinh tế nước mình, nên luôn mở rộng vòng tay với các dự án quốc tế.

Sự thay thế Việt Nam bằng Thái Lan hay Malaysia luôn được đặt lên bàn cân với mỗi nhà sản xuất quốc tế.

Do đó, sự hội nhập của Việt Nam như là một điểm đến của điện ảnh thế giới chỉ thật sự khởi sắc khi những rào cản bất cập về luật lệ hay kiểm duyệt được nới lỏng. Đồng thời cần có động thái chủ động quảng bá về bối cảnh, nguồn lực và lợi ích của việc mang dự án phim đến quay tại Việt Nam ra bên ngoài.

Nhân sự Việt Nam cũng cần trau dồi ngoại ngữ, học hỏi kỷ luật và làm theo thông lệ quốc tế. Chỉ như vậy, việc có nhiều đoàn phim quốc tế cùng lúc làm việc tại Việt Nam mới có thể thành sự thật và hình ảnh Việt Nam cuốn hút không chỉ với khách du lịch, mà còn với khán giả màn bạc.

*** Error ***
Một đoàn phim nước ngoài quay ở VN - Ảnh: ĐPCC


Nhiều địa phương đón các đoàn làm phim

Sau Kong: đảo Đầu Lâu, tính đến thời điểm hiện tại ít nhất đã có ba dự án phim mới được Bộ VH-TT&DL cho phép khảo sát, chọn địa điểm quay và dựng bối cảnh ghi hình tại Việt Nam.

Đó là phim Nơi tận cùng của thế giới do Hãng Les Films du Worso (Pháp) đầu tư thực hiện. Phim sẽ khảo sát, chọn địa điểm quay... từ tháng 1 đến tháng 5-2017 tại các địa điểm: Hà Nội, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Ninh Bình, Đà Nẵng.

Đạo diễn của bộ phim là Guillaume Nicloux - đạo diễn của phim Valley of Love từng dự tranh Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 2015.

Tiếp đó, bộ phim truyện Lời nguyền tình yêu với sự tham gia của nhà biên kịch, đạo diễn mang hai dòng máu Việt - Mỹ Stephane Gauger cũng đã được phê duyệt thời gian sản xuất tại Việt Nam từ ngày 25-2-2017 đến 25-2-2018 ở TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Bộ VH-TT&DL cũng đã cho phép Công ty TNHH StarVN phối hợp với Cục A87 (Bộ Công an) thực hiện bộ phim truyện Câu chuyện hồ Thiên Nga với sự tham gia của đạo diễn Yuttana Suntivong và quay phim Decha Srimanta (Thái Lan).

Phim được thực hiện từ ngày 1-3 đến 31-12-2017 tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre.

MINH TRANG

Thời điểm những năm 1990 là giai đoạn nhộn nhịp của các dự án phim quốc tế quay tại Việt Nam.

Từ các phim Pháp như Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Xích lô, Mùa hè chiều thẳng đứng tới phim Mỹ như Người Mỹ trầm lặng, Ba mùa... đã tạo nên một làn sóng Việt Nam như là một điểm đến của điện ảnh thế giới.

Tuy nhiên, qua đến những năm 2000 làn sóng này dừng lại.

MARCUS MẠNH CƯỜNG VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên