Phóng to |
GS Trần Thanh Vân (bìa trái) đón các nhà khoa học đến Quy Nhơn chiều 3-8 - Ảnh: Trường Đăng |
Cao siêu nhưng không xa xỉ - đó là cảm tưởng của tôi khi đọc bài giảng của GS Sheldon Lee Glashow, Ðại học Harvard, giải Nobel vật lý năm 1979, người Mỹ gốc Do Thái, nhan đề Tại sao ta cần nghiên cứu khoa học cơ bản?
Ðây là bài giảng ông sẽ đọc sáng 12-8-2013 ở Quy Nhơn, trước một cử tọa chọn lọc gồm mấy trăm giáo sư, tiến sĩ vật lý của 29 nước, các quan khách cao cấp Việt Nam, trong phiên khai mạc hội nghị Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ nhân khánh thành khu nhà hội nghị trong Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành.
Tôi không dám chắc mình đã lĩnh hội được thấu đáo bài giảng ấy, nhưng vẫn cứ gắng thuật lại vắn tắt và nôm na, trong khuôn khổ một bài báo.
"Các vị ấy sai rồi!"
Phóng to |
GS S.Glashow sẵn sàng trả lời bạn đọc Tuổi Trẻ
GS Sheldon Lee Glashow sẽ có mặt tại Việt Nam vào ngày 9-8. Ông đã chính thức nhận lời mời tham gia giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Trong dịp đến Việt Nam lần này, ông sẽ đưa phu nhân đi cùng. Theo ban tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9, GS Glashow vừa thông báo phu nhân của ông mới bị gãy chân nhưng hai ông bà sẽ không hủy chuyến đi này.
H.N.
S. Glashow cho rằng nhiều vị đại diện chính phủ, ngành công nghiệp và cả giới trí thức tranh cãi nhau, rồi đi tới chỗ cho rằng chính quyền chỉ nên đầu tư vào các nghiên cứu trực tiếp mang lại được những lợi ích tức thời và chuyên biệt, làm giàu thêm của cải của xã hội, cải thiện chất lượng sống của con người. Theo họ, những nghiên cứu gián tiếp, về vật lý hạt, toán học, vũ trụ học, vật lý nhiệt độ thấp và nhiều lĩnh vực khoa học cơ bản khác là vô dụng, xa xỉ, tốn tiền! Tốt hơn là nên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao phúc lợi xã hội. Rõ ràng họ quay lưng lại với khoa học cơ bản!
Bình luận về thái độ đó, S. Glashow nói: "Các vị ấy sai rồi!".
Tuy nhiên, không hẳn các vị kia đã dễ dàng thừa nhận mình sai. Họ lập luận: Các nhà vật lý chuyên nghiên cứu cơ bản luôn dồn hết tâm trí tìm kiếm những cái gì đó có lợi cho việc xây dựng lý thuyết của họ. Những khám phá của nhà vật lý hạt và nhà vũ trụ học hầu như không liên quan gì đến sự quan tâm của hầu hết mọi người. Có thành chuyện quan trọng gì đâu, việc vũ trụ của chúng ta "già" bao nhiêu tỉ tuổi, hoặc vật chất được cấu thành bởi 2 hay 17 hạt cơ bản? Nếu những ai đó thích ngắm nhìn và suy ngẫm về vũ trụ thì hãy cứ để mặc họ làm việc ấy trong thời gian rảnh rỗi và bằng túi tiền của họ. Ðiều quan trọng hơn nhiều là xã hội hãy khích lệ những "bộ óc ưu tú nhất" giải quyết những vấn đề thực tế!
Ta hãy tranh luận với các vị ấy một chút nhé. Nếu Faraday, Röntgen và Hertz chỉ nhăm nhe giải quyết "những vấn đề thực tế" ở thời đại họ, chắc hẳn chúng ta còn phải chờ đợi lâu mới có động cơ điện, tia X và radio. Quả thật, các nhà vật lý lý thuyết ngày nay quan tâm đến những hiện tượng lạ kỳ, không hề mang lại lợi ích sát sườn gì cho họ cả! Thế nhưng công trình của họ lại đã và đang tác động lớn đến cuộc sống của chúng ta.
Những tìm tòi về kiến thức cơ bản chỉ nhằm thỏa mãn sự tò mò, nhưng rốt cuộc vẫn mang lại hiệu quả thực tế chẳng kém gì những nghiên cứu trực tiếp tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội chuyên biệt.
Những ứng dụng vô cùng hữu ích
Trước hết, ta hãy điểm qua những ứng dụng của vật lý học hiện đại vào y học lâm sàng.
- 1894: khám phá tia X, dẫn tới sáng chế máy quét cắt lớp vi tính CT (computerized tomography), tạo mô hình ba chiều cho một vùng cơ thể.
- 1950: môn từ học hạt nhân (nuclear magnetism) ra đời, dẫn tới máy quét MRI (magnetic resonance imaging).
- 1912: khám phá chất đồng vị phóng xạ, dẫn tới liệu pháp xạ trị nguồn kín (hay xạ trị nội bộ).
- 1934: máy gia tốc cyclotron ra đời, dẫn tới liệu pháp chùm hạt chữa ung thư (xạ trị).
- 1957: laser ra đời, dẫn tới ngành vi phẫu thuật.
- 1986: khám phá PCR (polymerase chain reaction/ phản ứng chuỗi trùng hợp) mang lại nhiều ứng dụng trong ngành pháp y.
- 1953: khám phá cấu trúc ADN, dẫn tới liệu pháp gen.
Mỗi khám phá cơ bản trên đây đều được tặng một giải Nobel.
Tiếp theo, ta hãy xem khoa học cơ bản tác động như thế nào đến công nghệ thông tin.
- 1988: phát hiện sóng radio, dẫn tới việc truyền dẫn không dây.
- 1947: tìm ra phép toàn ảnh (holography), dẫn tới thẻ tín dụng an toàn.
- 1947: phát hiện chất bán dẫn, dẫn tới cuộc cách mạng máy tính lần thứ nhất.
- 1951: tìm ra vi mạch tích hợp (IC), dẫn tới cuộc cách mạng máy tính lần thứ hai.
- 1966: khám phá sợi quang, dẫn tới công nghệ truyền dữ liệu nhanh.
- 1976: khám phá mật mã PK (public key) dẫn tới công nghệ truyền dẫn an toàn.
- 1988: khám phá từ trở khổng lồ (giant magnetoresistance), dẫn tới khả năng đọc ra đĩa máy tính.
- 1986: khám phá hiện tượng siêu dẫn nhiệt độ cao, có lẽ rồi đây sẽ dẫn tới kho lưu trữ năng lượng?
- 2012: khám phá khả năng điều khiển lượng tử, có thể dẫn tới việc sáng chế máy tính lượng tử, mạnh gấp nhiều lần máy tính điện tử.
Ta còn có thể kể thêm vô vàn ứng dụng khác của khoa học cơ bản vào công nghệ:
- 1939: khám phá hiệu ứng quang điện, dẫn tới việc sản xuất các tấm panel mặt trời.
- 1912: khám phá hiện tượng nhiễu xạ tia X (X-ray diffraction), dẫn tới việc tìm ra cấu trúc ADN.
- 1916: thuyết tương đối rộng ra đời, dẫn tới công nghệ định vị toàn cầu.
- 1938: khám phá sự phân hạch hạt nhân (nuclear fission), dẫn tới nhà máy điện hạt nhân.
- 1949: khám phá cách xác định tuổi bằng carbon (carbon dating), dẫn tới những nghiên cứu thời tiết.
- 1969: chế tạo thiết bị tích điện kép (charge couple device/ CCD), dẫn tới máy ảnh số.
- ...
Vận may chỉ mỉm cười với những trí tuệ được chuẩn bị kỹ
Ngày xửa ngày xưa, có một chàng hoàng tử điển trai đi tìm cây kim trong đụn rạ (người Việt Nam ta nói "mò kim đáy biển"). Chàng chẳng tìm thấy cây kim đâu cả, nhưng lại tìm được một cô nàng xinh đẹp, con ông chủ trại!
Năm 1856, chàng trai Henri Perkin đang cố gắng tổng hợp thuốc sốt rét quinine thì lại khám phá ra cách nhuộm aniline.
Năm 1896, Henri Becquerel đang cố chứng minh Mặt trời phát ra tia X thì bỗng nhiên khám phá ra hiện tượng bức xạ.
Năm 1965, một nhà hóa học kiểm tra tác dụng của thuốc chữa bệnh dạ dày thì "trượt chân" tới một... "quả bom tấn"! Ông tìm ra loại đường nhân tạo aspartame.
Năm 1996, Pfizer đang tìm một thứ thuốc trị bệnh đau thắt ngực và cao huyết áp thì bỗng tìm được Viagra, thuốc cương dương cho nam giới khiến Pfizer phát tài to!
Cuối cùng, GS S. Glashow nói thêm: Nghiên cứu cơ bản là một mô hình kiến tạo tình hữu nghị và nền hòa bình giữa các dân tộc. Thành tựu khoa học cơ bản là thành tựu chung của cả loài người, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, màu da, giới tính. Chẳng hạn: Chương trình từ phổ kế Alpha thu hút 16 nước, Trạm không gian quốc tế: 15 nước, Máy gia tốc thẳng quốc tế: 19 nước, nghiên cứu nhiệt hạch: EU + 6 nước, CERN lôi cuốn hơn 100 nước.
***
Ðọc kỹ bài giảng của nhà bác học Mỹ ấy tôi thầm nghĩ: nghiên cứu cơ bản rất hữu ích và đầy hứng thú, đáng để cho nhiều bạn trẻ nước ta hôm nay lựa chọn và dấn thân. Nếu bạn giỏi thì cũng chẳng nghèo đâu. Nếu bạn xuất sắc ắt sẽ có tiếng tăm đấy. Nếu bạn là thiên tài, thì hẳn sẽ "lưu danh muôn thuở".
Vì vậy, quay lưng lại với khoa học cơ bản là sai lầm!
HÀM CHÂU
Bên lề “Gặp gỡ Việt Nam” lần 9 * Giao lưu học sinh đoạt giải Olympic với các giáo sư Nobel Tối 12-8 sẽ diễn ra buổi gặp gỡ giao lưu giữa các nhà khoa học quốc tế và các học sinh Việt Nam đoạt giải Olympic toán học và Olympic vật lý năm 2013. Tại buổi gặp gỡ, các giáo sư đoạt giải Nobel sẽ trao cho các em học sinh những phần quà lưu niệm mang giá trị khích lệ tinh thần. GS Trần Thanh Vân cho biết cơ hội được gặp gỡ các nhà bác học chính là một món quà tinh thần động viên các em học sinh tiếp tục phấn đấu hơn nữa, đồng thời cũng là dịp nâng cao hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Việc giới thiệu các học sinh đoạt giải Olympic quốc tế sẽ cho các nhà khoa học quốc tế biết Việt Nam có rất nhiều học sinh giỏi, đạt thành tích cao ở tầm quốc tế. * Gấp rút hoàn tất Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) Để hoàn tất công trình khu nhà hội nghị trong khuôn viên ICISE kịp cho ngày khánh thành, hiện các công nhân đang phải làm ngày làm đêm cho kịp tiến độ. Kỹ sư Trần Văn Vân, Công ty CP xây dựng 47, đơn vị thi công công trình, cho biết hiện có khoảng 300 nhân công đang làm việc trên công trường, trong đó gần 100 công nhân công ty môi trường đô thị và cây xanh đã lát xong 80% diện tích cỏ theo thiết kế. Đến ngày 3-8, phần tầng một, phòng họp, phòng hội nghị 300 chỗ ngồi đã xong công đoạn sơn nước, đóng trần và hệ thống điện, Internet, điều hòa nhiệt độ. Đến ngày 7-8, toàn bộ khu vực tầng một sẽ hoàn tất để chuẩn bị cho ngày khánh thành đón các nhà khoa học đến tham dự hội nghị. * Ngày 4-8, giáo sư Klaus von Klitzing đến Quy Nhơn Theo lịch trình, nhà khoa học đoạt Nobel đầu tiên có mặt tại Quy Nhơn là GS Klaus von Klitzing. Ông đến vào ngày 4-8 để chủ trì hội nghị vật lý nano diễn ra từ ngày 4 đến 10-8. GS Klitzing là nhà vật lý người Đức nổi tiếng về công trình phát hiện hiệu ứng Hall lượng tử. Với công trình này, ông đã đoạt giải Nobel vật lý năm 1985. * Giao lưu tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM GS David J. Gross - thành viên trong nhóm giáo sư đoạt giải Nobel vật lý (hạt Quark Charm) - sẽ có mặt ở TP.HCM vào ngày 8-8, và ông sẽ đến thăm, giao lưu, thuyết trình tại Trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM) vào ngày 10-8. HỒNG NHUNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận