Khi chúng tôi gặp Manus Campbell, ông đang tổ chức buổi nói chuyện với những du khách nước ngoài tham quan phố cổ Hội An. Ông kể chuyện về tội ác của chiến tranh ở Việt Nam và những trẻ em bị nhiễm dioxin đang gánh chịu sự nghiệt ngã của cuộc đời.
Bi kịch quân ngũ
"Tôi đang cố gắng gửi thông điệp về sự khủng khiếp của chiến tranh. Tất cả đều đã trải qua những nỗi đau, bao gồm cả những người dân vô tội sống trong vùng chiến sự. Cả những gia đình của các cựu chiến binh Việt Nam và cựu binh Mỹ cũng phải gánh chịu những nỗi đau" MANUS |
Manus kể năm 1966, cũng như bao thanh niên khác ông bị buộc phải tham gia lực lượng thủy quân lục chiến. Để lý giải cho việc gia nhập quân ngũ và đến tận Việt Nam tham chiến, ông nói: “Tôi không tự mình quyết định được điều đó. Cũng như bao thanh niên khác, sau khi kết thúc trung học, ai cũng bị buộc phải tham gia chiến trường. Chỉ có một số ít người đã bỏ trốn sang Canada và châu Âu. Còn lại hầu hết những người khác thì quá ngây thơ. Họ không hiểu gì về thế giới bên ngoài, rằng chiến tranh là như thế nào”.
“Tôi đến Việt Nam từ tháng 6-1967 đến tháng 7-1968 và phục vụ ở tiểu đoàn 1, binh đoàn thủy quân lục chiến 4 ở ngay chiến trường Đông Hà, Cồn Tiên, Quảng Trị. Những trận chiến ác liệt đã diễn ra. Tôi không thể tưởng tượng được rằng cái chết có thể cận kề như vậy” - ông nhớ lại.
Manus nói rằng ông không thể tự quyết định được việc mình có quyền đi gieo rắc chiến tranh hay không. “Quay lại tuổi 19, các bạn sẽ thấy suy nghĩ của mình lúc ấy là như thế nào. Có nhiều người thậm chí còn chưa bước ra khỏi đất nước. Họ rất ngây thơ về chiến tranh. Tôi lúc đó cũng vậy” - Manus tâm sự.
Chuộc lỗi
Sau chiến tranh, Manus phải đấu tranh tâm lý với những ký ức chiến tranh kinh hoàng. Năm 2007, lần đầu tiên ông quyết định trở lại Việt Nam - mảnh đất ông và đồng đội từng tham chiến và gieo rắc cái chết.
“Tôi đã rất lo lắng. Tôi không biết liệu người ta sẽ đối xử với tôi như thế nào. Nhưng Việt Nam đã dang tay chào đón tôi. Tôi là một người lính Mỹ, vậy mà người Việt Nam không giận dữ hay ghét bỏ tôi”, ông nói.
Cựu binh Mỹ này cho biết lần đầu tiên ông đến thăm một ngôi chùa ở Huế. Nơi đây các sư cô đã lập nên một ngôi trường để nuôi dạy trẻ khuyết tật và mồ côi. “Tôi thấy mình có lỗi và cần phải làm một điều gì đó ngay lập tức. Tôi bắt đầu trợ giúp tài chính cho trường. Mỗi tháng tôi gửi tiền cho trường. Tôi cũng nhận được những tấm hình về công việc chăm sóc, dạy dỗ của sư cô đối với các em”, Manus chia sẻ.
Để thực hiện ước nguyện “sửa lỗi” sau chiến tranh, năm 2009 ông quyết định thành lập tổ chức phi chính phủ HIVOW (Helping Invisible Victims of War) nhằm giúp đỡ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. “Tôi đã ở Huế một tháng để lo giấy tờ. Khi ở đây, tôi đã tham dự một kỳ hành thiền vào cuối tuần. Tôi đã nhận ra rằng tôi đang sống trong quá khứ địa ngục. Tháng 1-2012 tôi chuyển đến Huế và sống ở đó đến tháng 12-2012. Bây giờ tôi lại sống ở Hội An” - ông nói.
Theo Manus, trong suốt thời gian sinh sống ở Huế, hằng ngày ông vẫn đến làm việc ở ngôi trường tình thương dành cho trẻ khuyết tật. Ông cũng đến thăm và hỗ trợ cho trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật ở chùa Đức Sơn. Sau đó, mỗi năm bốn đợt, ông lại mua thực phẩm, áo ấm... mang tặng đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu và Vân Kiều đang sống ở Khe Sanh (Quảng Trị) và A Lưới (Huế).
Được thứ tha
Manus cho biết khi đến Huế, ông đã ở trong một khách sạn. Một người làm ở khách sạn mời ông về thăm nhà. “Đến nhà họ, tôi gặp một người mẹ già khoảng 80 tuổi. Bà ấy và chồng đều đã tham gia trong cuộc chiến tranh. Bà đã nói với những đứa con của bà rằng ông Mỹ này đến đây để giúp đỡ trẻ em khuyết tật. Vì thế bây giờ các con hãy xem ông ta như là người trong gia đình của mình” - ông xúc động nói.
Sau đó, con cái của cụ bà đã xây một ngôi nhà kề bên ngôi nhà bà đang ở và cho Manus thuê. “Bà ấy đã bảo tôi là con trai bà. Khi ấy mẹ tôi ở Mỹ vừa mất được bốn tháng. Tôi không thể kìm nén được cảm xúc lúc đó. Tôi đã muốn bật khóc” - ông nhớ lại.
Một thời gian sau, Manus và bạn của ông đã có dịp ngồi với bốn cựu chiến binh Việt Nam. Họ từng đối đầu trên cùng một chiến trường. “Trong buổi gặp đó, một cựu binh Việt Nam đã nói với chúng tôi rằng: giờ đây chúng ta có thể ngồi cùng nhau sau chiến tranh là do văn hóa của người Việt Nam tình yêu thương luôn vượt lên trên sự hận thù. Tôi nghĩ mình đã được người Việt Nam tha thứ” - ông nói.
Được biết, hiện Manus là một thành viên trong Hiệp hội Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ. Mỗi năm hiệp hội này giúp gây quỹ gỡ bom mìn ở tỉnh Quảng Trị với dự án Làm Mới (Renew) đã triển khai 11 năm nay. Ngoài ra, ông cùng các cựu binh Mỹ hiện đang mua bò để tặng các gia đình ở vùng A Lưới.
Theo Manus, cuộc sống của những cựu chiến binh Mỹ như ông sau khi trở về từ chiến trường là khủng khiếp. Nhiều người không thể sống nổi và họ đã tự sát. Kể từ sau chiến tranh, có rất nhiều trường hợp tự tử. “Nhiều cựu chiến binh đã dùng đến rượu, ma túy vì họ không còn muốn sống và chịu đựng thêm nữa. Họ không muốn kể bất cứ câu chuyện nào về chiến tranh cho bất cứ ai. Họ không muốn nhớ đến cảm giác đau buồn và giận dữ của mình đối với Chính phủ Mỹ, rằng chính phủ đã nói dối họ về cuộc chiến” - Manus cho biết.
Để thoát ra nỗi ám ảnh chiến tranh, Manus chọn cách quay về lại nơi người Mỹ đã gây ra chiến tranh ở Việt Nam để sám hối. Ông cũng trở thành người diễn giả đi kể lại những câu chuyện về nỗi đau chiến tranh. “Như vậy tôi mới có khả năng tự chữa lành vết thương trong lòng mình” - ông chia sẻ.
Manus cho biết bây giờ ông đã chọn Việt Nam là nhà của mình. Cứ mỗi lần đáp xuống sân bay trên lãnh thổ Việt Nam ông đều có cảm giác mình đang đi về nhà. “Việt Nam là nhà của tôi. Tôi chỉ đi Mỹ khi cần thăm viếng họ hàng” - ông tâm sự.
Phóng to |
Ông Manus Campbell (bìa phải) nói chuyện về tội ác của chiến tranh đã gây ra tại Việt Nam với du khách nước ngoài ở Hội An - Ảnh: L.B.Hoàng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận