Trong đời sống người Việt xưa kia, chiếc quạt cầm tay là một vật dụng tiện lợi, hữu ích dùng để quạt mát, che nắng… Đôi khi, với các bà các chị, chiếc quạt còn là vật làm duyên không thể thiếu, chính vì vậy mà quạt Vác rất được ưa dùng và bày bán ở nhiều nơi như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm - Đức Phiên. Những năm đầu thế kỷ 20, nghề làm quạt Vác phát triển mạnh, quạt Vác còn đến với người tiêu dùng ở Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông…
Ca dao xưa có câu: “Hỡi cô thắt giải bao xanh/Có về Canh Hoạch với anh thì về/Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề/Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya”. Quạt Vác làng Canh Hoạch vốn nổi tiếng bền, đẹp, khi quạt có nhiều gió, nan cứng, không mọt, được phất bằng nước cậy tốt, giấy dó thủ công mịn và dai.
Ngày nay, để tìm được một chiếc quạt Vác quả là hiếm hoi. Đâu đâu cũng thấy những chiếc quạt nhựa, quạt vải làm theo công nghệ đại trà. Muốn tìm, phải về tận làng Vác, nhưng nơi đây cũng chỉ còn duy nhất một cặp vợ chồng già giữ được nghề.
Để làm được một chiếc quạt đẹp, bền, có hồn, đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn, yếu tố, trong đó, yếu tố đầu tiên chính là chọn nguyên liệu. Việc chọn nguyên liệu khá kỳ công, kỹ lưỡng bởi đặc trưng cần và đủ cho một chiếc quạt Vác phải có: tre - nguyên liệu tạo dáng cho chiếc quạt, tre được lấy ở nhiều nơi nhưng tốt nhất vẫn là tre được trồng ở Lương Sơn - Hòa Bình vì tre ở đây già, giảo, dễ uốn và ít bị mối mọt; giấy dó phải là giấy dó Bắc Ninh vì nó có độ bền cao và dai, tạo cảm hứng cho các nghệ nhân khi sáng tác các tác phẩm mang đậm “màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”; sừng trâu phải được lấy từ làng Thụy Ứng (Thường Tín), thường thì chúng không thẳng, trước khi làm quạt phải hơ lửa cho thẳng sau đó chạm trổ hình theo khách hàng mong muốn…
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu, người thợ sẽ bắt tay vào hoàn chỉnh chiếc quạt. Mất khoảng 16 công đoạn mới tạo nên một chiếc quạt sừng hoàn chỉnh. Quạt thường có 17 nan, tre làm nan quạt đã được ngâm chừng một tháng để chống mối mọt. Người thợ khéo tay sẽ vót nan, ghép quạt. Sau đó đến công đoạn đóng nhài - những miếng thép mỏng có hình hoa để giữ cho nan quạt được chắc chắn.
Sở dĩ gọi là quạt sừng bởi ngoài số nan tre, còn lại được làm bằng sừng trâu. Hai loại nan này được gắn với nhau. Kế đến, nan quạt được dàn để tạo khoảng cách bằng nhau. Có thể nói, làm quạt sừng cần nhất là sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Công đoạn thú vị nhất là công đoạn dán giấy quạt. Người ta nghĩ rằng dán quạt sẽ phải dùng keo (keo công nghiệp) nhưng quạt Vác dùng một loại keo “đặc biệt” - đó là nhựa của quả cậy. Quả cậy là một nguyên liệu quan trọng góp phần tạo nên danh tiếng của quạt sừng. Loại quả này phải được mua ở các vùng ven biển Ninh Bình, Nam Định, Hải Phòng…Tháng bảy, tháng tám là mùa cậy, phải mua quả cậy đem về giã nát, vắt, gạn như giã cua đồng, sau đó lọc rồi cho vào chum ngâm để dùng dần cả năm. Nước cậy rất mịn và có độ kết dính cao, đặc biệt khi kết hợp với phẩm màu sẽ cho ra màu quạt theo ý muốn như màu tím đen, nâu đậm hoặc tím tươi… Khi làm quạt, châm kim thì phất cậy, phơi khô rồi mới dùng phẩm lên màu cho quạt, lại phải thêm một lớp nước cậy nữa để giữ màu. Bởi vậy, dù quạt có rơi xuống nước cũng không sợ bị rách, mục hay phai màu.
Trên quạt, người nghệ nhân còn dùng những chiếc kim khâu được tết lại với nhau để tạo hình hoa văn, khi giơ lên trước ánh nắng rất đẹp. Quạt châm kim là một sáng tạo riêng của người làng Vác đóng góp cho nghề làm quạt cổ truyền Việt Nam. Điều đặc biệt là người thợ không cần vẽ sẵn mẫu lên quạt, mà hình ảnh được hiện ra từ óc sáng tạo, tưởng tượng theo bàn tay cầm kim rê đi thoăn thoắt trên nền tím thẫm của quạt rất tinh vi. Tác giả Phong Châu miêu tả về nghệ thuật quạt châm kim do bàn tay tài hoa của thợ quạt Vác như sau: "... Nghệ thuật châm kim độc đáo này ít nơi sánh kịp. Hoa văn châm kim đối xứng đều đặn... Đề tài châm kim khá phong phú. Bạn muốn tặng ai, nhân dịp gì xin cứ yêu cầu, người làm quạt sẽ châm kim thích hợp. Bạn trẻ thường thích đề tài "cành hồng con bướm", "cành nho, con sóc"…
Cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, con người cũng dần tiếp cận với những đồ dùng hiện đại mà vô tình quên mất một phần giá trị quá khứ còn tồn tại đến ngày nay. Giờ đây, có lẽ sẽ rất hiếm khi nhìn thấy người ta sử dụng quạt tay, thay vào đó là quạt điện, điều hòa… Những người làm quạt truyền thống của ngôi làng nổi tiếng ấy mái tóc đã nhuốm màu thời gian, và mỗi một chiếc quạt được làm ra đều gửi gắm trong đó những niềm vui, nỗi buồn cuộc sống. Chiếc quạt Vác được ví như “linh hồn” của làng Canh Hoạch, không chỉ để làm mát mà còn là nhân chứng chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử…
Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận