15/11/2014 09:19 GMT+7

​Quảng Trị: sạt lở nặng do sông cạn nước

QUỐC NAM - NGUYÊN LINH
QUỐC NAM - NGUYÊN LINH

TT - Mực nước sông rất cạn nhưng bờ sông lại bỗng nhiên sạt xuống liên tục. Đoạn bị sạt dài hơn 50m, nơi sạt lở sâu nhất khoảng 7-8m.

Bờ sông Nhùng đoạn qua thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) sạt lở, kéo theo một đoạn đường làng rơi xuống sông - Ảnh: Q.Nam

Ngày 13-11, ông Lê Đa Sơn, chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, cho biết đơn vị này đã kiểm tra tình hình sạt lở tại vùng ven bờ sông Nhùng, thuộc thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).

Theo người dân ở thôn Xuân Lâm, trước đó khoảng một tuần khu vực bờ sông này đã xảy ra một vụ sạt lở bất thường.

Tuy mực nước sông cạn nhưng bờ sông vẫn sạt xuống liên tục. Đoạn bị sạt dài hơn 50m, nơi sạt lở sâu nhất khoảng 7-8m. Trong đó, có một đoạn sạt lở đã phá hỏng một đoạn đường giao thông nông thôn và ăn vào sát mép sân nhà dân.

Ông Sơn cho biết sau khi kiểm tra, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã quyết định di dời khẩn cấp một hộ dân ở sát bờ sông, nhiều hộ dân khác gần đó cũng được cảnh báo nguy hiểm bởi dự báo bờ sông này sẽ còn tiếp tục sạt lở.

Về yếu tố bất thường trong vụ sạt lở này, ông Sơn nói do năm nay ít mưa, nước sông Nhùng cạn hơn mọi năm trong khi vùng đất này là đất cát pha, độ kết dính khá thấp.

“Trước đó mấy ngày trời có mưa, nước sông có dâng lên một chút rồi xuống trở lại. Việc này làm nước ngầm rút nhanh kéo theo đất bờ sông bị sạt lở” - ông Sơn giải thích.

* Cùng ngày, ông Trần Quang Phước, trưởng phòng trồng trọt - chăn nuôi Sở NN - PTNT Thừa Thiên - Huế, cho biết nguy cơ thiếu nước trong vụ đông xuân sẽ rất cao.

Theo ông Phước, sở đã yêu cầu các địa phương tu sửa bờ ao, đập dâng để giữ nước, đồng thời tu sửa và đầu tư mới các trạm bơm nội đồng để chủ động chống khô hạn, miễn thủy lợi phí cho người dân trong năm 2015.

Ông Nguyễn Văn Hùng, giám đốc Đài khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế, cho biết thời tiết năm nay ở Huế quá bất thường, nắng nóng kéo dài trên diện rộng, lượng mưa trong năm thấp nhất từ 38 năm trở lại đây (từ năm 1976).

Cụ thể, từ đầu năm đến cuối tháng 10 lượng mưa chỉ đạt 1.460 mm, trung bình mọi năm là 3.200 mm.

Theo ông Hùng, năm nay mọi quy luật thời tiết thông thường đều bị phá vỡ. Hiện nay đã đến nửa đầu tháng 11, tại Thừa Thiên - Huế vẫn chưa có cơn lũ nào, mưa chủ yếu ở đồng bằng, vùng núi khô hanh, dòng chảy các sông rất thấp.

Dự báo ở Huế, từ nay đến Tết Nguyên đán khả năng xảy ra lũ lớn hay mưa nhiều trên diện rộng rất thấp, thậm chí không có.

Mực nước các hồ chứa ở Thừa Thiên - Huế hiện rất thấp, lượng nước chỉ đạt khoảng 40% dung tích hồ.

Hồ thủy điện Hương Điền mới tích được 49,9m (mực nước dâng bình thường là 58m), còn hồ thủy điện Bình Điền cũng chỉ tích được 65m (mực nước dâng bình thường là 85m), hồ Tả Trạch tích được 22m (mực nước dâng bình thường 45m).

Ông Nguyễn Quang Hải - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Bình Điền - cho biết nhà máy chỉ hoạt động 60% công suất, đang phải chạy cầm chừng để bảo đảm an toàn năng lượng trong mùa khô năm sau, sản lượng điện chỉ đạt 48% kế hoạch năm.

Nhà máy thủy điện Hương Điền cũng đang rơi vào tình trạng tương tự.

QUỐC NAM - NGUYÊN LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên