Khung ghi niên đại trên Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du với lỗi morasse “Hội Quảng Trị - Huế” thay vì viết đúng phải là Hội Quảng Tri (không có dấu nặng) - Ảnh: L.Điền |
Cái sai này bắt nguồn từ một ý định tốt đẹp, đó là quảng bá quyển sách Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (sau đây gọi tắt là Tập văn họa), do Hội Quảng Tri thực hiện vào năm 1942.
1. Tập văn họa này là một ấn phẩm quan trọng đối với giới nghiên cứu và nhất là những nhà sưu tập Kiều. Trước hết là ở xuất xứ của nó, tập sách này được Hội Quảng Tri thực hiện, và tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du trong hai đêm 19 và 20 tháng Chín năm 1942 tại Huế, Hội Quảng Tri đã giới thiệu ấn phẩm này và bày bán với mục đích lấy tiền để sửa lại ngôi mộ Nguyễn Du tại quê nhà Tiên Điền, Hà Tĩnh.
Cách đây ít lâu, trên mạng eBay có một phiên đấu giá quyển Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du, và người mua được (đấu thắng) với giá 2750 EUR. Cái tin này gây chấn động giới chơi sách trong nước và khiến cho một vài nhà sưu tập đang sở hữu Tập văn họa này bỗng trở nên nâng niu hơn mỗi khi động đến quyển sách mà trước đó còn chưa ai đo đếm được một mức giá cụ thể. |
Thứ hai là nội dung của Tập văn họa này, trong đó ngoài ảnh chụp tấm Bia kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Khai trí tiến đức (Hà Nội) lập, các bài bình Kiều, đáng chú ý có 11 bức tranh của các họa sĩ Việt Nam xếp hạng đầu của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lúc bấy giờ vẽ, như: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tôn Thất Đào, Phạm Hầu.
Mỗi họa sĩ chỉ chọn một chi tiết trong Truyện Kiều để vẽ. Tranh đẹp, ấn tượng. Có lẽ từ khi ấn hành vào năm 1942 đến giờ, Tập văn họa này là mục tiêu sưu tập của giới sưu tập Kiều trải qua nhiều thế hệ. Đến nay, quyển này còn lại ở Việt Nam có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, và giá trao đổi của giới chơi sách thì “đắt như đồ cổ”.
Một quyển sách như thế, xuất hiện tại Tuần lễ triển lãm về Nguyễn Du gây chú ý và được giới truyền thông nhắc đến là đương nhiên.
2. Điều ít ai ngờ tới là một quyển sách “hoành tráng về nhiều mặt” như thế, mà lại mắc lỗi morasse khi in ấn.
Quái lạ hơn, cùng một lỗi bị mắc ở hai chỗ: đầu sách trong mục giới thiệu đơn vị xuất bản ghi rõ ràng “Hội Quảng Trị”, nơi cuối sách trong khung ghi chú niên đại cũng ghi rõ “Sách Nguyễn Du Văn họa tập do Hội Quảng-Trị Huế xuất bản, do nhà in Ngày Nay, 80 đường Quan Thánh, Hà Nội, in xong ngày 10 Septembre 1942”. Đây chính là chỗ mà các báo vừa rồi khi đưa tin dã chép lại đúng “nguyên văn” từ tập sách.
Có lẽ, ban tổ chức hoặc người cung cấp thông tin đã không lưu ý đến cái dấu nặng nhỏ nhoi ấy để cải chính chỗ sai này, nên các báo cứ thế chép theo bản chụp trang sách, và… sai theo.
Nhưng người đã biết thì khó chịu. Có anh bạn đọc tin thấy ghi “Hội Quảng Trị - Huế” bực quá thốt lên: Hội văn hóa của người ta chứ có phải cái bến xe đò đâu mà Huế - Quảng Trị.
Lại có nhà nghiên cứu viết hẳn cái status thế này: “Nguy nhỉ? Người làm báo thời nay không còn ai biết là trên đất này từng có cái hội mang tên HỘI QUẢNG TRI cho nên cứ mạnh bút thêm một dấu nặng, thành hội Quảng Trị !!??
Chết thật! Có tỉnh Quảng Trị , chữ Hán viết là 廣 治
Nhưng tên hội thì chỉ có tên hội Quảng Tri, chữ Hán viết có lẽ là 廣 知, nghĩa là mở mang sự hiểu biết. Đọc báo cũ sẽ thấy tên hội này xuất hiện hồi những năm 1930-45. Khi dó ngoài Bắc có hội Trí Tri….”.
Một vài người trong giới sưu tập có sở hữu quyển này cũng biết đấy là lỗi morasse của các cụ hồi xưa khi thực hiện, và cũng biết tên đơn vị thực hiện Tập Văn họa này là Hội Quảng Tri, nhưng lai lịch cụ thể cái hội này thế nào, quả là ít người biết đến. Điều này cộng với cái lỗi morasse vô tiền khoáng hậu kia khiến cho cái dấu nặng kia không còn ai nhớ đến nữa.
3. Lục tìm dấu tích cái hội Quảng Tri này, mới thấy mấy dòng status của nhà nghiên cứu kia cũng “nói chưa tới”. Ấy là không phải “tên hội này xuất hiện hồi những năm 1930-45”, mà Hội Quảng Tri chính thức thành lập từ năm 1905 tại Huế. Và mặc dù chưa rõ tôn chỉ mục đích của Hội, nhưng tên hội có ghi rõ bằng chữ Pháp là “Société d’ Enseignement mutuel”, các hoạt động của hội liên quan đến nội dung cổ vũ phát triển văn hóa Việt Nam, vinh danh các danh nhân, thực hiện các công việc bồi đắp xây dựng văn hiến nước nhà… mà sự kiện in sách, diễn thuyết để lấy tiền xây sửa mộ Nguyễn Du là một minh chứng.
Năm 1935, Hội Quảng Tri dưới quyền ông hội trưởng mới là Nguyễn Học Sỹ có tổ chức “Lễ kỷ niệm tam thập chu niên” (30 năm thành lập) vào ngày 12 tháng mười - được biết là “ngày sinh nhật của Hội”.
Một hội bề thế như vậy, đảm đương việc xuất bản một quyển sách quan trọng như vậy, với ban biên tập gồm các tên tuổi như Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt, Phan Văn Dật… mà lại để xảy ra cái lỗi morasse bé cỏn con khiến cho đời sau chép sai loạn cả lên, quả là cái dấu nặng ấy không hề nhẹ vậy.
>> Xem bài
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận