Đến nay, 6 dự án điện gió ở huyện vùng biên Hướng Hóa (Quảng Trị) xin bán cổ phần 50 - 100% cho đối tác nước ngoài. Trong đó, dự án Amaccao Quảng Trị 1 xin bán 50% cổ phần cho công ty Trung Quốc, 5 dự án gồm Gelex 1, 2, 3 và Hướng Phùng 2, 3 được một công ty Singapore đề nghị mua 100% cổ phần.
Yêu cầu thực hiện đúng pháp luật về đất đai
Huyện Hướng Hóa là nơi 6 dự án này đứng chân. Các dự án đã thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ kinh phí, giải phóng mặt bằng. Do đó, huyện Hướng Hóa đề nghị nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai, điều kiện tiếp tục sử dụng đất bằng hình thức thuê đất tại khu vực biên giới.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng lưu ý các vấn đề về đất đai. Cụ thể, dự án Hướng Phùng 2, 3 được tỉnh Quảng Trị cho thuê gần 30ha đất. Đến tháng 7-2023, Quảng Trị thu hồi hơn 16ha đất cho thuê ngắn hạn để phục vụ xây dựng công trình.
Như vậy, 2 dự án này còn quản lý, sử dụng 14ha đất, thời hạn thuê đến 2066 - 2069 theo hình thức nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.
Tương tự, dự án Gelex 1, 2, 3 được thuê 48,5ha đất. Tháng 7-2023, tỉnh Quảng Trị thu hồi 25,6ha, còn lại 22,9ha đất do công ty này quản lý, sử dụng đến 2069. Các dự án đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo nghị định 43/2014/NĐ-CP, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị lấy ý kiến các bộ Quốc phòng, Công an, Ngoại giao nếu dự án thực hiện ở xã biên giới.
Hiện nay, các dự án trên do doanh nghiệp trong nước là chủ đầu tư nên có quyền và nghĩa vụ của tổ chức được quy định tại điều 174 của Luật Đất đai năm 2013. Sau khi bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, các dự án trên phải thay đổi điều luật điều chỉnh sang doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo điều 183 của Luật Đất đai năm 2013.
Nếu việc góp vốn không thay đổi pháp nhân thì chủ đầu tư không phải thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Điện gió chưa ảnh hưởng đến quản lý biên giới
Trong 5 dự án trên, chỉ có 2 dự án Hướng Phùng 2, 3 là ở xã biên giới. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, hoạt động của 2 dự án Hướng Phùng 2, 3 chưa ảnh hưởng đến hoạt động quản lý bảo vệ biên giới.
Đơn vị này cho hay nhân viên dự án chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nhân dân ủng hộ và đánh giá cao; chưa phát hiện vụ việc gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; công ty làm tốt công tác tuyển dụng, sử dụng lao động là con em địa phương.
Tuy nhiên do khu vực dự án nằm trong xã biên giới, huyện biên giới nên biên phòng Quảng Trị đề nghị lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng trước khi triển khai các bước tiếp theo. Ngoài ra, người nước ngoài liên quan dự án khi vào khu vực biên giới phải có giấy phép của công an và chấp hành sự kiểm tra của biên phòng.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị xin ý kiến Bộ Quốc phòng về việc xem xét góp vốn vào các dự án trên.
Theo Sở Công Thương Quảng Trị, đến nay tỉnh có 19 dự án điện gió đi vào hoạt động với tổng công suất 671MW.
Trong đó, dự án Hướng Phùng 2 công suất 20MW, tổng vốn đầu tư 1.125 tỉ đồng; Hướng Phùng 3 công suất 29,4MW, tổng vốn 1.581 tỉ đồng, cùng do Công ty TNHH điện gió Hướng Phùng là chủ đầu tư; dự án Gelex 1, 2, 3 công suất mỗi dự án là 29,4MW, tổng vốn mỗi nhà máy hơn 1.300 tỉ đồng, do Công ty cổ phần năng lượng Gelex Quảng Trị là chủ đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận