Ngày 30-5, UBND tỉnh Quảng Trị cho hay vừa phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và khả năng lưu trữ carbon của các thảm cỏ biển, đề xuất các giải pháp quản lý, phục hồi, mở rộng quy mô và khai thác hiệu quả, bền vững các thảm cỏ biển ở Quảng Trị.
Trong đó, mục tiêu cụ thể là xác định trữ lượng carbon của thảm cỏ biển, lượng giá trị của chúng. Khu vực nghiên cứu là Cửa Tùng, Cửa Việt và đảo Cồn Cỏ. Nhiệm vụ do Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ đầu tư.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, cỏ biển có vai trò rất quan trọng, tham gia vào chu trình dinh dưỡng ở biển và đại dương, giá trị thảm cỏ biển trên toàn cầu ước tính khoảng 3,8 nghìn tỉ USD và trung bình đạt 212.000 USD/ha cỏ biển/năm.
Cỏ biển có khả năng lưu trữ khoảng 19,9 tỉ tấn carbon hữu cơ, cao hơn 2 - 3 lần so với khả năng lưu trữ của rừng thường xanh tính trên cùng đơn vị diện tích. Việc bảo tồn và phát triển cỏ biển có thể tạo ra tín chỉ carbon có giá trị trên thị trường.
Giá tín chỉ carbon năm 2022 dao động trung bình từ 11 - 35 USD, cao hơn đáng kể so với giá tín chỉ thông thường, từ 8 - 10 USD.
Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng phát triển cỏ biển sẽ tạo ra nguồn thu nhập từ việc tham gia các chương trình, dự án trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon trên thị trường quốc tế, giúp tỉnh Quảng Trị đáp ứng các cam kết về giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy tại khu vực Cửa Tùng và Cửa Việt có 2 loài cỏ biển phân bố, gồm cỏ lươn Nhật Zostera japonica và cỏ kim biển Ruppia maritima phát triển thành bãi rộng khoảng 400ha.
Tuy nhiên, sau sự cố môi trường biển Formosa, cỏ biển trong vùng ven biển Quảng Trị nói riêng, khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng.
Tại khu vực đảo Cồn Cỏ ghi nhận duy nhất loài cỏ xoan Halophila ovalis, phân bố không tập trung mà rải rác tại một số kiểu nền cát bùn quanh đảo với độ phủ, mật độ rất thấp và chưa có số liệu về diện tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận