Dường như những khắc nghiệt của thiên nhiên càng trui rèn thêm quyết tâm và bản lĩnh của con người ở vùng đất này. Để mỗi ngày trôi qua, người ta lại thấy những làng quê thêm khởi sắc.
Nông thông mới thay đổi bộ mặt thôn quê
Cam Lộ hiện là huyện có tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cao nhất tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là địa phương mà phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa khắp từng đường làng, ngõ xóm.
Ông Trần Hoài Linh, phó chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, cho biết trong 7 xã của huyện thì đã có 6 xã (Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu, Cam Thủy, Thanh An) đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chỉ còn xã Cam Tuyền đang ở mức xã nông thôn mới.
Về các xã của huyện Cam Lộ, đi sâu vào các con ngõ, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước những con đường được phủ nhựa và bê tông rộng rãi, sạch sẽ nơi đây.
Hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Cuộc sống người dân thực sự đang "thay da, đổi thịt". Để có được những thành quả này, chính quyền và nhân dân huyện Cam Lộ đã trải qua nhiều năm nỗ lực không ngừng.
Ông Trần Hoài Linh nói huyện đã huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới trong những năm qua. Tinh thần "Nhà nước và nhân dân cùng làm" được phát huy tối đa. Nhiều người dân đã sẵn sàng hiến đất, tài sản và đóng góp tiền của, ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Người dân các xã trong huyện cũng đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học. kỹ thuật, công nghệ và tham gia chuỗi liên kết sản xuất.
Không chỉ trong sản xuất lúa, đối với những cây hoa màu, người dân đã bắt đầu quan tâm và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học, qua đó giảm thiểu tác động với môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Ngoài ra, người dân cũng đã ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương.
Theo Văn phòng Điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Quảng Trị, các đơn vị cấp xã khác cũng đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
"Ngoài 3 huyện đạt chuẩn, hiện toàn tỉnh có 75 trong tổng số 101 xã phường thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới, 16 đơn vị cấp xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 98 thôn kiểu mẫu.
Đây là động lực cổ vũ các xã còn lại phấn đấu"- ông Hồ Xuân Hòe, chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Quảng Trị, nói.
Hành trình không có điểm dừng
Một trong những điểm khó của Quảng Trị trong hành trình xây dựng nông thôn mới là các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Điều kiện tự nhiên, chất lượng con người hạn chế khiến những xã này khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng.
Tuy nhiên, bằng những cách làm thực tế và hiệu quả của chính quyền và người dân, trong thời gian qua, 3 xã vùng núi của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và Vĩnh Khê đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Giữa tháng 8 vừa qua, một tin vui đến với Quảng Trị khi Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký các quyết định công nhận huyện Vĩnh Linh, huyện Triệu Phong đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Như vậy, trong tất cả 9 huyện thị thị thì đã có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là một "quả ngọt" mà chính quyền và người dân tỉnh này đã dày công vun trồng nhiều năm qua.
Trong đó, huyện Vĩnh Linh có 15/15 xã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 3/15 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 3 thị trấn Hồ Xá, Bến Quan, Cửa Tùng đạt chuẩn đô thị văn minh.
Huyện Triệu Phong có 17/17 xã được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 2/17 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thị trấn Ái Tử đạt chuẩn đô thị văn minh.
Một thông tin khác cũng đáng vui khi Văn phòng Nông thôn mới Quảng Trị cho biết tỉnh này cũng đang hoàn thiện hồ sơ để tháng 9 này trình lên chính phủ đề nghị công nhận thêm huyện Hải Lăng cũng đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Hà Sĩ Đồng, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng những thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương bắt nguồn từ sự đoàn kết, quyết tâm của chính quyền và người dân. Trong đó, người dân đóng vai trò nòng cốt.
Người dân thay đổi tư duy, thay đổi ý thức chính là cốt lõi để thay đổi đời sống, cũng chính là thay đổi bộ mặt nông thôn.
"Việc xây dựng và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới không phải dừng lại ở vạch đích, mà là "bàn đạp" để địa phương tiếp tục xây dựng nông thôn mới ở mức cao hơn, hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh... Vì vậy, hành trình này sẽ không có điểm dừng", ông Đồng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận