Ông Phạm Đức Luận, cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết thông tin trên tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 7-9 khi trả lời báo chí về thiệt hại do cơn bão số 3.
Cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ
Theo ông Luận, do cơn bão số 3 vẫn đang quần thảo các tỉnh phía Bắc nên cơ quan chức năng chưa thể thống kê được thiệt hại đầy đủ. Ghi nhận sơ bộ đến thời điểm hiện tại, có một người tại Hải Dương bị thiệt mạng do cây đổ khi đang lưu thông trên đường.
Tại Quảng Ninh, 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu. Hơn 100 cây xanh bị gãy đổ tại Quảng Ninh và Hải Phòng.
"Hiện nay chưa thể thống kê được, vì ở Quảng Ninh hiện tại không ai ra đường. Trao đổi qua điện thoại, hiện nay ở Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng mai mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này", ông Luận nói.
Thông tin về đường đi của cơn bão, ông Luận cho biết lúc 13h ngày 7-9, vị trí tâm bão trên vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.
Về lượng mưa, từ 7h-13h đã có mưa lớn như: Cô Tô (Quảng Ninh) 127mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 123mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198mm, Tiền Hải (Thái Bình) 208mm.
Dự báo chiều và đêm 7-9, bão số 3 sẽ di chuyển vào đất liền. Đến 1h ngày 8-9, bão đạt cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ.
"Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo.
Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão", ông Luận cho biết.
Từ chiều đến 20h người dân thủ đô không nên ra đường
Thông tin tại buổi họp báo, ông Luận cho biết các địa phương đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 51.000 tàu và 220.000 người vào nơi tránh trú an toàn. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển.
Các địa phương cũng thực hiện bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thủy lợi đã sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra để bảo vệ sản xuất lúa và hoa màu.
"Hiện tại toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Hồng lúa đang trổ đồng. Nếu như để ngập úng lâu, cây bị bão đổ vào sẽ gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp với hơn 500.000 ha lúa", ông Luận lo lắng.
Theo ông Luận, sáng mai bão di chuyển, đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội tiếp tục bị mưa lớn ảnh hưởng.
"Chúng tôi lưu ý người dân không nên ra đường khi bão đổ bộ, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Người dân thủ đô từ nay đến 20h tối không nên ra đường", ông Luận lưu ý.
"Với cấp bão này thì vùng ảnh hưởng rất lớn, tâm bão ở Quảng Ninh nhưng gió bão ở Hà Nội có thể cảm nhận được rất mạnh", ông Luận phân tích.
Chính quyền các địa phương cũng phải kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ. Đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè.
"Các địa phương sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó với sự cố mất an toàn hồ đập đối với các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn, hoàn lưu sau bão mưa đến 300mm, có nơi mưa đến 450mm.
Với điều kiện các hồ phía Bắc đầy nước nên nếu mưa phải tăng cường công tác trực, ứng trực kịp thời để đảm bảo an toàn hồ đập", ông Luận nhấn mạnh.
Đối với miền núi phía Bắc, các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận