Tận dụng từng khoảng thời gian “an toàn” để phục hồi hoạt động du lịch, 2 năm qua tỉnh Quảng Ninh đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong việc thích ứng với tình hình dịch bệnh nhằm giảm bớt những thiệt hại cho ngành du lịch.

Với quyết tâm giữ vững vùng xanh an toàn kết hợp phủ vắc xin toàn tỉnh, ngành du lịch Quảng Ninh đã và đang xây dựng các phương án, chương trình kích cầu để có thể đạt được mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch, tổng thu đạt khoảng 4.000 - 4.500 tỉ đồng trong quý IV-2021.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 1.

Nói về những thiệt hại mà dịch bệnh COVID-19 gây ra đối với ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Thế Huệ - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh - cho biết gần 2 năm qua, 100% doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải dừng hoạt động.

Cộng dồn từ năm 2020 đến tháng 9-2021, các doanh nghiệp chỉ kinh doanh cầm chừng được 4 tháng, thời gian còn lại phải dừng hoạt động. Đặc biệt, 2 chi hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng là chi hội tàu du lịch và chi hội khách sạn.

Trước khi dịch xuất hiện, ngành du lịch Quảng Ninh có khoảng 63.000 lao động nhưng đến nay số lao động có việc làm thường xuyên trong hoạt động du lịch chỉ còn hơn 3.000 người.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 2.

“Những thiệt hại là quá lớn, khó đong đếm hết nhưng không phải vì như vậy mà chúng tôi chùn bước. Trong suốt thời gian dài vừa qua, chúng tôi luôn nhìn về phía trước để đồng hành cùng tỉnh và sẵn sàng mở cửa trở lại mỗi khi có điều kiện” - ông Huệ chia sẻ.

Quảng Ninh được xác định là một trong những địa phương đi đầu về kiểm soát dịch bệnh cũng như phủ vắc xin cho người dân, đây là điều kiện tiên quyết để ngành du lịch của tỉnh tái khôi phục một cách mạnh mẽ, có kiểm soát.

Ông Phạm Ngọc Thủy - giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh - nhấn mạnh tỉnh xác định khi khôi phục hoạt động du lịch phải đảm bảo yếu an toàn và đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn cụ thể (gồm 24 tiêu chí bắt buộc, 11 tiêu chí khuyến khích thực hiện) để các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 3.

Riêng những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách, có thể tạo điều kiện cho ngành và các doanh nghiệp phục hồi hoạt động là đơn vị đều tham mưu, đề xuất.

“Mới đây, tôi đã ký tiếp tờ trình UBND tỉnh để đề xuất tiếp tục miễn phí vé tham quan vịnh Hạ Long, Yên Tử... trong năm 2022. Đối với chính sách liên quan đến sân bay Vân Đồn, chúng tôi cũng đã làm tờ trình miễn phí xe buýt chất lượng cao đưa đón đến hết năm 2024” - ông Thủy cho hay.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 4.

Khi chưa có dịch bệnh, một năm Quảng Ninh thu phí tại các khu vực trọng điểm về du lịch khoảng 1.300 tỉ đồng nhưng trước khó khăn, tỉnh đã chủ động miễn toàn bộ các phí tham quan. Tính ra với hoạt động du lịch bình thường, tỉnh đã phải san sẻ gần 1.000 tỉ đồng.

Trên cơ sở cân nhắc thận trọng cơ hội và thách thức khi mở cửa du lịch, từ ngày 21-9, tỉnh Quảng Ninh cũng đã khôi phục hoạt động du lịch nội tỉnh theo lộ trình từng bước chắc chắn, đảm bảo môi trường du lịch an toàn theo 3 tiêu chí: du khách an toàn, hành trình an toàn và điểm đến an toàn.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 5.
Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 6.

Chủ động khắc phục những tác động nặng nề của dịch, phần lớn doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh hiện nay đều tính toán hướng tiếp cận, khai thác nguồn khách nội dồi dào từ các đơn vị ngành than, khu công nghiệp, tập đoàn kinh tế, cơ sở giáo dục tại chính địa bàn tỉnh.

Những chuyến tàu đưa khách nội tỉnh khám phá miền di sản sau nhiều tháng nằm bờ, khai thác lợi thế du lịch biển cùng với nâng cao chất lượng các dịch vụ, nhiều sản phẩm trải nghiệm được đưa vào hoạt động như tham quan vịnh trong ngày trên du thuyền 5 sao, trải nghiệm một ngày làm ngư dân tại làng chài Vung Viêng, khám phá nuôi trồng ngọc trai trên vịnh... nhằm tận dụng chính sách kích cầu miễn 100% vé tham quan, lưu trú của tỉnh.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 7.

Chia sẻ cảm nhận khi lần đầu tiên trải nghiệm dịch vụ du thuyền 5 sao trên vịnh Hạ Long, chị Nguyễn Thị Huệ (35 tuổi, trú TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết ấn tượng chính là sự khác biệt, mới mẻ và an toàn khiến cả gia đình đều cảm thấy rất hài lòng.

Từ khi khôi phục hoạt động du lịch ngày 21-9 đến nay, du lịch Quảng Ninh đón nhận những tín hiệu tích cực khi lượng du khách nội tỉnh tăng khả quan, đặc biệt trong các dịp cuối tuần. Tại các khu nghỉ dưỡng dần nhộn nhịp trở lại sau thời gian dài vắng bóng du khách vì dịch bệnh.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 8.

Thực tế cho thấy, ngay khi được phép mở cửa đón khách trở lại, nhiều đơn vị du lịch tại Quảng Ninh cũng nhanh chóng đón bắt cơ hội phục hồi, chuyển trạng thái thích ứng an toàn, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương án kiểm soát phòng dịch cho du khách trong trạng thái bình thường mới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - giám đốc Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu - cho biết đến nay toàn bộ cán bộ, công nhân viên làm việc tại cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu cũng như các cơ quan chức năng tại cảng như Cảng vụ đường thủy nội địa, Ban quản lý vịnh Hạ Long... đều đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, đơn vị vẫn thường xuyên test COVID-19 sàng lọc cho các cán bộ, công nhân viên để chủ động tầm soát dịch bệnh và phối hợp với các đơn vị chức năng để khi khách đi qua cảng sẽ có một quy trình khép kín, an toàn nhất.

Trong quý IV-2021, Quảng Ninh phấn đấu đón 2 triệu lượt khách trong và ngoài tỉnh để đảm bảo cho sự thành công của cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong việc triển khai kế hoạch phục hồi du lịch.

Lấy yếu tố an toàn và kiểm soát hiệu quả rủi ro dịch bệnh, lĩnh vực du lịch phục hồi sẽ đóng góp tích cực, giữ vừng đà tăng trưởng ở mức hai con số, tiếp tục thực hiện thành công “mục tiêu kép” trong năm 2021.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 9.
Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 10.

Nói về tính mùa vụ trong hoạt động du lịch, bà Vũ Thanh Thủy - phó tổng giám đốc khối Sun Hospitality Group (thuộc Sun Group) - cho rằng đây từng là thách thức rất lớn đối với du lịch Việt Nam khi thường đưa ra câu chuyện mùa cao điểm và thấp điểm.

“Mỗi mùa lại có nét đẹp riêng để chúng ta tạo ra những trải nghiệm riêng biệt. Quảng Ninh là vùng đất có lợi thế rất lớn để phát triển đa dạng các loại hình du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách suốt bốn mùa” - bà Thủy đánh giá.

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 11.

Theo bà Thủy, các sản phẩm mà Sun Group xây dựng tại Quảng Ninh không chỉ mang đến trải nghiệm đa dạng, trọn gói mà còn mang đến yếu tố “không nghỉ” cho điểm đến, như trải nghiệm kép (vui chơi công viên nước vào mùa hè, công viên chủ đề vào mùa đông tại Sun World Halong Complex); trải nghiệm ẩm thực, du lịch sức khỏe tại Yoko Onsen Quang Hanh với các gói khác nhau phù hợp với nhiều lứa tuổi như người trẻ, người cao tuổi…

Ông Lê Trọng Thanh - phó tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Tùng Lâm - cho biết tranh thủ thời gian “nghỉ” vì dịch bệnh, công ty đã tập trung đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho toàn thể người lao động về tầm nhìn, giá trị cốt lõi, giá trị thương hiệu của Yên Tử cũng như kỹ năng phục vụ khách hàng.

Để thu hút du khách đến với Yên Tử cả 4 mùa trong năm, công ty triển khai nhiều hoạt động như yoga đón sớm mai, thiền chuông, thiền buông thư, ngâm chú tiếng Phạn, yoga cho mắt, đêm hội Làng Nương, đạp xe...

Quảng Ninh ‘khơi thông’ du lịch theo diễn biến dịch - Ảnh 12.

TIẾN THẮNG - NAM TRẦN
NAM TRẦN
HẢI PHI
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0