02/07/2019 11:32 GMT+7

Quảng Ngãi: Từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ du lịch

TRẦN MAI
TRẦN MAI

Phía tây là núi thẳm, phía đông là cát trắng, có một thời người ta nhìn vào điều kiện của tỉnh Quảng Ngãi chẳng ai dám nghĩ đến chuyện đổi thay. Vậy giữa cát trắng, bão tố, Quảng Ngãi trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ du lịch.


Quảng Ngãi: Từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ du lịch - Ảnh 1.

Khu kinh tế Dung Quất - Ảnh: NGUYỄN Á

Những chính sách mở cửa và những quyết sách mạnh mẽ đã kéo vùng đất nông nghiệp khó nghèo ngày nào thành "chàng lực sĩ" công nghiệp, dịch vụ.

Bước chuyển mình...

Mỗi ngày, những chuyến bay cất và hạ cánh ở sân bay Chu Lai ngang qua nền trời Dung Quất, từ trên cao người ta nhìn thấy một đại công trường và những nhà máy rộng lớn đang hoạt động. Cạnh đó là những khu vực biển xanh ngút ngàn với những dãy biệt thự, resort đẹp mơ màng. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy Quảng Ngãi bây giờ như thế nào mà chẳng cần đọc đến những báo cáo thu ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng để chứng minh.

Khi chiếc xe bon bon trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi hay Quốc lộ 1A sẽ nhìn thấy rõ những nhà máy, công trình đồ sộ dọc theo những cung đường. Quảng Ngãi năng động trong mắt bạn bè khắp nơi tụ về đây. Cuộc trở mình từ tỉnh thuần nông sang tỉnh công nghiệp với hàng loạt dự án lớn đang hiện hữu tại Quảng Ngãi như Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp VSIP... chỉ gói gọn trong 30 năm. Và giờ đây, Quảng Ngãi tiếp tục trở mình khơi dậy tiềm năng du lịch dịch vụ, khai thác bờ biển dài 130km và đảo Lý Sơn tuyệt đẹp.

Và dĩ nhiên, trong cuộc khơi dậy vùng biển chinh phục cả những chuyên gia khó tính đến từ UNESCO ấy, Quảng Ngãi lấy Lý Sơn làm trung tâm du lịch, vây quanh đây là một vùng mênh mông trầm tích, địa chất và những tầng lớp văn hóa của vùng đất này. Vài năm trở lại đây một lượng khách du lịch lớn đến tham quan Quảng Ngãi, chỉ tính riêng Lý Sơn trong năm 2018 thôi cũng đã thu hút 250.000 du khách.

Con số vẫn mãi là con số, nhưng từ cuộc rong ruổi trên đường đến số liệu là một hành trình thay đổi nhanh chóng mặt. Năm 1989, toàn tỉnh chỉ có 7 cơ sở lưu trú chủ yếu là nhà khách, nhà nghỉ, doanh thu khoảng

3,2 tỉ đồng, với 14.000 lượt khách, phần lớn phục vụ khách công vụ đến làm việc. Đến nay, hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, đã thu hút 26 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng vốn đăng ký 3.137 tỉ đồng.

Nếu như với công nghiệp, vùng đất Quảng Ngãi như một chàng lực sĩ, thì với dịch vụ du lịch, Quảng Ngãi chẳng khác nào một cô gái đẹp, chỉ cần khoác lên một lớp lụa là trở nên xinh đẹp. Thiên nhiên, văn hóa giao hòa của đất và người Quảng Ngãi như sự bù đắp cho thời tiết khắc nghiệt ở nơi này. Chạy dọc theo tuyến biển dài 130km sẽ thấy những Hang Yến, Sa Huỳnh, Phổ Châu... với những dãy núi kéo tận ra chân dòng, rồi dừng lại như thể đắm say trước vẻ đẹp của biển xanh, cát trắng.

Quảng Ngãi chẳng còn là một tỉnh lẻ thiếu thốn và ít người biết, giờ đây Quảng Ngãi đón nhận luồng khách du lịch lớn dần theo năm tháng và những điểm tham quan du lịch cũng ngày càng được mở rộng. Đến năm 2018, có 25 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành; khoảng 300 cơ sở lưu trú với hơn 4.000 buồng, phòng; đã đón 1 triệu lượt du khách, gấp hơn 70 lần so với năm 1989, doanh thu đạt 950 tỉ đồng, gấp 300 lần.

Với những gì có được, ngành du lịch Quảng Ngãi đã quy hoạch tổng thể phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang bản sắc văn hóa Quảng Ngãi, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những điểm đến đạt mức trung bình khá của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của cả nước.

Quảng Ngãi: Từ thuần nông sang công nghiệp, dịch vụ du lịch - Ảnh 2.

Tiếp tục mục tiêu mới

Những gì đang có, chưa bao giờ đủ trong cuộc đổi thay tại Quảng Ngãi, 30 năm, dù có đạt được những thành tựu tăng trưởng to lớn đến mức nào thì lãnh đạo Quảng Ngãi vẫn đang tính đến những tầm nhìn xa hơn. Ở đó là một Quảng Ngãi khai thác hết tiềm năng từng bị lãng quên.

Những dự án trọng điểm cần xúc tiến hoàn thành tăng ngân sách cho địa phương đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư, xây dựng đưa vào hoạt động như: Dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ 6,5 - 8,5 triệu tấn/năm; các dự án nhà máy điện khí từ mỏ Cá Voi Xanh; Khu liên hợp giang thép Hòa Phát Dung Quất; khu tổ hợp du lịch của FLC; hình thành Trung tâm lọc hóa dầu Quốc gia tại KKT Dung Quất...

Tiếp tục phát triển nhanh ngành thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế biển đảo. Tăng cường đầu tư, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; thu hút đầu tư các điểm du lịch Mỹ Khê, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Bình Châu, núi Cà Đam… Thực hiện có hiệu quả Chiến lược biển Việt Nam, phát triển kinh tế biển, đảo đồng bộ cả công nghiệp, dịch vụ, du lịch; đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp. Phối hợp tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có địa chỉ cụ thể, trong đó đẩy mạnh thu hút đầu tư trong nước, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn. Cứ thế mà Quảng Ngãi phát triển.

Nhìn lại chặng đường sau 30 năm tái lập tỉnh, Quảng Ngãi đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng và cũng đặt nhiều kỳ vọng, trách nhiệm lớn hơn trong tương lai.

Ở Quảng Ngãi bây giờ, người ta hay nói đến câu chuyện xung đột rất dễ chịu. Khi dự án ngày một nhiều nhưng yêu cầu biến 40% diện tích tỉnh thành công viên địa chất toàn cầu lại đang gấp rút triển khai. Nói vậy để thấy, Quảng Ngãi hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư công nghiệp, nhưng lại đẹp xinh trong mắt du khách. Phát triển hướng nào cũng được và giải pháp hài hòa luôn là bài toán đau đầu dìu dịu trong mỗi cuộc họp.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên