26/12/2017 15:44 GMT+7

Quảng Ngãi kiến nghị 'giải cứu' nhà máy lọc dầu Dung Quất

VIỆT HÙNG
VIỆT HÙNG

TTO - Tỉnh Quảng Ngãi vừa có kiến nghị Chính phủ không thực hiện khoản thu điều tiết 7% đối với nhà máy lọc dầu Dung Quất và sớm phê duyệt mở rộng dự án này.

Quảng Ngãi kiến nghị giải cứu nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh 1.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất khi đi vào hoạt động năm 2009 đến nay đã sản xuất hơn 50 triệu tấn xăng, dầu - Ảnh: V.Hùng

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng vừa ký công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành trung ương kiến nghị tháo gỡ khó khăn hoạt động đầu tư kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Nhà máy này thuộc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), đơn vị đóng góp hơn 90% tổng thu ngân sách hằng năm của Quảng Ngãi (hơn 22.600 tỉ đồng).

Theo công văn, từ năm 2018 tình hình thị trường có nhiều bất lợi, gồm cung cầu sản phẩm dầu mỏ trên thị trường và các quy định mới của Chính phủ, lợi nhuận BSR sẽ giảm rất nhiều.

Do đó nếu Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính thu điều tiết 7% áp dụng từ 2018-2022 thì sản xuất kinh doanh của BSR sẽ giảm từ 700-3.800 tỉ đồng mỗi năm.

Theo tỉnh Quảng Ngãi, khoản thu điều tiết này sẽ tạo mất bình đẳng về chính sách và mất cạnh tranh tại ngay thị trường nội địa.

Lý do là hiện Nhà máy dọc dầu Nghi Sơn có cam kết của Chính phủ được hưởng "ưu đãi 3-5-7" (tức 3% đối với hóa dầu, 5% LPG và 7% xăng, dầu) và chính sách này có tính ổn định trong vòng 10 năm với Nghi Sơn.

Tỉnh này cũng cho rằng khoản thu trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của BSR, rằng các nhà đầu tư sẽ không còn thấy hấp dẫn do kết quả kinh doanh và lợi nhuận bị giảm.

Tỉnh Quảng Ngãi cho rằng chính sách hiện tại đã giúp cho sản phẩm xăng, dầu của nhà máy lọc dầu Dung Quất cạnh tranh ngang bằng với hàng nhập khẩu và đã được BSR thông báo với các nhà đầu tư trong các đợt tiếp xúc chiến lược.

Do vậy việc thay đổi cơ chế thu điều tiết sẽ khiến nhà đầu tư đánh giá cơ chế chính sách của Nhà nước đối với BSR không ổn định, gây mất niềm tin cho các nhà đầu tư.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất việc thu xếp vốn đang rất khó khăn, tỉnh Quảng Ngãi cho rằng nếu Chính phủ thực hiện kiến nghị trên sẽ khiến cho dòng tiền của BSR mất cân đối, điều này khiến việc thu xếp vốn cho dự án là không thể thực hiện.

Việc nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất là cấp thiết nhằm đảm bảo các sản phẩm của nhà máy đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn khí thải áp dụng cho thị trường nội địa vào năm 2022 của Chính phủ.

Quảng Ngãi kiến nghị giải cứu nhà máy lọc dầu Dung Quất - Ảnh 2.

Tổng vốn đầu tư NMLD Dung Quất khoảng 3 tỉ USD, lợi nhuận sau thuế ước năm 2017 hơn 7 nghìn tỷ đồng - Ảnh: V.Hùng

Công văn cũng cho rằng do tình hình nợ công đã đạt trần, Chính phủ sẽ giãn hoặc dừng cấp bảo lãnh cho các dự án.

Hơn nữa, sau khi cổ phần hóa vốn nhà nước tại BSR dưới 50% nên dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ rất khó được Chính phủ cấp chủ trương bảo lãnh cho phần vốn vay theo đề nghị của BSR hồi tháng 12-2016.

Đồng thời, khi BSR làm việc với các ngân hàng lớn VCB, BIDV, VietinBank thì các ngân hàng đều khẳng định điều kiện tiên quyết để cho vay thực hiện dự án là phải có bảo lãnh của Chính phủ.

Trong công văn, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng kiến nghị Chính phủ không thực hiện thu điều tiết 7% áp dụng từ 2018-2022".

Đồng thời tình này đề xuất Chính phủ xem xét sớm phê duyệt dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất và cấp thư bảo lãnh Chính phủ đối với phần vốn vay dự án này.

VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên