Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh - Ảnh: V.Hùng
Vùng đông nam gồm các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành và TP Tam Kỳ với trục giao thông chính là đường ven biển Võ Chí Công được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Lê Trí Thanh cho rằng phát triển vùng đông nam là một cực vô cùng quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam.
Vùng cát trắng phía đông của Quảng Nam giờ đã thay da đổi thịt, dự án Vinpearl Nam Hội An hoành tráng là điểm nhấn - Ảnh: V.Hùng
* Thưa ông, ông có thể cho biết cụ thể hơn việc phát triển vùng đông nam ý nghĩa đột phát như thế nào trong tăng trưởng của Quảng Nam thời gian tới?
Tỉnh ủy đã có nghị quyết 07 về phát triển vùng này rồi, giờ UBND tỉnh cụ thể hóa bằng kế hoạch nhằm triển khai đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nội dung nghị quyết gắn với việc thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tỉnh đã xác định mục tiêu, định hướng phát triển 6 nhóm các dự án trọng điểm vùng đông nam theo ngành, lĩnh vực và 5 nhóm các dự án về hạ tầng chủ yếu, 7 nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại nghị quyết 07. Cụ thể là tổ chức lập, quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng, đất đai, trật tự xây dựng. Xây dựng phương án tổng thể, triển khai đầu tư xây dựng các khu dân cư, đô thị… từ vốn ngân sách, kết hợp nguồn vốn xã hội hóa. Tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch phục vụ các dự án đầu tư.
Nhân đây cũng đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển các nhóm dự án trọng điểm trên địa bàn vùng đông nam. Đồng thời xúc tiến, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư các dự án đô thị, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu đô thị sinh thái thông minh, các dự án công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chuyên nông - lâm nghiệp, dự án công nghiệp và dịch vụ hàng không tại Cảng hàng không quốc tế Chu Lai; hậu cần cảng và logistics gắn với cảng biển; trung tâm giao dịch hàng hóa quốc tế.
Tương lai sẽ hình thành ở phía đông cụm đô thị du lịch, dịch vụ, phía nam đầy sức mạnh về công nghiệp, vùng đông nam này sẽ là xung lực gánh vác sứ mệnh phát triển cả con tàu kinh tế Quảng Nam trong chiến lược tăng trưởng.
Còn vùng đất phía nam của tỉnh giờ là Tổ hợp ôtô, cơ khí, nông nghiệp, cảng biển... THACO hoạt động hiệu quả - Ảnh: V.Hùng
* Ông vừa đề cập tỉnh xác định phát triển vùng đông nam thành khu vực quan trọng, vậy sẽ ưu tiên đầu tư những lĩnh vực, nhóm dự án động lực nào?
Quy hoạch vùng đông nam, quan điểm của tỉnh là lấy cảnh quan, môi trường sinh thái làm bệ đỡ vững chắc cho sự phát triển và kinh tế là mũi nhọn, có tác dụng giữ cho sinh thái, văn hóa xã hội phát triển bền vững. Đây là vùng động lực có tính liên kết phát triển chặt chẽ, bổ sung cho nhau và không tách rời. Con đường ven biển Võ Chí Công là minh chứng cho sự liên kết không gian phát triển vùng đông nam. Các trục đường ngang, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hình thành đã tạo sự đồng bộ trong kết cấu hạ tầng giao thông tổng thể khu vực, kết nối mạng lưới giao thông đường bộ, cảng biển, đường thủy và hàng không.
Tỉnh đã đề xuất quy hoạch hai bờ hạ lưu sông Thu Bồn (từ cầu Cửa Đại đến cầu Giao Thủy) để phát huy giá trị tiềm năng về dịch vụ du lịch và phát triển đô thị. Việc quy hoạch nhằm xác định các vùng kiến trúc cảnh quan, không gian cho các khu trung tâm, vùng giáp ranh, các tuyến đường chính, quảng trường, trung tâm giới thiệu, biểu diễn sản phẩm, làng nghề, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn
Vùng đông nam là khu vực tạo động lực phát triển kinh tế xã hội Quảng Nam, giải quyết nhiều việc làm. Để vùng này bứt phá sắp tới, cần thiết phải tập trung đầu tư mạnh mẽ hơn, sớm đưa các dự án lớn vào hoạt động, kể cả các dự án về kết cấu hạ tầng, đầu tư đô thị, du lịch, dịch vụ…Quản lý, sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai, kết nối đồng bộ không gian và phát triển chuỗi đô thị liên kết với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch… Việc quy hoạch vùng này phải thể hiện tính liên kết với toàn bộ TP Đà Nẵng về phía bắc, khu vực Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi về phía nam và các huyện phía tây của tỉnh. Yêu cầu đặt ra là khớp nối đồng bộ hạ tầng, gìn giữ cảnh quan môi trường sinh thái, phát triển khu vực này trở thành vùng đô thị đáng sống.
* Vùng đất đông nam của tỉnh, nhất là tuyến ven biển Võ Chí Công còn nhiều tiềm năng, thực tế dự án đăng ký thì nhiều, song triển khai đầu tư xây dựng, hoạt động còn khiêm tốn, tỉnh sẽ giải quyết tình trạng này thế nào, thưa ông?
Vâng, đúng vậy. Nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký hay thỏa thuận đầu tư với số vốn hàng tỉ đôla Mỹ nhưng triển khai đầu tư, xây dựng, hoạt động còn ít. Tình trạng này do nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, còn nhiều vấn đề cơ chế, chính sách và nhiều dự án cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hiện tỉnh đã rà soát, đánh giá và đang làm việc lại với các nhà đầu tư để tính toán từng dự án, làm sao đảm bảo lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân vùng dự án. Những dự án ở vùng đông nam gặp vướng mắc đều được xem xét lại. Dự án nào tiếp tục khởi động thì đẩy nhanh tiến độ, dự án nào không phù hợp thực tế thì điều chỉnh. Rà soát, phân loại để xử lý, những dự án không hiệu quả hoặc không triển khai được thì phải dừng, thu hồi giấy phép, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư mới có nhu cầu, sẵn sàng đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển.
Dự kiến sau khi thu hồi các dự án sẽ lập kế hoạch phát triển công viên, không gian công cộng, tạo cảnh quan thông thoáng, sạch đẹp, còn dự án nào triển khai thì giao đất kịp thời, xác định giá đất phù hợp, có tính ổn định lâu dài để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Quan điểm của lãnh đạo Quảng Nam là dù có phát triển thế nào cũng phải hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa và môi trường xã hội. Tất cả các lĩnh vực này phải được vận hành đồng bộ, ổn định để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, ưu tiên phát triển bền vững.
2.000 tỉ đồng nạo vét sông Trường Giang
Việc quy hoạch phát triển sông Trường Giang giúp hồi sinh dòng sông, tạo đòn bẩy để khai thác những tiềm năng và là động lực phát triển kinh tế xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt vùng phía đông nam của tỉnh. Dự án sẽ khởi công năm 2022 có chiều dài tuyến luồng khoảng 60km với vốn đầu tư gần 2.000 tỉ đồng. Hai bên bờ sông Trường Giang sẽ không cắt thành những lô nhỏ, còn dòng sông sẽ được quy hoạch tổng thể một cách khoa học, tổ chức thu hút những nhà đầu tư có năng lực để thực hiện những dự án lớn, chuẩn khu đô thị, khu du lịch đẳng cấp, hạ tầng đồng bộ và tạo sức lan tỏa. Sau khi nạo vét sông Trường Giang sẽ tạo ra hệ thống giao thông đường thủy thông suốt, kết hợp phòng chống ngập lụt và tiêu thoát lũ lưu vực sông, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế khu vực, nâng cao chất lượng sống người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận