19/04/2020 11:43 GMT+7

Quảng Nam: 'Trải thảm' đón giáo viên giỏi

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Giữ đúng lời hứa với những học trò xuất sắc từng mơ ước cầm phấn đứng trên bục giảng, Sở GD-ĐT Quảng Nam đã tiếp nhận 20 giáo viên trong diện này chính thức giảng dạy ở các trường THPT.

Quảng Nam: Trải thảm đón giáo viên giỏi - Ảnh 1.

Cô Trần Thị Ngọc Tuyết - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông - là một trong 20 ứng viên vừa được tiếp nhận tại Quảng Nam - Ảnh: BÁ DŨNG

Một người thợ giỏi có thể làm ra được mẫu hàng bắt mắt, một kỹ sư giỏi sẽ làm ra được một tòa nhà đẹp, còn một ông thầy giỏi sẽ truyền cảm hứng và tạo ra được hàng ngàn người giỏi cho xã hội.

Ông HÀ THANH QUỐC

Trong danh sách 20 nhà giáo trẻ "hạng ưu" được tỉnh nhận quyết định bố trí công việc tại Quảng Nam hôm 10-4, nhiều người đã bất ngờ trước việc một cô giáo trẻ từng là á khoa đầu vào và là thủ khoa đầu ra một trường ĐH. Cô cũng đã được nhận vào một trường cấp III tại TP Đà Nẵng.

Quay về nơi mình lớn lên

Cô giáo trẻ đó là Trần Thị Ngọc Tuyết. Sáng 14-4, Tuyết cùng 10 đồng nghiệp về Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An) ra mắt các thầy cô giáo, nhận quyết định tiếp nhận công việc mới. Tuyết cho biết ngay khi còn học cấp III, thấy học lực tốt của Tuyết nên nhiều thầy cô đã động viên, định hướng Tuyết theo học sư phạm.

Khi qua lớp 12, Tuyết mạnh dạn đăng ký thi vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) và giành vị trí á khoa. Không dừng lại ở đây, ngày nhận bằng tốt nghiệp ĐH, cô gái Hội An này còn tiếp tục giành vị trí thủ khoa ngành tiếng Anh.

Năm 2018, trong kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục của TP Đà Nẵng, Tuyết đã gửi hồ sơ và được nhận vào dạy ở Trường THPT Võ Chí Công. Tuy nhiên, mới đây khi rà hồ sơ các ứng viên gửi đến đăng ký đầu quân cho Sở GD-ĐT Quảng Nam, các thầy cô đã rất bất ngờ khi có tên của Tuyết. Cô giáo trẻ cười rồi bảo: "Em đã hứa sẽ về thì bằng cách này hay cách khác em sẽ về bằng được. Em vẫn nhớ như in từng lời thầy cô đã động viên khi em còn học cấp III, nên kể cả khi đã có việc ở Đà Nẵng thì thâm tâm em vẫn muốn quay về nơi mình đi học, lớn lên" - Tuyết nói.

Nhưng không riêng Tuyết có hồ sơ "khủng", tất cả 20 giáo viên được tỉnh Quảng Nam xét đợt này đều ít nhất tốt nghiệp trường chuyên, từng đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic dành cho học sinh THPT, có người đã được mời gọi trong các suất học bổng danh giá ở các nước khi đang học lớp 11, 12. Nhưng tất cả đã đi theo một ngã rẽ mà "không ai có thể đoán định": theo nghề giáo, nuôi ước mơ đứng trên bục giảng.

Đề án trọng dụng nhân tài

Buổi lễ trao quyết định cho 20 nhà giáo trẻ được Sở GD-ĐT Quảng Nam tổ chức hôm 10-4 lẫn nhiều cảm xúc. Nhiều giáo viên trẻ sau nhiều năm miệt mài học hành với động lực lời hứa của các thầy cô giáo, nay họ đã được vẹn tròn mong ước.

Để có buổi lễ này, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc đã thuyết trình đề án trọng dụng nhân tài, thu hút và lôi kéo học sinh giỏi theo ngành sư phạm và được tỉnh Quảng Nam đồng ý cho thực hiện từ nhiều năm trước. Các học sinh được nhận quyết định lần này đã được ông Quốc cùng thầy cô các trường theo dõi, lọc lựa và "làm công tác tư tưởng" từ ngày còn ngồi ghế trường cấp III. Các em không hình dung được rằng hồ sơ học tập của mình đã được đưa lên sở và cất thành một bộ riêng để theo dõi.

Chuyện những "hạt giống"

Cô giáo Huỳnh Nguyên Ngọc Hiền - 1 trong 20 giáo viên mới được tiếp nhận lần này - cho biết cô từng có những ngày đi học cấp III đầy "dông bão" khi mẹ mất, dù học rất giỏi nhưng đường vào tương lai mông lung không biết đích đến. Khi biết năng lực học của Hiền, chính giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam đã trò chuyện và hứa nếu theo sư phạm, học tập tốt thì sở sẽ tạo điều kiện để Hiền được tiếp nhận. Kết quả là Hiền đạt thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng năm 2015, khi vừa ra trường, các thầy cô đã hướng dẫn cô giáo này làm hồ sơ. Ngày được thông báo trúng tuyển, Hiền đã bật khóc vì công sức học hành, phần vì được theo nghề mà mình hằng ao ước.

Tại buổi lễ trao quyết định đó, ngoài việc chúc mừng các nhà giáo trẻ - những đồng nghiệp của mình, ông Hà Thanh Quốc cùng hiệu trưởng và các giáo viên cơ yếu của Sở GD-ĐT Quảng Nam cũng nói rằng "các thầy đã thực hiện xong lời hứa". "Tôi muốn khen ngợi các em ở lòng dũng cảm, các em đã không bỏ cuộc khi bối cảnh thi đầu vào sư phạm đã "nhạt nhẽo" và bão hòa tới mức buồn tủi. Các em học giỏi, có rất nhiều cơ hội mở rộng phía trước nhưng đã theo lý tưởng cao cả để phấn đấu trở thành người dạy chữ" - ông Quốc xúc động.

Thầy Lê Thành Vinh - hiệu trưởng THPT chuyên Lê Thánh Tông - nói rằng không chỉ thầy mà tất cả giáo viên cấp III trên toàn tỉnh nhiều năm nay ngoài việc dạy còn được giao nhiệm vụ "bí mật" khác: đó là theo dõi học trò, em nào có năng khiếu sư phạm, học giỏi, đoạt giải cao sẽ được lập hồ sơ và đưa về Sở GD-ĐT. Sở sẽ lên danh sách và theo dõi suốt quá trình vào ĐH để mời gọi những sinh viên diện này về đầu quân cho sở.

"Đợt này trường tôi nhận được 10 giáo viên về dạy để bổ sung đội ngũ. Tất cả đều là những em được theo dõi từ ngày học cấp III, thành tích học tập vượt trội và đam mê nghề giáo. Đây chính là đội ngũ kế cận tuyệt vời, là những hạt giống tốt để nảy nở thành quả ngọt sau này" - thầy Vinh nói.

Tuyển người giỏi cho nghề dạy học

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Hà Thanh Quốc cho biết đợt xét tuyển viên chức sư phạm lần đầu tiên để lựa sinh viên "hạng ưu" này tỉnh thu hút được 24 hồ sơ, 20 người đã được chọn. Cụ thể, 10 người được phân bổ về Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông (Hội An), 7 người tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ), còn lại về các trường THPT Tiểu La (Thăng Bình), Sào Nam (Duy Xuyên).

"Số không được chọn không phải năng lực kém, mà tất cả các em học cực giỏi. Nhưng vì các lý do như ốm đau, thí sinh đến trễ nên chúng tôi chỉ lấy được 20 em, đúng ra phải lấy hết vì học lực giỏi như thế mà theo sư phạm thì không phải chuyện đơn giản" - ông Quốc nói.

Ông Quốc cho biết để được xét tuyển, một bộ tiêu chí rất cao được đưa ra. Tỉnh thành lập hội đồng xét tuyển, vấn đáp trực tiếp và phúc tra kỹ lưỡng. Mục đích cuối cùng là làm sao tuyển được người giỏi cho nghề dạy học.

Giáo viên giỏi: nuối tiếc xen băn khoăn Giáo viên giỏi: nuối tiếc xen băn khoăn

TTO - Đó là hai trạng thái biểu lộ trong nhiều ý kiến tại tọa đàm “Công nhận giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi trong bối cảnh mới”, do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày 6-4.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên