Ngày 7-9 tại huyện Nông Sơn, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố quyết định thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi, có diện tích gần 19.000 ha, thuộc hai xã Phước Ninh và Quế Lâm (huyện Nông Sơn). Trong đó, phân khu được bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 13.000 ha; ngoài ra, vùng đệm khu bảo tồn rộng 25.000 ha, thuộc 9 xã, 5 huyện.
Đây là khu vực hiện có một đàn voi rừng gồm 7 cá thể sinh sống. Quần thể voi này (được coi là một trong những quần thể cuối cùng của loài voi châu Á đang nguy cấp tại Quảng Nam) có cấu trúc đàn khá hoàn chỉnh và đang sinh trưởng tốt.
Hiện cả nước có khoảng 10 khu vực được xác định là còn voi sinh sống, với số lượng ước tính khoảng 70-130 con. Chúng sống phân tán và bị xé lẻ thành nhiều nhóm với số lượng nhỏ, một đàn trung bình có từ 4-6 cá thể, phân bố chủ yếu dọc biên giới Việt Nam-Lào và Campuchia.
Khu bảo tồn hình thành sẽ là cơ hội giúp quần thể voi rừng có không gian sống tự nhiên, qua đó bảo tồn và phát triển loài voi châu Á ở Việt Nam, góp phần đạt được các mục tiêu chung của Chính phủ về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài nguyên động, thực vật hoang dã.
Đồng thời, bảo vệ, duy trì, phát triển quần thể voi còn lại và bảo vệ sinh cảnh sống - nơi sinh sống của quần thể voi; khôi phục và phát triển sinh cảnh sống, nguồn thức ăn của voi… nhằm xây dựng địa điểm này thành nơi phù hợp tiếp nhận những cá thể voi đơn lẻ ở nơi khác chuyển về.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi là khu bảo tồn thứ 4 tại Quảng Nam. Trước đó, địa phương đã thành lập Khu bảo tồn sâm Ngọc Linh, Khu bảo tồn Sao la và Khu bảo tồn tự nhiên Sông Thanh.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nằm trong khu vực triển khai Dự án Trường Sơn xanh do USAID tài trợ, với số tiền dự kiến khoảng 24 triệu USD.
Dự án hợp tác với hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo tồn rừng và đa dạng sinh học. Đồng thời hỗ trợ Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế cải thiện các thực hành sử dụng đất, tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường khả năng thích ứng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương, trong đó, nỗ lực giảm tình trạng mất rừng và suy thoái rừng, khôi phục các cảnh quan bị suy thoái bằng những biện pháp hỗ trợ cộng đồng địa phương xây dựng các mô hình sinh kế bền vững, giảm thiểu những rủi ro do thiên tai gây ra.
Dự án còn tăng cường bảo vệ các loài đặc hữu khỏi nạn khai thác và săn bắn trái phép, khôi phục môi trường sống tự nhiên, đa dạng sinh học của động, thực vật bản địa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận