Gặp khó về giá vật liệu, mỏ nguyên liệu
Ông Dũng cho biết đây là lần đầu tiên với trọng trách là chủ tịch UBND tỉnh ông làm việc với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, góp một phần quan trọng trong giải ngân vốn đầu tư công.
Hiện nay, tỉnh mới giải ngân được khoảng 45% tổng số vốn của năm 2024, so với bình quân chung cả nước còn rất thấp. Ông Dũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực xây dựng cùng chung tay góp sức để đảm bảo tiến độ giải ngân. Lãnh đạo tỉnh mong muốn lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp để cùng chung tay làm tốt nhiệm vụ.
Các doanh nghiệp nêu nhiều khó khăn liên quan đến giá vật tư, nguyên vật liệu tăng cao, nhiều địa phương không có mỏ đất, đá, cát, phải vận chuyển từ nơi khác, giá cước vận chuyển cao ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Việc này cũng làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp nên gặp rất nhiều khó khăn, một số dự án chậm tiến độ.
Doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng thủ tục cấp phép các mỏ nguyên vật liệu kéo dài, chưa đáp ứng nhu cầu rất lớn của các dự án, thủ tục xin tận thu đá xử lý chậm. Ngoài ra nhiều công trình bị vướng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Ông Đinh Thanh Trí - giám đốc Công ty Thanh Tiến cho hay một số dự án bị vướng giải phóng mặt bằng, mặt bằng bàn giao theo kiểu "xôi đậu" khiến dự án chậm tiến độ. Trang thiết bị, máy móc phải đắp chiếu nhiều tháng chờ mặt bằng gây lãng phí, hư hao tài sản cho nhà thầu.
Khi có mặt bằng, chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu tập trung nhân lực máy móc tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ, đồng nghĩa với việc nhà thầu phải bỏ ra chi phí lớn nhất.
"Làm sao sớm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công dự án, công tác giải phóng mặt bằng phải đi trước một bước" - ông Trí nói.
Còn ông Trần Phú Hòa - giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ cho hay giá dự toán nhà nước ban hành về nhân công, vật liệu không sát thực tế, có sự chênh lệch cao gây khó khăn cho nhà thầu.
Công ty của ông cũng như nhiều doanh nghiệp đang gặp tình trạng thiếu mỏ khoáng sản phục vụ dự án, phải mua cát, đá từ nơi khác với chi phí đội lên nhiều lần. Và ông đề nghị tỉnh có giải pháp để tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp.
Tập trung tháo gỡ các "điểm nghẽn"
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành, chủ đầu tư các dự án cũng giải đáp các thắc mắc và chỉ ra hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về giải ngân các công trình, gỡ khó về khan hiếm nguyên vật liệu và điều chỉnh dự toán giá nhân công, vật liệu.
Phát biểu kết luận, ông Lê Văn Dũng cho rằng qua thực tiễn có thể thấy được khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực xây dựng là khá lớn. Nhiều doanh nghiệp rất chật vật, lo lắng để hoàn thành công trình, bàn giao cho chủ đầu tư. Nhiều doanh nghiệp cũng rất tích cực, mặc dù thấy lỗ nhưng vẫn cứ làm, vẫn phát huy trách nhiệm, nỗ lực đảm bảo tiến độ đã ký kết.
Trong thời gian đến, ông đề nghị các sở, ngành, chủ đầu tư, địa phương thực hiện tốt việc đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn đơn vị thực hiện thi công đúng theo quy định pháp luật. Không có sân trước, sân sau hoặc vụ lợi cá nhân.
Ông yêu cầu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng ở các dự án cụ thể, chủ đầu tư phải tích cực trong việc này, vướng đâu gỡ đó, quyết tâm làm thì sẽ hoàn thành. Và khi đã đấu thầu dự án rồi thì ký kết hợp đồng, phải ứng vốn cho nhà thầu, đơn vị thi công triển khai thực hiện. "Phải đôn đốc thi công cho có khối lượng và đồng thời phải có chất lượng công trình" - ông Dũng đề nghị.
Về khó khăn liên quan đến vật liệu xây dựng, ông yêu cầu tập trung cấp phép các mỏ, làm sao cho đủ cát, đá, đất… để nhà thầu thi công. "Nhu cầu hiện nay lớn, mình nằm ở vùng khoáng sản lớn như thế nhưng mà cứ để khan hiếm" - ông Dũng nói.
"Ba tháng nay, gần như không có mỏ vật liệu xây dựng nào đề xuất lên mà Thường vụ Tỉnh ủy không đồng ý, nếu đó là mỏ đất, cát phục vụ xây dựng các dự án. Các địa phương, sở ngành phải làm căn cơ, trách nhiệm, nơi nào được chỉ định thầu thì chỉ định để doanh nghiệp làm"- ông Dũng nói thêm.
Về giá vật liệu xây dựng, ông đề nghị Sở Xây dựng chủ trì cùng các sở liên quan nghiên cứu để có giá phù hợp thực tiễn hiện nay. Giá bây giờ đang bất hợp lý, cần phải nghiên cứu các địa phương lân cận như TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi. Làm thế nào để có giá tương đồng giữa giá các địa phương. Đồng thời kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt để chống đầu cơ, thổi giá, nâng giá đối với vật liệu xây dựng, tăng cường thanh tra.
Về vốn thì ngân hàng nhà nước kiểm soát việc này. Nếu doanh nghiệp đủ điều kiện thì ngân hàng hỗ trợ về vốn.
Ông Dũng yêu cầu các sở, ngành đảm bảo nguồn cung vật liệu, tập trung giải phóng mặt bằng ở các dự án cụ thể, ký kết hợp đồng và triển khai ứng vốn theo quy định tại các dự án để đơn vị thi công thực hiện. "Kiên quyết điều chuyển vốn, thu hồi dự án nếu như không làm, không có khối lượng" - ông nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận