Khách tham quan du lịch ở phố cổ Hội An trước đại dịch COVID-19 diễn ra - Ảnh: LÊ TRUNG
Thông tin này đưa ra tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến tỉnh Quảng Nam diễn ra sáng 21-10.
Theo ông Lê Ngọc Tường - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam, hoạt động du lịch của tỉnh trải qua gần hai năm chịu tác động của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch gần như tạm dừng toàn bộ. Hiện nay, trên 90% doanh nghiệp du lịch tạm dừng hoạt động.
Có khoảng 14.000 lao động mất việc làm. 9 tháng đầu năm, thiệt hại về du lịch khoảng 15.000 tỉ đồng do ảnh hưởng bởi dịch.
Theo kế hoạch mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế đến Quảng Nam, tỉnh này đưa ra lộ trình gồm bốn giai đoạn.
Giai đoạn 1 là cuối tháng 10-2021, khi tất cả lao động ngành du lịch được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin sau 14 ngày. Trước mắt tập trung đón nguồn khách du lịch (cư trú tại vùng xanh, vàng, cam) trong tỉnh là người dân tại Quảng Nam và khách du lịch từ các tỉnh, thành gần kề gắn với quy trình kiểm soát phòng chống dịch an toàn.
Việc này nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho mùa du lịch dịp Noel, Tết, chuẩn bị nguồn lực đón khách từ các tỉnh, thành phố khác.
Năm 2020, tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại Quảng Nam khoảng 1,4 triệu lượt, giảm 81% so với cùng kỳ năm 2019. Chín tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách tham quan, lưu trú chỉ có 326.300 lượt.
Ông Lê Ngọc Tường - phó giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Quảng Nam - Ảnh: LÊ TRUNG
Giai đoạn 2 vào đầu tháng 12-2021, khi tất cả lao động ngành du lịch được tiêm đủ 2 mũi vắc xin sau 14 ngày. Thí điểm đón khách du lịch (cư trú tại vùng xanh, vàng, cam) tại các tỉnh, thành phố trên cả nước theo mô hình "bong bóng du lịch" - khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành.
Giai đoạn 3, đầu tháng 1-2022 mở rộng đón khách (cư trú tại vùng xanh, vàng, cam) tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng… Khách có thể lựa chọn hình thức đi theo tour trọn gói, khép kín của các công ty lữ hành tổ chức hoặc đi lẻ tự chọn dịch vụ.
Giai đoạn 4 bắt đầu ngay khi tỉnh được cơ quan có thẩm quyền cho phép đón khách quốc tế.
Điều kiện đón khách là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch phải ở vùng xanh và vùng vàng. Cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới.
Nâng cao chất lượng các điểm đến, các tour du lịch ngắn ngày dành cho nhóm nhỏ, gia đình với các chương trình, gói sản phẩm du lịch an toàn, tuyến du lịch xanh kèm các ưu đãi, khuyến mãi. Trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch xanh, du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, golf, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.
Lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ phải đảm bảo điều kiện an toàn phòng, chống dịch ở những nơi trọng điểm du lịch như Hội An, Duy Xuyên để thí điểm đón khách, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - cho biết để khôi phục du lịch cần phải ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại điểm đến du lịch.
"Cần phải hỗ trợ chính sách hiệu quả cho doanh nghiệp mở cửa trở lại, Nhà nước phải hỗ trợ gói tín dụng vay mới, lãi suất 0% cho các doanh nghiệp tham gia phục hồi du lịch giai đoạn đầu" - ông Thủy đề xuất.
Ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho biết việc khôi phục du lịch nội địa là bước đệm để mở cửa đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Doanh nghiệp du lịch đóng vai trò hết sức quan trọng, chủ lực trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn.
"Điểm nhấn của các sản phẩm du lịch an toàn là điểm đến an toàn, hành trình an toàn cùng nhiều dịch vụ an toàn, trong đó cốt lõi là đội ngũ nhân lực du lịch an toàn" - ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận