12/02/2014 07:58 GMT+7

Quảng Nam: đổ xô lên rừng hái nấm

TẤN VŨ - QUỐC VŨ
TẤN VŨ - QUỐC VŨ

TT - Trở về sau chuyến vượt rừng hơn ba ngày hái nấm sau tết, Chơ Rum Khanh, một thanh niên ở thôn 48, xã biên giới Đắc Pring (Nam Giang, Quảng Nam), phấn khởi cho hay đến nay anh thu nhập được hơn 100 triệu đồng nhờ trúng đậm nấm chò.

yYtNGNwF.jpgPhóng to
Nhiều loại nấm rừng được người dân Quảng Nam mang về bán cho thương lái - Ảnh: Tấn Vũ

Theo anh Chơ Rum Khanh, thời gian gần đây các thương lái ở đồng bằng thường lên địa bàn các xã giáp biên giới với Lào như Đắc Pring, Đắc Pre lùng mua tất cả các loại nấm rừng. “Khách chủ yếu mua nấm mọc từ cây chò và sến. Bao nhiêu bán cũng hết” - Khanh nói. Giá mua dao động từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng/kg tùy từng loại nấm mà người dân hái được từ rừng. Chơ Rum Khanh cho biết cuối năm 2013 anh trúng đậm nhờ tìm được một cây nấm chò sống nặng hơn 80kg, bán cho thương lái ở Đà Nẵng được 47 triệu đồng.

Nhưng để tìm được nấm ở thời điểm này cũng không dễ dàng gì, có khi phải mất cả nửa tháng trời luồn rừng săn tìm nấm. “Thương lái họ tinh lắm, nhìn qua là họ biết nấm sống hay nấm chết liền. Nấm sống vừa được hái về từ trên cây chò còn sống có giá rất cao đến 700.000 đồng/kg, nhưng nấm chết trên cây khô thì 1kg chỉ được vài chục ngàn đồng” - Chơ Rum Khanh tiết lộ. Không chỉ mình Chơ Rum Khanh mà nhiều thanh niên ở hai thôn 48 và 49 của xã Đắc Pring cũng kiếm được hàng chục triệu đồng nhờ nấm, từ đó mua được xe máy, sắm tivi, điện thoại...

Bloong Hương, thôn 49, xã Đắc Pring, cho biết mỗi chuyến đi lùng tìm nấm chò ít nhất phải mất một tuần. “Vách núi dựng đứng không cẩn thận có thể tuột tay, sẩy chân là ngã chết như chơi” - Hương nói. Hương không rõ thương lái mua nấm chò để làm gì và nấm có tác dụng ra sao, anh chỉ thấy thương lái mua giá cao nên người dân rủ nhau vào rừng săn tìm mang về bán. “Nhiều người cả đời không có đồng xu dính túi, nhưng nay nhờ bán nấm họ cầm trong tay cả chục triệu đồng nên phấn khởi lắm” - Hương hồ hởi khoe.

Võ Thanh Tuấn, một thanh niên lão luyện trong việc tìm nấm, cho biết ở vùng núi Trà My có những địa danh suối Ma, suối Bùn, eo Gió Hú, suối Hồn Bà, suối Cây Chanh... là những nơi có rất nhiều nấm. “Đó là các cánh rừng ẩm ướt và đầy cây cổ thụ tựa lưng vào đỉnh Ngọc Linh ít người biết đến. Tụi tôi đi tìm nấm như tìm trầm ngày xưa...” - Tuấn tiết lộ. Theo Tuấn thì tùy kích thước mà nấm có giá khác nhau. Sau tết giá nấm tăng vọt. Nấm lim loại lớn 3 triệu đồng/kg, loại nhỏ 2 triệu đồng/kg và loại nát nhất cũng 1,5 triệu đồng.

Bà Cúc Hoa, đại lý bán nấm sát tỉnh lộ ĐT 616 đoạn qua Trà My, cho biết sau tết người tìm đến mua nấm rất đông. Dọc tuyến ĐT 616 có đến gần 30 điểm bán nấm, có nơi treo hẳn công dụng là chữa ung thư gan...

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Nguyễn Văn Hai cho biết việc mua bán nấm đa số xuất phát từ các nhu cầu trong dân, thỏa thuận, công dụng của nấm chủ yếu là từ tin đồn lẫn nhau. “Không có công ty, không có đăng ký kinh doanh nên việc quản lý rất khó” - ông Hai nói. Theo ông Hai, việc đáng quan ngại nhất là các loại nấm mới như nấm chò, sến cũng được mua bán khi chưa biết công dụng như thế nào.

Bác sĩ Ngô Ngọc Toàn - phó giám đốc Bệnh viện Y học dân tộc cổ truyền Quảng Nam - cho biết nếu đúng nấm linh chi, lim xanh thì tác dụng đã được phân tích là thanh nhiệt, giải độc, tăng đề kháng. Nhưng những nấm khác mọc trên cây chò, cây sến thì chưa biết thành phần như thế nào. Nguy hiểm của nấm rừng là trên nấm có nhiều loại nấm khác ký sinh, trong đó có cả nấm độc.

TẤN VŨ - QUỐC VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên