Theo Bộ tư lệnh Quân khu 5, trong ngày 16-10, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ tiếp tục được huy động để hỗ trợ giúp dân ổn định lại cuộc sống.
Dân về nhà, trường lớp mở cửa lại
Ông Đặng Minh Cường - chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Chính Gián (Thanh Khê, Đà Nẵng) - cho biết trong đêm và rạng sáng 16-10 đã điều động 18 cán bộ, chiến sĩ dân quân cơ động xuống các điểm ngập mới phát sinh trong khu vực để giúp dân.
Tại phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu), 20 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn đặc công 409 (Quân khu 5) được điều động xuống khu vực có cây cối ngã đổ ở tổ 45 Đà Sơn để dọn dẹp. Người dân cũng được bộ đội giúp sơ tán tài sản, đồ đạc đi gửi ở các nhà cao ráo để phòng nước lũ quay trở lại.
Tại huyện Hòa Vang, lực lượng vũ trang cùng giáo viên xuống các trường thấp trũng để vệ sinh trường lớp sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Ông Phan Văn Tôn - chủ tịch UBND huyện Hòa Vang - thông tin số trường lớp bị ngập tại huyện này đã được dọn dẹp. Và chiều 16-10, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng thông báo từ 17-10 học sinh toàn TP trở lại trường bình thường.
Còn theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Nam, đợt mưa lũ đang diễn ra đã gây ngập hư hại 118ha lúa nước, hoa màu; làm sạt lở, hư hỏng và ngập cục bộ nhiều tuyến đường.
Xử lý ngay nút thắt gây ngập tại Đà Nẵng
Câu chuyện ngập nặng liên tiếp trong hai năm vừa qua tại Đà Nẵng vẫn là chủ đề được mổ xẻ và tìm nguyên do. Trong đó, vùng tâm điểm là ven đường Mẹ Suốt, Hoàng Văn Thái (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu). Đại tá Lê Thọ - phó trưởng Công an quận Liên Chiểu - cho rằng chính khu vực này trước đây có trường hợp xây dựng tự phát khiến khe, cống bị chèn ép từ đó dẫn đến nước chảy xiết.
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên phó trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP Đà Nẵng, khu vực đường Mẹ Suốt sau lưng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng trở thành điểm ngập trong những năm vừa qua có nhiều nguyên nhân.
Một là cầu Đa Cô bị thu hẹp sau khi cải tạo, mở rộng quốc lộ trong giai đoạn trước đây. Trong khi đó, tuyến kênh Đa Cô là khu vực tiêu nước cho lưu vực rộng đến 29km2 gồm các khu núi Phước Tường, Khánh Sơn, Đà Sơn.
Do đó, với điều kiện mưa cực lớn như hai năm vừa qua, phía dưới vị trí cầu Đa Cô đường thoát nước bị bóp lại sẽ sinh ngập khu vực phía trên.
"Để xử lý ngập triệt để thì Đà Nẵng phải kiến nghị với Bộ GTVT thực hiện ngay việc mở rộng khẩu độ thoát nước tại nút thắt cầu Đa Cô. Thậm chí phía dưới kênh Đa Cô tôi đi khảo sát cũng có nhiều cầu được thiết kế phần dầm cầu âm phía dưới để đường bằng phẳng, từ đó ảnh hưởng lớn đến khẩu độ thoát nước" - ông Thắng nói.
Chung nhận định, TS Lê Hùng (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng cho rằng đường thoát nước của Đà Nẵng đang có rất nhiều vấn đề. Khu vực ngập nặng của Liên Chiểu như quanh cầu Đa Cô có nguyên do từ việc khẩu độ cầu nhỏ, không đảm bảo tiêu thoát. Trong khi đó, đường dẫn nước lại được thiết kế chạy lòng vòng rồi mới đổ về một điểm trước khi ra biển.
Áp thấp trên Biển Đông có thể thành áp thấp nhiệt đới
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hiện vùng áp thấp trên Biển Đông đang hoạt động tại khu vực giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vùng áp thấp này di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc và ngày 17-10 có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Do đó từ nay đến ngày 18-10, ở các tỉnh thành từ Quảng Trị đến Quảng Nam có mưa to đến rất to. Lượng mưa đạt 150 - 250mm, có nơi trên 350mm. Khu vực từ Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đạt 50-150mm, có nơi trên 200mm.
Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ và các nơi khác ở Nam Trung Bộ hôm nay có mưa vừa đến mưa rất to. Lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 100mm, thời gian mưa dông tập trung vào chiều và đêm. Từ ngày 19-10, vùng mưa to sẽ dịch chuyển dần lên phía Bắc, các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi mưa xu hướng giảm dần từ chiều 18-10.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận