03/03/2007 06:04 GMT+7

Quang Lý - 30 năm ca hát

ĐỖ TRUNG QUÂN
ĐỖ TRUNG QUÂN

TT - Bước ngoặt của một ca sĩ đôi khi cũng hệt như số phận của một diễn viên sân khấu, điện ảnh - nếu không có một biến cố ngẫu nhiên họ sẽ còn ẩn rất lâu trong bóng tối.

q7CZGgi5.jpgPhóng to
Ảnh: Phạm Hoài Nam
TT - Bước ngoặt của một ca sĩ đôi khi cũng hệt như số phận của một diễn viên sân khấu, điện ảnh - nếu không có một biến cố ngẫu nhiên họ sẽ còn ẩn rất lâu trong bóng tối.

19 tuổi Quang Lý được tuyển vào Đài Tiếng nói VN, 20 tuổi được đào tạo ở Nhạc viện Hà Nội làm học trò của nghệ sĩ Trung Kiên. Tốt nghiệp trở về phục vụ tại Nhà hát Hải Phòng nhưng vẫn chưa là một ca sĩ solo, anh vẫn đứng lẫn trong dàn hợp xướng cho đến một đêm diễn định mệnh: giọng nam chính của nhà hát bị bệnh trước đêm khai mạc.

Không thể dừng lại một tiết mục dàn dựng lớn của chương trình, ngón tay của người chỉ huy dàn nhạc chuyển dịch nhiều vòng và dừng lại ở vị trí của Quang Lý. Anh đã được chọn hát solo cho ca khúc Thành phố hoa phượng đỏ. Ca khúc kết thúc, Nhà hát Hải Phòng bùng vỡ tiếng vỗ tay và sân khấu dòng nhạc bán cổ điển, trữ tình của VN bắt đầu tỏa sáng thêm một gương mặt mới. Khi ấy Quang Lý vừa tròn 25 tuổi.

Thập niên 1980, Quang Lý chuyển vào TP.HCM. Khán giả của sân khấu ca múa nhạc và truyền hình bắt đầu quen thuộc một gương mặt điển trai kiểu hiền lành của nam ca sĩ có tên Quang Lý. Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt cũng đã vang lên với một giọng nam cao rất đẹp, ca khúc trứ danh ấy không chỉ riêng Quang Lý thể hiện, nhưng quả thật cho đến hôm nay vẫn chưa có ca sĩ nào được công chúng đánh giá cao hơn Quang Lý.

Suốt nhiều thập niên sau đó, giọng hát đẹp vào loại hàng đầu của nam ca sĩ VN vẫn theo đuổi thể loại bán cổ điển, nhạc nhẹ, trữ tình và cả âm nhạc truyền thống, từ Tấm áo mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh), Dòng sông tuổi thơ (Hoàng Hiệp) đến Thuyền và biển, Thư tình cuối mùa thu (Xuân Quỳnh - Phan Huỳnh điểu)... đều là những ca khúc in đậm dấu ấn Quang Lý.

Cũng không thể không nhớ một giai đoạn đặc biệt trong sự nghiệp của anh: thời du ca với nhạc sĩ Trần Tiến suốt hơn năm năm và những ca khúc đậm hình ảnh Hà Nội của nhạc sĩ Phú Quang, dường như không chương trình nào của Phú Quang dù ở Sài Gòn hay Hà Nội thiếu vắng giọng hát của Quang Lý. Sự cống hiến không mệt mỏi cho âm nhạc, sân khấu và những chuyến phục vụ xa trong lẫn ngoài nước của anh được nhìn nhận bằng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1992.

Sau 30 năm ca hát, Quang Lý cũng mong có một chương trình riêng của mình dành cho khán giả như một lời tri ân và chia sẻ. Mong ước ấy xem chừng không dễ bởi thời điểm hôm nay mọi thứ đều cần kinh phí không nhỏ để thực hiện. Nhưng khán giả không quên anh, đơn vị tài trợ cho chương trình của anh là Maximark, vị giám đốc cũng là người hâm mộ tiếng hát Quang Lý, số tiền dù không thật lớn để thực hiện hoành tráng như những live show của những ca sĩ ngôi sao hiện nay, nhưng cũng có thể thực hiện được phần nào mong ước ấy của anh với khán giả của mình.

Nhạc sĩ Tuấn Thăng cũng góp tay trong công việc âm thanh, ánh sáng, sân khấu cho Quang Lý bởi lẽ con người này... chẳng biết gì mấy về tiền bạc và quản lý. Đài truyền hình TP.HCM thì dành buổi trực tiếp phát sóng chương trình 30 năm ca hát của Quang Lý trên sóng HTV2 lúc 20g, một ưu ái xứng đáng.

Đêm nhạc duy nhất của anh (3-3-2007) tại sân khấu Maximark chỉ toàn vé mời (không bán vé) sẽ có sự tham dự của một khách mời đặc biệt: nhạc sĩ Trần Tiến - người gắn bó thời du ca. Họ sẽ hát chung những ca khúc một thời trong phần đối thoại mang nhiều chất ngẫu hứng.

... Ngày xưa, có một chú bé cha mẹ gốc Nam Định nhưng lại sinh ra ở tận Thái Lan, 10 tuổi trở về quê quán của cha mẹ mình, sống những ngày thơ ấu với rơm rạ, bờ đê, với những bài quan họ... 40 năm sau trở thành một ca sĩ, một nghệ sĩ ưu tú...

Đấy là câu chuyện của một người có tên Quang Lý.

ĐỖ TRUNG QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên