05/09/2024 10:08 GMT+7

Quang gánh giữa thành phố

Thành phố ngày mưa dầm, đường phố vắng bóng người. Nhưng bà cụ với đôi quang gánh hàng rong trĩu vai vẫn rảo bước trong màn mưa.

Quang gánh giữa thành phố - Ảnh 1.

Vai gầy trĩu quang gánh hàng rong trong mưa - Ảnh: MẠNH DŨNG

Mãi lúc tạm nghỉ dừng chân dưới mái hiên hè đường, bà mới trải lòng: "Tôi còn sức thì còn làm để đỡ đần con cháu ở quê. Tụi nhỏ cũng vui khi được thêm tí tiền quà bánh hay đôi dép, cái áo mới đi học".

Chúng tôi hỏi mưa thế này sao bà không tìm chỗ trú, bà nhẹ nhàng trả lời: "Ông trời mấy hôm nay mưa dầm dề mãi, mình cứ trú, không ráng đi thì bán được bao nhiêu.

Tôi mặc áo mưa, tranh thủ gánh đi vậy chứ cũng bán được chút chút cho những người đang dừng chân tránh mưa trên hè đường.

Chỉ năm, mười ngàn đồng một bịch phồng tôm, một cái bánh tráng, nhưng có người này người kia thương mua giúp cũng đỡ lắm".

Quang gánh vì không biết hoặc không dám đạp xe

Ngoài đường, trời vẫn mưa mờ mịt. Bà cụ 71 tuổi, tên Khổng Thị Ái đó ngồi sắp xếp như đếm lại trong đôi quang gánh còn bao nhiêu cái bánh.

Thấy bà đã lớn tuổi, nhiều người ái ngại: "Sao bà không đi xe đạp chở thúng bánh phía sau để bán như những người khác, mà phải kẽo kẹt quang gánh làm chi cho mỏi vai?".

"Tôi không biết đi xe đạp, mà có biết thì cũng không dám đạp xe ở đường phố đông người quá trời thế này. Đi bộ nhiều lúc còn hoa cả mắt. Nhiều cậu thanh niên phóng xe cứ như muốn đâm thẳng vào mình vậy đó", bà Ái trả lời.

Hiện nay ở đô thị đông dân và hiện đại như TP.HCM, người ta vẫn thấy những bóng người liêu xiêu với quang gánh kẽo kẹt trên vai. 

Như những bóng lạc bên đường, đa phần họ là những người đã cao tuổi từ miền Trung, miền Bắc vào thuê trọ quanh bến xe Miền Tây, bến xe Miền Đông và các con hẻm nhỏ gần kênh Nhiêu Lộc, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp Tân Tạo...

Một số người lớn tuổi còn không biết chạy cả xe đạp. Một số thì đạp xe được ở quê nhà, nhưng lại không dám chạy ở thành phố quá đông đúc này. 

Thế là họ đành chấp nhận kẽo kẹt đôi quang gánh trên vai gầy, bán hàng rong lặt vặt những xấp bánh tráng nướng, bao bánh phồng tôm, bịch trứng cút, xoài ổi gọt sẵn...

Vốn liếng gánh hàng của họ nhiều lắm cũng chỉ năm bảy trăm ngàn đồng, nếu ngày nào may mắn bán đỡ thì họ kiếm lời được ba bốn trăm ngàn, còn ế ẩm thì kiếm một hai trăm.

"Ngày này bù ngày kia cậu à. Coi vậy chứ cũng có nhiều người tốt bụng, thấy mình già cả vẫn phải lọc cọc quang gánh nên họ vừa mua vừa giúp đỡ. Có người lẽ ra chỉ cần mua một hai cái bánh, nhưng mua giúp luôn bốn năm cái. 

Đến khi trả tiền còn cho thêm" - bà Phạm Thị Bình Minh, 59 tuổi, vui vẻ kể về khách hàng gánh bánh tráng nướng của mình.

Trong khi đó, một "đồng nghiệp quang gánh" với bà Minh là bà Nguyễn Thị Đồng khoe mình từng bán được hết cả nửa gánh bánh tráng chỉ cho một người duy nhất.

"Ông đó đang uống cà phê vỉa hè ở đường Hồng Bàng, chắc thấy tội nghiệp tôi nên mua luôn một lần cả bốn trăm ngàn bạc bánh tráng. 

Mua rồi, ổng có ăn được bao nhiêu đâu, mang tặng hết cho bà bán cà phê và mấy ông xe ôm quen gần đó", bà Đồng kể chuyện vui bằng giọng đầy tình cảm.

Quang gánh giữa thành phố - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Đồng đang sắp xếp lại gánh bánh tráng - Ảnh: MẠNH DŨNG

Lớn tuổi, lại phải xa quê nhà, nhiều khi cũng buồn chứ, nhưng chúng tôi cũng hay gặp người tốt bụng, mua giúp mình. Có người còn cho thêm quần áo, quà bánh, thấy thương lắm.
Bà NGUYỄN THỊ ĐỒNG

Đi làm để đỡ đần thêm cho con cháu

Lớn hơn bà Minh, năm nay bà Đồng đã 69 tuổi. Hai người đều cùng quê ruộng Phù Cát (Bình Định), vào thành phố mưu sinh bằng đôi quang gánh trên vai. 

Nếu như bà Minh nói mình phải gánh hàng rong vì không dám đạp xe ở thành phố đông người thì bà Đồng hoàn toàn không biết chạy xe.

"Ở quê, cả đời tôi cũng toàn quang gánh, hết gánh lúa gánh phân làm ruộng lại gánh hàng rong lặt vặt. Mấy người chị em vào đây trước, buôn bán được, bày kế chỉ dẫn cho tôi vào. 

Mỗi ngày lời lãi không được bao nhiêu, nhưng nếu mình tằn tiện thì cũng sống được" - bà Đồng kể thêm mình đã vào được 3 năm, cũng trọ chung dãy với bà Minh ở khu vực gần bến xe Miền Tây. Mỗi tháng chị em chia nhau tiền trọ phòng 1,5 triệu đồng...

Nhiều người thấy tội nghiệp hay hỏi các bà quang gánh trĩu vai như thế này thì mỗi ngày đi được bao xa, và sao không kiếm chỗ nào ngồi bán cho đỡ vất vả? 

Quang gánh giữa thành phố - Ảnh 3.

Gánh đồ ăn kẽo kẹt giữa thành phố hiện đại - Ảnh: MẠNH DŨNG

Thật bất ngờ, nhiều người trả lời đã gánh hàng vài chục cây số mỗi ngày là bình thường. Bà Ái dù đã 71 tuổi vẫn hỏi ngược lại chúng tôi rằng nếu tính mỗi ngày bà đi bộ, gánh hàng từ 5 giờ sáng đến tận tối mịt thì được bao nhiêu cây số?

Rồi bà cười, tự trả lời sang sảng: "Dù có mưa nắng hay nhức giò mỏi vai gì thì tôi cũng không đi dưới 30 cây số đâu nghe. Nhiều thanh niên chưa chắc qua nổi già này". 

Bà nói thêm hàng rong rẻ tiền thì phải bù đắp bằng siêng năng, chứ loanh quanh một chỗ thì ai mua, mà có mua giúp thì họ cũng đâu thể ăn mãi mấy cái bánh tráng, cóc ổi.

Cũng như nhiều "đồng nghiệp nghề trĩu vai" khác, bà Ái kể mục đích mình lớn tuổi vẫn rời quê vào mưu sinh ở TP.HCM vì tự thấy còn sức khỏe, còn làm được, không muốn ở nhà thành gánh nặng cho con cái. 

"Coi vậy chớ tụi tôi vô đây đi làm mà biết tằn tiện cũng có dư chút đỉnh để gửi phụ thêm con cho các cháu đi học" - bà Ái kể thêm mình còn hai đứa cháu đang tuổi tiểu học ở quê Quảng Ngãi. Mỗi tháng ít nhất bà cũng gửi về cho cháu được 1,5 triệu đồng - số tiền đủ đóng học phí và cho cháu mua thêm tí quà bánh đến trường.

Ngoài ra, bà Ái còn để dành mỗi tháng 1 triệu đồng như là "lương hưu" khi bà không quang gánh nổi nữa. "Ở quê như tôi cũng không xài bao nhiêu, tiền này cũng đủ phòng thân cho mình và đỡ khổ cho con cái sau này", bà Ái chia sẻ.

Quang gánh giữa thành phố - Ảnh 4.

Cả đôi quang gánh hàng rong chỉ vài trăm ngàn đồng - Ảnh: MẠNH DŨNG

Đỡ đần nhau khi hoạn nạn

Những người quang gánh trên vai kiếm sống như bóng lạc lẻ loi ở thành phố thường tụ lại ở trọ với nhau thành từng khu để đỡ đần nhau khi ốm đau và hoạn nạn bất ngờ. Nhiều người còn là đồng hương, người đi trước chỉ kế sinh nhai cho kẻ đi sau.

Cách đây 3 tháng, bà Nguyễn Thị Mùi (65 tuổi, quê Bình Định) bị xe quệt té trên đường số 48, khu Tân Tạo, quận Bình Tân và đã được bạn bè cưu mang suốt gần một tháng phải nằm phòng trọ. "Mình lớn tuổi, xa nhà mà có chị có em đỡ lắm. Họ lo cơm nước, thuốc men cho tôi, còn bán giúp cho tôi hết gánh hàng còn ế", bà Mùi tâm sự.

Quang gánh giữa thành phố - Ảnh 4.Váy bèo 152.000 đồng cũng mua trả... góp

Trước hấp lực mua sắm dễ dàng, nếu tính toán không kỹ thì từ tiện lợi có thể tích tụ bong bóng nợ nần và gánh nỗi lo ngày lo đêm nặng nề, kể cả bị... gí nợ, xiết đồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên