11/06/2019 10:36 GMT+7

Quảng cáo trên YouTube, cảnh giác nhãn hàng bị gắn vào clip xấu

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Ngày 10-6, Bộ Thông tin - truyền thông vừa phát cảnh báo tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước về việc hiện đang có quảng cáo bị gắn trong các video nội dung xấu độc, phản động trên YouTube.

Quảng cáo trên YouTube, cảnh giác nhãn hàng bị gắn vào clip xấu - Ảnh 1.

Các bạn trẻ xem clip trên YouTube của nhóm FAPtv Cơm nguội - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo bộ này, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người làm nội dung phát trên các kênh YouTube (gọi theo cách sang trọng của YouTube là những nhà sáng tạo nội dung, hoặc gọi theo cách phổ dụng là youtuber) kiếm tiền thông qua hoạt động quảng cáo trên kênh của mình.

Doanh thu quảng cáo đến từ hai nguồn chính là ăn chia với YouTube và hợp tác với các thương hiệu, sản phẩm riêng. Trong đó nguồn thu từ YouTube là việc chèn quảng cáo tự động ở đầu, giữa, cuối video. Nguồn thu còn lại là nhờ sự nổi tiếng và khả năng kết nối của kênh với các doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo.

Doanh nghiệp cần cân nhắc lợi và hại, view cao có thể giúp nhận biết thương hiệu nhanh, nhưng không kiểm soát được thì thương hiệu đó sẽ bị hiểu lệch lạc trong tâm trí khách hàng.

Ông Lý Trường Chiến

Nhiều "con sâu" đang hại "nồi canh"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, rất nhiều youtuber đồng tình về tình trạng xuất hiện tràn lan những video có nội dung tiêu cực, phản cảm, thậm chí vi phạm thuần phong mỹ tục, đang làm xấu đi hình ảnh cộng đồng youtuber Việt Nam nói riêng, môi trường YouTube Việt Nam nói chung. 

Theo chia sẻ của nhiều youtuber, những kênh có đầu tư và nội dung lành mạnh có thể kiếm nguồn thu chính từ quảng cáo sản phẩm. Còn với những kênh nội dung không đầu tư hay không lành mạnh sẽ có ít nhãn hàng chịu hợp tác quảng cáo, nên nguồn thu từ YouTube là chính.

Phạm Hoàng Minh, kênh Ghiền Film, cho rằng: "Các video "tào lao" đang tràn ngập YouTube hiện nay không chỉ cổ xúy lối sống tiêu cực, kích động giới trẻ mà còn làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng làm nội dung YouTube chân chính". 

Trong khi đó, Nguyễn Lạc Huy, nhà sáng lập kênh Schannel, tỏ ra lo lắng: "Việc có nhiều kênh nội dung không tốt chắc chắn ảnh hưởng khá nhiều đến các kênh làm việc chân chính khi cùng bị đánh đồng. Ngoài ra, việc có nhãn hàng nào rút quảng cáo cũng sẽ ảnh hưởng tới các kênh làm việc chân chính và có đầu tư".

Dù có lo ngại, nhưng nhiều youtuber cũng bày tỏ sự tin tưởng vào xu hướng nội dung "sạch" sẽ chiến thắng nội dung "xấu". Bùi Hữu Hùng, kênh F.A Channel, nói: "Những nội dung có thể gọi là "nhảm", "tào lao" hay vi phạm pháp luật trên YouTube sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến những người làm nội dung sạch như chúng tôi, vì mỗi nội dung có những người dùng khác nhau sẽ xem". 

Đại diện Yeah1 cũng cho biết: "Thực chất các nội dung không lành mạnh chỉ là một mảng xám nhỏ trong ngành nội dung số. Một bộ phận lớn các nhà sản xuất nội dung tốt của Việt Nam vẫn đang miệt mài làm ra các sản phẩm tốt".

Cần có biện pháp mạnh

Theo Nguyễn Lạc Huy, Nhà nước và YouTube nên tạo một danh sách ưu tiên các kênh có nội dung tốt, để các nhãn hàng có danh sách có thể chạy quảng cáo an toàn và tạo một cộng đồng nội dung tốt để làm một hình mẫu cho các nhà tạo nội dung mới. 

"Hiện nay, tôi đã thấy YouTube mạnh tay và rõ ràng hơn trong việc duyệt kiếm tiền và nội dung của các kênh mới. Hi vọng YouTube sẽ đẩy mạnh thêm việc này".

Ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc marketing dịch vụ du lịch Tugo, cho rằng việc các nội dung nhảm nhí, độc hại đang tràn lan trên mạng xã hội YouTube thật sự nguy hiểm. Ngoài gây ảnh hưởng đến các đơn vị làm nội dung nghiêm túc, nó còn có các tác động cực kỳ tiêu cực đến giới trẻ. 

Điển hình ta có thể thấy gần đây các "đại ca giang hồ" lại đang trở thành một "biểu tượng" mới. Trách nhiệm đầu tiên với vấn đề này thuộc về những đơn vị, cá nhân làm nội dung vì lợi nhuận mà sẵn sàng bất chấp hậu quả. 

Kế đến là YouTube khi bản thân họ có thể kiểm duyệt nhưng lại làm lơ trong việc ngăn chặn nội dung xấu trên nền tảng của mình. Họ không thể đổ lỗi cho ai trong việc này, vì bản thân họ sở hữu nền tảng quảng cáo và dùng để kinh doanh thì họ phải có trách nhiệm đối với những nội dung liên quan.

"Tôi nghĩ các cơ quan quản lý cần có những biện pháp mạnh tay xử lý những nội dung nhảm nhí, thậm chí là các cá nhân, đơn vị có liên quan. Như vậy mới đảm bảo một môi trường thông tin lành mạnh và tránh được các hệ lụy về sau" - ông Vĩ đề xuất.

Anh Nam Huân (TP.HCM): Phụ thuộc nhiều vào đạo đức công ty

namhuan

Anh Nam Huân

Các quảng cáo, hình ảnh thương hiệu xuất hiện trên những clip độc hại, view cao nhưng nội dung nhảm nhí, giật gân là thực tế đáng buồn, vì hiện các doanh nghiệp dựa trên quảng cáo theo cách thức này không hề kiểm soát được thương hiệu của mình sẽ xuất hiện ở đâu trên thế giới mạng vô tận.

Ở trường hợp này phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của các công ty, đại lý đặt quảng cáo. Các công ty này cũng bị áp lực chỉ số đăng quảng cáo hiệu quả, chạy theo lợi nhuận, nhưng chỉ số này lại dựa trên view. Họ để các thương hiệu lớn xuất hiện trên những clip bẩn vì view cao.

Các thương hiệu lớn đều không bao giờ muốn hình ảnh, thương hiệu của mình xuất hiện ở những nơi xấu xí và bản thân người tiêu dùng cũng dè dặt khi chọn mua những sản phẩm trên clip đó, nhất là các sản phẩm cho con em mình.

Trong khi vẫn chờ đợi những cơ chế kiểm soát gắt gao của cơ quan quản lý với các kênh có nội dung "bẩn" hay độc hại, tôi vẫn tự kiểm soát các chương trình mà con mình xem và cảnh giác với các quảng cáo trên kênh YouTube.

Chuyên gia tư vấn quản trị chiến lược Lý Trường Chiến: Cần bỏ tâm lý view cao tức thời nhưng vô nghĩa

truongchien

Chuyên gia tư vấn quản trị chiến lược Lý Trường Chiến

Các thương hiệu nếu xuất hiện trên những nội dung clip xấu, không phù hợp thì hậu quả để lại sẽ khôn lường, mà dễ thấy nhất là hình ảnh thương hiệu sẽ bị méo mó, người dùng sẽ nhận diện sai lệch. Người dùng hay có tính liên tưởng cao, nếu thương hiệu đi vào kênh không phù hợp sẽ làm cho độ tin cậy hay hình ảnh của thương hiệu bị sai lệch rất nhiều.

Vì vậy, chủ các thương hiệu, doanh nghiệp phải hết sức cẩn trọng trong các chiến lược truyền thông, kiểm soát chặt chẽ từng bước thực hiện, không nên khoán trắng cho các đại lý quảng cáo.

Vì một khi rủi ro xảy ra, kể cả khi các đại lý này nhận lỗi, đền bù thì cũng không bù nổi những thiệt hại vô hình mà thương hiệu mất đi. Thậm chí nếu xử lý không khéo sẽ còn dẫn đến khủng hoảng thương hiệu, hậu quả lúc này ngoài tầm kiểm soát.

Theo tôi, quản lý nhà nước vẫn cần làm việc với các hiệp hội chuyên ngành, doanh nghiệp, đại lý quảng cáo, tạo ra những đợt tuyên truyền có tính tích cực giúp chủ thương hiệu lẫn cộng đồng nhận thức đúng với lợi ích của truyền thông, bỏ tâm lý view cao tức thời mà giá trị không có.

N.BÌNH ghi

Cảnh báo các doanh nghiệp bị gắn quảng cáo trong clip xấu độc trên YouTube

TTO - Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) vừa phát cảnh báo tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước về việc hiện đang có quảng cáo bị gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động trên YouTube.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên