09/08/2017 09:00 GMT+7

Quảng cáo trên Google: quá nhanh, quá nguy hiểm

N.AN - Đ.THIỆN - A.ĐỨC
N.AN - Đ.THIỆN - A.ĐỨC

TTO - Theo quy định của pháp luật, nhiều ngành kinh doanh, trong đó có y tế, muốn quảng cáo phải xuất trình một số loại giấy tờ chứng minh. Nhưng với Google lại... không cần. Cái cần là thời gian: chỉ 30 phút.

Ông VŨ MẠNH CƯỜNG - Ảnh: HỮU KHOA
Ông VŨ MẠNH CƯỜNG - phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng của Bộ Y tế - Ảnh: HỮU KHOA

Các đại lý của Google phải chấp hành, không thể chỉ thu tiền quảng cáo và đưa bất cứ dịch vụ, sản phẩm nào lên bất chấp sức khỏe, chi phí của người tiêu dùng...

Ông Vũ Mạnh Cường - phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng của Bộ Y tế

Trực tiếp đặt quảng cáo cho ngành nghề kinh doanh có điều kiện như y tế, giáo dục... nhưng người tiếp nhận của Google khẳng định: không cần phải chứng minh chất lượng hàng hóa sản phẩm, không cần giấy phép. Cơ bản chỉ cần có trang web, giao kết và chuyển tiền...

Điều này khác với quy định mà các phương tiện truyền thông ở VN phải tuân thủ.

Chỉ cần khoảng 30 phút...

Trong vai một người bán sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu từ Mỹ, phóng viên Tuổi Trẻ đã trực tiếp liên hệ đến số điện thoại hỗ trợ miễn phí 02444583... được Google giới thiệu “Quảng cáo trên Google hôm nay - hỗ trợ chính thức từ Google”.

Một nhân viên hỗ trợ cho biết chỉ cần có thẻ thanh toán quốc tế, website quảng cáo và lựa chọn gói quảng cáo dựa trên các từ khóa tìm kiếm... là có thể thực hiện.

Khi được hỏi sản phẩm quảng cáo liên quan đến sức khỏe vậy có cần các giấy tờ về giấy phép quảng cáo, xuất xứ, chứng minh chất lượng sản phẩm... như các cơ quan báo chí VN vẫn yêu cầu, vị tư vấn đại diện của Google cho biết hãng không đặt ra yêu cầu này.

Qua tìm hiểu, các dịch vụ, hàng hóa có thể quảng cáo trên Google với chu trình chỉ khoảng 30 phút.

Sau đó, khi khách hàng tìm kiếm từ khóa liên quan đến đăng ký quảng cáo là website của người chi tiền cho Google sẽ lên tốp đầu danh sách tìm kiếm, tăng khả năng lựa chọn của khách hàng.

Google quảng bá mời gọi tổ chức, cá nhân mua quảng cáo trên công cụ tìm kiếm của mình - Ảnh: CHÂU ANH
Google quảng bá mời gọi tổ chức, cá nhân mua quảng cáo trên công cụ tìm kiếm của mình - Ảnh: CHÂU ANH


Tin “thầy” Google

Chị N.T.L. (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết theo kết quả tìm kiếm trên Google, chị đã chọn mua một số sản phẩm thực phẩm chức năng được giới thiệu là “hàng xách tay Úc” từ một shop bán hàng xách tay.

Trang giới thiệu sản phẩm không những được đưa lên tốp đầu, mà khi click vào website thấy trang Facebook bán hàng của shop này có tới hàng chục nghìn người theo dõi, chị đã tham khảo và đặt mua một số sản phẩm hỗ trợ đường tiêu hóa và viên uống đẹp da collagen...

Tuy nhiên, sau khi sử dụng sản phẩm một thời gian, chị N.T.L. thấy da sạm vàng, dù tăng cân nhưng cơ thể mệt mỏi nên đã đi kiểm tra sức khỏe và phát hiện chức năng gan bị ảnh hưởng nhẹ.

Trực tiếp khiếu nại và yêu cầu trả sản phẩm, bồi thường nhưng chị nhận được phản hồi của trang website bán hàng là “không có liên quan”.

Anh Nguyễn Quốc Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết anh bị viêm họng hạt mãn tính, tra trên Google tìm một phòng khám, anh quyết định chọn một trang web nằm trong top 3 kết quả tìm kiếm đầu tiên trên đầu danh sách của google.com.vn.

Bỏ hơn 2 triệu đồng mua thuốc, cuối cùng anh Tuấn cho biết... bệnh đâu vẫn hoàn đấy.

Dù trong trang web quảng cáo có khẳng định không khỏi sẽ hoàn tiền, nhưng nhân viên lại đổ cho nguyên nhân không khỏi do cơ địa, sẽ tiếp tục hỗ trợ anh thuốc đến khi nào... khỏi thì thôi.

Ngày 6-8, anh Tuấn tìm tiếp một phòng khám ở đầu danh sách chữa viêm họng hạt trên Google, trang web này liệt kê hàng loạt người khỏi bệnh.

Nhưng khi kích vào “giấy phép hoạt động” chỉ thấy hiện ra trang phòng khám mời khách... chat trực tuyến.

Anh Tuấn cho biết nhiều trang web chữa bệnh quảng cáo ở đầu trang tìm kiếm của Google thậm chí chỉ cần gọi điện đến nói “tôi bị viêm họng hạt”, họ hỏi han vài câu là đòi chuyển tiền, phòng khám sẽ chuyển thuốc qua... xe ôm.

“Cảm giác những phòng khám này không cần chất lượng. Họ chỉ đầu tư làm sao mỗi tháng có 100-200 người dùng thử. Dù không khỏi, phải bỏ cuộc, phòng khám đã kiếm bộn” - anh Tuấn nói.

Google có thể làm được nhiều hơn...

Ông Phan Đăng Dũng, giám đốc Công ty quảng cáo và sự kiện Morevents, nhận xét với Google hay Facebook, những quy định về quảng cáo do họ đưa ra đương nhiên đại diện cho quyền lợi của họ.

Nếu xét về “dân số” thì cư dân của Google hơn hẳn một quốc gia, nhưng quy định về quảng cáo của họ, ông Dũng cho rằng chỉ đáp ứng lợi ích của một nhóm, không có sự phản biện để cân bằng lợi ích các bên.

Do đó rất cần có một hệ thống quy định mang tính quốc tế để cân bằng lợi ích của nhiều bên: Google, doanh nghiệp đăng quảng cáo và người dùng.

Ông Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, cũng cho rằng VN có Luật cạnh tranh và Luật quảng cáo, trong đó có quy định rất rõ ràng quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thực hiện quảng cáo và cả doanh nghiệp phát hành quảng cáo.

Luật quảng cáo có nêu rõ những hành vi bị cấm như quảng cáo không đúng gây nhầm lẫn, hoặc dùng từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh... Nhưng với các doanh nghiệp như Facebook và Google lại đang nằm ngoài quy định này.

Do đó cần có quy định bổ sung đối với những hoạt động quảng cáo trên các kênh này.

* Ông Vũ Mạnh Cường (phó vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng - Bộ Y tế):

Phải tuân thủ quy định của VN

Google đang hoạt động tại VN, do đó phải thực hiện theo tất cả các quy định về quảng cáo của VN. Với lĩnh vực y tế, đã có quy định Google phải tuân thủ những quy định về nội dung quảng cáo như với các phương tiện truyền thông khác.

Điều này chắc chắn các đại lý quảng cáo cho Google ở VN nắm rõ. Google không trực tiếp mà thông qua các đại lý để tiếp nhận quảng cáo ở VN. Các đại lý này phải chấp hành, không thể chỉ thu được tiền quảng cáo và đưa bất cứ dịch vụ, sản phẩm nào lên bất chấp sức khỏe, sự an toàn, chi phí của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, quảng cáo trên Google là một hoạt động mới. Bản thân Google, theo như tôi được biết, có thể đã có cơ chế kiểm soát các nội dung quảng cáo theo luật quốc tế và quy định riêng của họ. Nhưng các cơ quan chức năng cần có sự giám sát xem Google, thông qua các đại lý, có tuân thủ quy định của VN chưa.

Về phía người tiêu dùng cũng phải tạo cho mình thói quen cẩn trọng, muốn chọn sản phẩm quảng cáo trên Google hay môi trường mạng nhất định phải tìm hiểu rõ xuất xứ, giấy phép lưu hành nếu là thuốc, thực phẩm chức năng, giấy phép quảng cáo… (THANH HÀ ghi)

N.AN - Đ.THIỆN - A.ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên