
Mẫu quảng cáo gây tranh cãi của thương hiệu sữa Adopt a cow - Ảnh: Tử Kim Tài chính
Theo trang Sina.cn, mạng xã hội Trung Quốc đang xôn xao tranh cãi về các áp phích quảng cáo với khẩu hiệu như "COWS tuyển dụng trực tiếp - Tìm việc, nói chuyện thẳng với sếp, moo!", hay "Nhảy việc thôi! Bò sữa ơi, nghe nói trang trại của mấy bạn không có nắng à?" xuất hiện tại nhiều ga tàu điện ngầm và khu dân cư ở Thượng Hải, Hàng Châu.
Nhiều cư dân mạng cho rằng khẩu hiệu quảng cáo của thương hiệu sữa Adopt a cow có phần mỉa mai giới công sở, thậm chí nghi ngờ "đá xéo" app tuyển dụng BOSS vốn rất phổ biến tại Trung Quốc.
Trước làn sóng phản ứng, đại diện thương hiệu sữa xác nhận đã "mượn" phong cách thiết kế của ứng dụng BOSS như một cách "tri ân hình ảnh" và đã được cho phép.
Cốt lõi của tranh cãi không chỉ nằm ở câu chữ quảng cáo, mà là sự lệch pha giữa logic tiếp thị và cảm xúc xã hội. Khi hình ảnh bò sữa được ưu ái với "ánh nắng chan hòa" và "chăm sóc cảm xúc", thông điệp trở nên phản cảm khi đặt cạnh thực tế làm việc 996 (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần) của nhân viên văn phòng.
Như lời châm biếm trên mạng: "Bò sữa còn được tắm nắng, người làm công thì mốc meo trong văn phòng". Khi phúc lợi dành cho động vật được tô vẽ như một hình mẫu lý tưởng nơi công sở, điều đọng lại không còn là tiếng cười đồng cảm mà là cảm giác bị giễu cợt.
Phía công ty sữa giải thích họ sử dụng thủ pháp nhân hóa để nhấn mạnh sự chăm sóc tỉ mỉ dành cho bò sữa - như phép so sánh với mức độ tận tâm khi chiêu mộ nhân tài. Qua đó, họ muốn làm nổi bật lợi thế của chuỗi sản xuất chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ số.

Một chai sữa mang thương hiệu Adopt a cow - Ảnh: Sina.cn
Tuy thế, truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng sự bùng nổ tranh cãi còn là hệ quả của khủng hoảng niềm tin từ trước.
Thương hiệu sữa Adopt a cow đã từng vướng tranh cãi về tính xác thực của mô hình "nhận nuôi" khi người tiêu dùng phát hiện không thể truy xuất nguồn gốc đến từng trang trại. Thêm vào đó, tỉ lệ nguồn sữa thu mua từ đối tác bên ngoài mâu thuẫn với thông điệp về "trang trại riêng" của họ.
Tranh cãi này là lời nhắc nhở cho ngành quảng cáo: khi thương hiệu chọn sự hài hước để chạm vào vấn đề xã hội, họ phải hiểu rõ logic cảm xúc của công chúng. Chỉ khi sáng tạo được đặt trên nền tảng tôn trọng thực tế và lắng nghe nhu cầu người tiêu dùng, thương hiệu mới tạo dựng được niềm tin và sự đồng hành bền vững.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận