16/04/2025 07:57 GMT+7

Quảng cáo sữa giả vẫn rần rần trên mạng

Hàng loạt quảng cáo về các loại sữa giả vẫn đang được phát trên nhiều nền tảng như TikTok, Facebook... ngay cả khi những người nằm trong đường dây sản xuất đã bị công an bắt giam.

sữa giả - Ảnh 1.

Một quảng cáo sản phẩm sữa giả vẫn đang chạy hoành tráng trên mạng xã hội - Ảnh chụp màn hình

Trước đó, Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán gần 600 loại sữa bột giả. Trong khoảng bốn năm, các nghi phạm đã tuồn ra thị trường các loại sữa giả, gom về doanh thu tới gần 500 tỉ đồng. Dù đường dây này đã bị triệt phá nhưng quảng cáo bán hàng các loại sữa giả vẫn ngập tràn trên mạng.

Tràn ngập quảng cáo sữa giả, sữa dỏm

Vào nền tảng mạng xã hội TikTok, chỉ cần bấm từ khóa "Sure IQ", lập tức hiển thị tràn ngập các nội dung quảng cáo sản phẩm. "Giúp tăng cường canxi, hấp thụ vào xương, ngăn ngừa nguy cơ loãng xương, giúp khớp dẻo dai linh hoạt", dòng chữ hiển thị trong một video quảng cáo, kèm hình hộp sữa và chèn nhạc thêm sinh động.

Một tài khoản có tên "Siêu thị sữa..." với hơn 8.000 tài khoản theo dõi, cũng đăng tải rất nhiều video quảng cáo, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc đường dây sữa giả kể trên. Đáng chú ý, tài khoản này còn đăng video một người mặc áo blouse trắng, xưng bác sĩ và cho biết khi trẻ dùng sữa này sẽ cảm thấy rất dễ chịu, tiêu hóa tốt, phòng ngừa tình trạng táo bón cũng như các bệnh về đường tiêu hóa, tăng cân...

"Không phải hãng sữa nào cũng làm được điều này", người mặc áo blouse cho hay, đồng thời khẳng định sữa này "có công thức gần giống với sữa mẹ nhất". 

Trong gần 600 loại sữa bột giả bị tuồn ra thị trường, các đối tượng hướng đến tệp khách hàng đa dạng, có thể trạng yếu, bao gồm người bị tiểu đường, bệnh nhân suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ có thai...

Trước đó trên thị trường cũng có hàng loạt nghệ sĩ có tên tuổi lớn khác đã bị phản ứng do dính "dớp" quảng cáo khiến người xem hiểu lầm về chất lượng thực sự của sản phẩm sữa. Nổi bật là nghệ sĩ Cát Tường, Quyền Linh từng tuyên bố uống sữa non Diasure sẽ giúp bệnh nhân không còn lo tiểu nhiều - tiểu đêm, ngăn đường huyết cao và các biến chứng nguy hiểm...

Nhiều người có ảnh hưởng khác cũng đang bị cộng đồng mạng Việt Nam thể hiện thái độ giận dữ vì đã quảng cáo sản phẩm sữa có tên Hiup. Dòng sản phẩm này từng bị phạt do quảng cáo không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định quảng cáo vào tháng 3-2024.

Vào trang "Hiup Chính hãng (Hiup)" trên Facebook, dễ dàng thấy nhiều bài đăng từ năm 2024 đến tháng 3-2025, với các lời quảng cáo hấp dẫn kèm hình ảnh bé trai, bé gái xinh xắn và khỏe mạnh, để làm minh chứng cho chất lượng sữa.

Đáng chú ý, trang này còn đăng video được cắt từ một phiên livestream (phát trực tuyến) bán hàng, do MC Vân Hugo quảng cáo, xung quanh là hàng chục thùng sữa, phía sau là những người mặc áo màu xanh như công nhân nhà máy. Trong phần bình luận của video, trang này còn kèm theo cả đường link để đăng ký mua hàng. Cập nhật vào chiều tối 14-4, đường link này vẫn hoạt động.

Truy cập vào trang này vẫn còn hình ảnh của hàng loạt người nổi tiếng, bao gồm: MC Vân Hugo, MC Quang Minh, MC Hoàng Linh, diễn viên Trung Ruồi, NSƯT Chí Trung...

Theo phía bán hàng, đây là sữa non, sữa nhập từ Mỹ, giúp tăng đều chiều cao từ 3-5cm cho trẻ từ 2 - 18 tháng. "Số lượng có hạn, nhanh tay đặt ngay", trang bán hàng kêu gọi, đồng thời cho biết chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có nhân viên bán hàng gọi lại ngay.

Tiếp tay bán sữa giả là tội ác

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia truyền thông nhận định việc những người có ảnh hưởng tiếp tay quảng cáo sữa giả cũng gây tác hại không kém những người sản xuất, bởi đông đảo người tiêu dùng mua sản phẩm vì tin vào hình ảnh uy tín của người quảng cáo mời gọi.

Bà Tô Giang, giám đốc Công ty tư vấn Renaissance, cho biết sữa là dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ em, bà bầu, người già, bệnh nhân.

Sữa giả (chất lượng dưới 70% công bố) gây nguy cơ suy dinh dưỡng, ảnh hưởng thai nhi hoặc làm nặng bệnh mạn tính. "Với quy mô 500 tỉ đồng, vụ việc làm xói mòn niềm tin vào thị trường sữa, khiến người tiêu dùng hoang mang, doanh nghiệp chân chính mất khách.

Là mẹ, tôi lo khi chọn sữa cho con và cha mẹ, sợ hàng giả len lỏi và cũng mất niềm tin vì không biết nguồn hàng nào mới là thật", bà Giang cho biết.

Ông Nguyễn Duy Vĩ, giám đốc Công ty truyền thông Buzi, cho rằng trong khi vụ "kẹo rau" từng khiến cộng đồng xôn xao vì chiêu trò thổi phồng công dụng, vụ sữa giả lần này lại là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội và các cơ quan quản lý nhà nước. "Không còn là chiêu trò, đây là một hành vi lừa đảo có tổ chức, có mục đích và bất chấp hậu quả để trục lợi", ông Vĩ nhận xét.

Theo ông Vĩ, những kẻ sản xuất biết rõ đối tượng tiêu dùng là trẻ nhỏ, người già, người bệnh - những người xem sản phẩm của chúng như một trong những phương pháp để hồi phục và tăng cường sức khỏe.

"Và chúng vẫn làm, bằng mọi cách, để trục lợi. Đây không còn là câu chuyện "vi phạm an toàn thực phẩm", mà là hành vi đầu độc tập thể, có thể gây ra những hệ lụy lâu dài tới sức khỏe, sự phát triển trí tuệ và thể chất của cả một thế hệ", ông Vĩ bức xúc.

Cũng theo ông Vĩ, khi một KOL nhận tiền để quảng bá cho một sản phẩm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, họ không những lan truyền ảnh hưởng mà đã đồng lõa với sai phạm.

Họ không thể lấy lý do "không biết", "bị lừa" hay "chỉ là review" để bao biện. Do đó việc xử phạt hành chính, gỡ bài, xin lỗi... là chưa đủ sức răn đe.

Phải có án phạt hình sự nghiêm khắc cho những kẻ sản xuất, phân phối hàng giả - đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

KOL quảng cáo hàng giả cũng cần bị xử lý theo luật, không thể "vạ miệng" rồi xóa bài là xong, ông Vĩ đề xuất.

Một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) cho rằng không thể có chuyện tiếp tay cho việc đầu độc người khác chỉ bị coi là vi phạm hành chính. "Nếu không mạnh tay thì hôm nay là sữa, ngày mai sẽ là thuốc, là nước uống, là mọi thứ ta tin là an toàn và được cơ quan quản lý nhà nước quản lý rất chặt chẽ. Đã đến lúc không thể nhân nhượng cho cái ác, cái xấu hoành hành theo một hệ thống bất chấp hậu quả để lại sẽ lâu dài tới đâu", vị này nói.

sữa giả - Ảnh 2.

Nhiều người nổi tiếng như BTV Quang Minh, Vân Hugo... quảng cáo cho sữa Hiup - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Rót bộn tiền để quảng cáo hàng giả, thuốc dỏm trên mạng

ThS Nguyễn Phạm Hoàng Huy - chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử tại FPT Polytechnic HCM - cho biết với những nền tảng như YouTube hay Facebook, các doanh nghiệp sẽ phải chi từ 2 - 5 triệu đồng/ngày cho chi phí quảng cáo, tương ứng 60-150 triệu đồng/tháng. Với những kênh "hot", số tiền chi ra có thể gấp 5-10 lần.

Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng bỏ ra từ 2 - 3 triệu đồng/ngày trở lên để quảng cáo trên TikTok. Riêng nhóm hàng thực phẩm chức năng, sữa cho người bị tiểu đường, sữa bổ sung dinh dưỡng cho mẹ bầu, sữa tăng cân và tăng chiều cao cho trẻ em, thuốc nam... cần chi tiền nhiều hơn để quảng cáo, rơi vào khoảng 10 triệu đồng/ngày trở lên. Ở nền tảng này, bên bán còn tiếp cận được thêm nhóm khách hàng trẻ.

Theo ông Huy, khi quảng cáo sữa, mỹ phẩm..., YouTube và Facebook không yêu cầu giấy tờ chứng minh nội dung quảng cáo đúng sự thật và nội dung quảng cáo có hạn chế (thông tin liên quan đến trẻ em, phụ nữ mang thai, sức khỏe, bệnh lý...).

TikTok có yêu cầu giấy tờ và thông tin hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến trẻ em, sức khỏe và phụ nữ mang thai nhưng cũng có thể bị "qua mặt" bằng giấy tờ giả hoặc cung cấp thông tin để lách luật. Như vậy trừ khi cơ quan công an phát hiện, kẻ gian vẫn dễ dàng lợi dụng để bán hàng dỏm, hàng giả.

Không chỉ các loại mỹ phẩm, thực phẩm, thuốc... kém chất lượng được sản xuất trong nước, nhiều đối tượng còn tuồn cả hàng giả/dỏm từ nước ngoài về bán tại Việt Nam với cái mác "hàng xách tay", "hàng tuồn từ nhà máy"…

Người dùng mất niềm tin người nổi tiếng

Theo báo cáo kỹ thuật số 2025 của We Are Social công bố vào đầu năm 2025, chỉ tính riêng năm 2024 ngân sách chi tiêu cho người có ảnh hưởng (KOL) quảng cáo tại Việt Nam lên tới 87 triệu USD, tương ứng 2.250 tỉ đồng, tăng gần 16% so với năm liền trước.

Thậm chí nhiều KOL còn làm tiếp thị liên kết để ăn hoa hồng, đặt nhà máy gia công để có sản phẩm mang thương hiệu mình nên con số thực tế là rất lớn.

Tuy nhiên ngay sau khi tin tức Bộ Công an triệt phá đường dây sữa bột giả quy mô lớn, nhiều người tiêu dùng cho biết đã hoàn toàn mất niềm tin vào những người nổi tiếng sau khi vứt bỏ các hộp sữa đã lỡ mua theo quảng cáo.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Như Ngọc (TP.HCM) cho biết bản thân cảm thấy sốc bởi sữa là mặt hàng thiết yếu với trẻ em, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. "Giờ vàng thau lẫn lộn, người tiêu dùng như mình thật sự khó kiểm chứng được tất cả, cơ quan quản lý thị trường phải làm việc chặt chẽ, nếu không sẽ rất bất an", chị Ngọc cho biết.

Thăm dò ý kiến

Bạn chọn mua sữa bột theo cách nào:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Quảng cáo sữa giả vẫn rần rần trên mạng - Ảnh 3.Bộ Y tế đề nghị rà soát gần 600 nhãn sữa giả xem công bố sản phẩm ở đâu

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu các sở y tế tỉnh, thành phố rà soát việc công bố sản phẩm sữa bột của các công ty vừa bị cơ quan chức năng phát hiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên