Nhiều sản phẩm được giới thiệu được chế biến từ sâm Ngọc Linh của Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam - Ảnh: TRẦN VẤN
Chuyện bắt đầu từ sáng 29-11, Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam long trọng tổ chức khai trương trụ sở tại số 740 Phạm Văn Đồng, TP Kon Tum, ra thông cáo báo chí nêu rõ: "Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam đang sở hữu vườn sâm gốc với hơn 10ha tại 2 địa điểm Ngọc Lây và Mường Hoong" thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei (Kon Tum).
Công bố trên khiến nhiều người nghi ngờ vì chưa hề nghe qua việc trồng sâm của công ty này. Trả lời việc này, ông Nguyễn Tuấn Vũ - tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam - cho biết công ty chỉ đưa kỹ thuật, cách thức làm, cung cấp tiền cho người dân trồng và ký kết hợp tác với người dân trồng sâm Ngọc Linh… Giống sâm được công ty mua ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đưa về nhân.
"Ở Kon Tum lâu nay bị độc quyền bởi một vài doanh nghiệp trồng sâm, những vị trí trồng sâm rừng thì người ta cắt hết rồi và chỉ trên những rừng phòng hộ đấy thì mới trồng được sâm, tức là ở độ cao tương đối, chúng tôi một doanh nghiệp bình thường mới vào xin khó lắm... Bây giờ cũng muốn lập dự án đầu tư một cách chính ngạch, sự liên kết nó được minh bạch và rõ ràng, nó thông thoáng nó mạnh mẽ hơn", ông Vũ nói.
Đến ngày 24-12, ông Nguyễn Hoài Tâm, phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, cho biết hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô; Công ty CP sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông; Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum; Công ty CP Vingin; Công ty TNHH Thái Hòa.
Những doanh nghiệp này có đầy đủ giấy tờ và đã được Sở NN&PTNT tỉnh kiểm tra việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Ngoài ra, có hơn 1.165 hộ gia đình, 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất trồng sâm Ngọc Linh.
Còn theo chỉ dẫn địa lý sâm Ngọc Linh tại quyết định số 2465/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện tỉnh Kon Tum có 9 xã thuộc 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông trồng sâm Ngọc Linh. Trên thực tế, ngoài 9 xã trên, hiện người dân cũng đã trồng sâm Ngọc Linh trên các địa bàn xã Đăk Man, Đăk Blô, Đăk Choong, Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei).
"Trong 5 doanh nghiệp và 1.165 hộ trồng sâm Ngọc Linh, không có doanh nghiệp nào có tên Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam", ông Tâm khẳng định và nói không biết Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam có cơ sở dữ liệu ở đâu.
"Theo quy trình khi họ gửi qua Sở KH&CN thì Sở KH&CN mới chuyển cho Sở NN&PTNT kiểm tra việc trồng sâm của doanh nghiệp này. Thế nhưng, khi Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu họ chứng minh, báo cáo các thủ tục liên quan, thủ tục đất thuê, đất mượn người dân để trồng, thì họ không chứng minh được", ông Tâm nói.
Công ty Sâm Việt Nam tưng bừng khai trương trụ sở đầu tiên tại Kon Tum ngày 29-11 vừa qua - Ảnh: TRẦN VẤN
Để làm rõ việc Công ty cổ phần Đầu tư sâm Việt Nam công bố sở hữu hơn 10ha sâm Ngọc Linh nhưng không chứng minh được, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết đơn vị đang cho kiểm tra, xác minh và xử lý cụ thể.
"Sở đã chỉ đạo cơ quan chức năng thuộc sở yêu cầu công ty giải trình, kết quả sẽ báo cáo cho sở. Khi đó sẽ thông tin lại cho báo chí", ông Nguyễn Tấn Liêm - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum - nói.
Trụ sở của Công ty Sâm Việt Nam tại Kon Tum chỉ mở cửa nửa chừng chiều 23-12, sau khi có thông tin công ty này "trồng sâm trên giấy" - Ảnh: TRẦN VẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận