Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Bình, hiện trung bình mỗi năm Quảng Bình có 1-2 cơn bão đổ bộ trực tiếp vào bờ biển, tần suất xuất hiện và cường độ bão ngày càng gia tăng, thiệt hại do bão hàng năm lên đến vài chục tỉ đồng, số lượng người chết ngày càng tăng. Các huyện ven biển của tỉnh này đang bị nước biển xâm lấn ở mức báo động.
Cùng với đó, theo kết quả khảo sát của dự án “Lồng ghép chiến lược thích ứng dựa vào hệ sinh thái tại Việt Nam” (EbA), do diễn biến thời tiết bất thường, tại các khu vực dọc bờ biển 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nạn cát bay diễn ra thường xuyên hơn, hình thành ngày càng nhiều các đụn cát gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.
Dự báo trong những năm tới, hiện tượng cát bay, cát chảy ở các cồn cát chịu tác động mạnh của gió biển, sẽ tiếp tục lấn sâu vào đất liền, làm sa mạc hóa cục bộ các khu vực hiện nay đang sử dụng để canh tác, làm mất dần đất nông nghiệp tại 2 huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh.
Theo tính toán kịch bản nước biển dâng cao (A1FI) ở mức triều cao nhất trung bình nhiều năm Htbmax. Đến năm 2020, 2040, các khu vực ven biển bị ngập do nước biển dâng là tại 3 cửa sông lớn (cửa Roòn, cửa Gianh, cửa Dinh). Dự báo, trong 60 năm tiếp theo (kể từ năm 2040), số điểm ngập lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không gia tăng, nhưng tại các khu vực ngập lụt trong những năm gần đây thì mực nước sẽ còn dâng cao trên diện rộng.
Để đối phó với các hiểm họa, giảm nhẹ và từng bước thích nghi biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tỉnh Quảng Bình đã lên kế hoạch cho việc ứng phó lâu dài từ nay đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.
Trước mắt, tỉnh Quảng Bình sẽ ưu tiên triển khai 31 chương trình, dự án trong giai đoạn 2016-2020 thuộc các lĩnh vực: nâng cao năng lực; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê kè ven biển chống sạt lở và xâm thực; quản lý tổng hợp vùng bờ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; tài nguyên nước và biến đổi khí hậu; tài nguyên đất; phòng chống thiên tai; nông nghiệp và an ninh lương thực; thủy sản và đa dạng sinh học; quản lý và ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó biến đổi khí hậu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận